Toàn TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 từ 0 giờ ngày 9-7

Giải pháp chống dịch của TP.HCM là hợp lý

Hôm qua (7-7), Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã quyết định giãn cách xã hội đối với toàn địa bàn TP.HCM theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng từ 0 giờ ngày 9-7. Có một số người hoài nghi về chính sách chống dịch của TP.HCM trong thời gian qua, nhất là khi số ca nhiễm tăng liên tục trong bối cảnh có nhiều ý kiến thúc giục TP áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng như Bắc Giang, Bắc Ninh hay Hải Dương đã làm.

Tuy nhiên, mọi chuyện không hề đơn giản như chúng ta nghĩ: Áp đặt một mệnh lệnh hành chính theo khuôn mẫu không phải là cách chống dịch hiệu quả mà TP.HCM nên áp dụng.

Chốt kiểm soát dịch ở quận Gò Vấp, TP.HCM khi quận này thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 hồi cuối tháng 5. Ảnh: HOÀNG GIANG

Linh hoạt, hợp lý

Phải khẳng định rằng việc so sánh TP.HCM với một số tỉnh, thành khác là hoàn toàn không hợp lý. Lý do là trong khi tại một số tỉnh, dịch xảy ra trong khu công nghiệp - vốn rất dễ phong tỏa và kiểm soát thì tại TP.HCM, các ca F0 xuất hiện chủ yếu ngoài cộng đồng. Nếu áp dụng giải pháp phong tỏa cứng nhắc, chuỗi cung ứng sẽ đứt gãy, đời sống của hàng triệu công nhân, người lao động sẽ rơi vào thế khó trong khi các gói cứu trợ cần thời gian để kích hoạt. Mệnh lệnh hành chính khi đó có thể đẩy sinh kế của người dân vào thế lao đao.

Theo quan điểm cá nhân tôi, Chỉ thị 10 của UBND TP.HCM về giãn cách xã hội thể hiện sự linh hoạt và phù hợp với tình hình dịch bệnh tại TP.HCM.

Lý do là Chỉ thị 10 của TP đã đề ra các giải pháp phù hợp với các vùng có nguy cơ dịch rất cao, nguy cơ cao... như phong tỏa, cách ly và giãn cách xã hội cũng như việc xét nghiệm tầm soát trên diện rộng. Đây là cách làm của rất nhiều đô thị lớn trên thế giới mà tôi quan sát trong suốt thời gian qua.

Tuy nhiên, tôi nghĩ TP.HCM có thể làm tốt hơn nữa nếu cải thiện một số vấn đề. Ví dụ, dựa các dữ liệu dịch tễ, xét nghiệm tầm soát, mật độ dân số, đặc điểm dân cư… TP có thể phân tích và dự báo nguy cơ dịch bệnh bằng các mô hình toán học, AI và biểu diễn các vùng cảnh báo nguy cơ dịch bệnh theo các màu xanh lục (vùng an toàn), màu vàng (vùng nguy cơ), màu cam (vùng nguy cơ cao), màu cam đỏ (vùng nguy cơ rất cao) và màu đỏ (vùng nguy hiểm) bằng bản đồ số trên nền tảng GIS (công cụ dùng để thu thập, quản lý và phân tích dữ liệu từ không gian địa lý qua đó thực hiện biên tập bản đồ, lưu trữ dữ liệu bản đồ, thao tác trên bản đồ sao cho tương hợp sự vật, hiện tượng ngoài không gian thực).

Với việc phân tích dữ liệu dịch tễ kết hợp mật độ dân cư, tình hình kinh tế - xã hội... trên nền tảng GIS, TP sẽ dự báo được nguy cơ lan truyền dịch bệnh theo không gian và thời gian. Khi mọi người tiếp cận thông tin dự báo nguy cơ dịch bệnh thông qua bản đồ GIS, chúng ta sẽ có phương án chủ động phòng chống thích hợp với các diễn biến thực tế. Việc này thì hoàn toàn nằm trong tầm tay của TP vì TP là nơi tập hợp các chuyên gia GIS, chuyên gia về phân tích dữ liệu, AI và các chuyên gia y tế dự phòng đầu ngành.

Cần tính đến phương án có thể “sống chung với lũ”

Hồi cuối tháng 6, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho rằng TP phải tính đến phương án “sống chung với lũ” trong giai đoạn tới.

Cần phải hiểu rằng “sống chung với lũ” không có nghĩa là chúng ta chấp nhận phải hy sinh an toàn của người dân để đổi lấy phát triển kinh tế. Quan điểm của TP.HCM qua câu chuyện “sống chung với lũ” chính là phải kiểm soát, khống chế được dịch trong trung và dài hạn, đảm bảo người dân vừa sống an toàn (tức là không bị virus gây bệnh đe dọa sức khỏe cộng đồng) vừa đảm bảo sinh kế (tức là sản xuất, lao động để có cái ăn, cái mặc, chỗ ở…).

Vì sao chúng ta phải xem dịch COVID-19 giống như “lũ” và sống chung với nó trong dài hạn?

TP.HCM đã và đang vừa chống dịch vừa đảm bảo sinh kế. Nói nôm na theo kiểu của người miền Tây là lũ lên cũng phải sản xuất, đảm bảo có cái ăn để tồn tại. Hơn nữa, dịch bệnh xuất phát từ nước ngoài, tức là Việt Nam khi chấp nhận hội nhập thì phải chấp nhận làn sóng virus gây bệnh tràn về từ các nước khác (trong dài hạn).

Chúng ta có chống dịch tốt đến mấy thì cũng phải chấp nhận dịch không thể biến mất khi các nước khác trên thế giới không thể xóa triệt để được virus SARS-CoV-2 và Việt Nam không thể mãi mãi đóng cửa với nước ngoài. Thế nên trước mắt, các biện pháp phong tỏa, cách ly, truy vết, tăng cường tiêm vaccine (đặc biệt cho những người lớn tuổi, người có bệnh nền, người có nguy cơ lây nhiễm cao) sẽ là ưu tiên.

Về lâu dài, chỉ có phương pháp duy nhất và hiệu quả nhất là phải tiêm vaccine đầy đủ cho người dân, tiến tới miễn dịch cộng đồng, từ đó tạo ra cuộc sống “bình thường mới”.

Trong bối cảnh dịch đang lan mạnh như hiện nay, việc siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội là cần thiết. Hiện nay, các khu vực xanh lục (vùng an toàn) dường như không còn tại TP hàng chục triệu dân do chưa tới tình trạng miễn dịch cộng đồng. Vậy nên, điều quan trọng lúc này là TP tập trung các giải pháp đảm bảo an toàn cho người dân và sinh kế cho người dân dễ bị tổn thương (người lao động, công nhân…) để họ có thể vượt qua giai đoạn siết chặt giãn cách xã hội trước khi thiết lập trạng thái “bình thường mới”.

(*) Giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM

 

Đồng lòng, quyết tâm dập dịch

Ông CAO THANH BÌNH,Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM:

Gạt lợi ích của bản thân để chung tay chống dịch

Vừa qua, nhiều người dân, chuyên gia đã có những hiến kế, góp ý cho công tác phòng chống dịch và TP đã tiếp thu, chọn lọc và có phương án cụ thể với quyết tâm chống dịch hiệu quả.

Trong điều kiện hiện nay, bà con cố gắng gạt cái tôi, chấp nhận thiệt hại một phần nhỏ kinh tế, thông cảm khi sinh hoạt không được thoải mái như trước, tù túng, khó chịu hơn một chút để chia sẻ, hành động có trách nhiệm với cộng đồng, cùng với chính quyền thực hiện các biện pháp đủ mạnh để phòng chống dịch tốt nhất.

Mong bà con tiếp tục phát huy nghĩa cử cao đẹp, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau thông qua các bữa cơm nghĩa tình, những món quà là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm chuyển đến các khu vực cách ly, phong tỏa.

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM đang đồng hành với các cấp chính quyền trong việc triển khai Nghị quyết 09 của HĐND TP về hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 bằng việc giám sát để nguồn kinh phí này đến đúng đối tượng, không để ai bị bỏ lại phía sau, bà con nhận được tiền hỗ trợ nhanh chóng, xoay xở trong điều kiện khó khăn.

Ông TRẦN QUANG THẮNG, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM:

Còn con người khỏe mạnh thì còn xây dựng kinh tế

Chính quyền TP.HCM đang thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn sự lan rộng của dịch COVID-19. Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, nếu đạt miễn dịch cộng đồng cao với số người được tiêm vaccine chống COVID-19 đủ nhiều thì TP có thể nới lỏng giãn cách hơn, phát triển kinh tế tự tin hơn.

Chính quyền cũng tăng cường chính sách an dân, hỗ trợ kịp thời cho người lao động, người nghèo an tâm chống dịch. Bởi hiện nay nhiều người vì áp lực kinh tế nên vẫn còn chưa thực hiện các biện pháp phòng chống dịch triệt để, nhất là những người đang gặp khó khăn, họ lựa chọn sự nguy hiểm khi đối diện với dịch bệnh thay vì ở một chỗ để chống dịch.

Phát triển kinh tế là cần thiết nhưng còn con người thì còn xây dựng. Trong thời điểm này, việc chống dịch phải được đặt cao hơn, phát triển kinh tế chỉ ở thế cầm cự và cần chuẩn bị đầy đủ các yếu tố để khi chúng ta khống chế được dịch thì phát triển kinh tế thật mạnh mẽ...

ĐINH THỊ VIỆT PHƯỢNG, khu phố 1, phường Đa Kao, quận 1:

Cần phạt mạnh tay hơn những trường hợp vi phạm

Tôi hoàn toàn ủng hộ việc TP thực hiện Chỉ thị 16 trên toàn TP. Cá nhân tôi thấy thời gian qua mặc dù có nhiều chỉ thị nhưng một số người dân chưa thực hiện nghiêm, một số cá nhân không chấp hành nguyên tắc phòng chống dịch khiến người dân bị ảnh hưởng chung. Vì vậy, tôi nghĩ cần phải thực hiện các biện pháp xử phạt mạnh tay hơn các trường hợp vi phạm...

Đại bộ phận người dân trong khu phố 1, phường Đa Kao ủng hộ chính quyền thực hiện các biện pháp nghiêm hơn để có thể vượt qua đợt dịch này.

LÊ THOA - PHAN NHUNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm