Đó là thông tin của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tại hội thảo sụt lún đất tại ĐBSCL do Bộ Xây dựng chủ trì sáng 22-11 tại TP Cần Thơ.
Tham dự hội thảo còn có đại diện Bộ Xây dựng, đại diện các bộ, ngành, các chuyên gia trong nước và quốc tế. Dịp này, các chuyên gia và chính quyền địa phương đã trao đổi về năm vấn đề gồm: Đo lường sụt lún đất, nguyên nhân gây sụt lún đất, tác động của tình trạng sụt lún đất, giảm thiểu tốc độ sụt lún đất và thích ứng với sụt lún đất.
ĐBSCL sụt lún nhanh hơn nước biển dâng
Theo PGS-TS Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), thời gian qua Chính phủ đã có những chủ trương, chính sách và triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL.
Nhiều đoạn đường ở TP Cần Thơ bị ngập khi mưa. Ảnh: C.ANH
Tuy nhiên, khu vực này đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức bởi vùng đất là nơi rất mẫn cảm với những thay đổi của tự nhiên. “Bên cạnh tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng thì tình trạng sụt lún đất đang xuất hiện ở nhiều nơi tại đây đã và sẽ mang đến nhiều hệ lụy” - bà Hương cho biết.
Theo tổ chức GIZ, những số liệu vệ tinh được Liên minh châu Âu thu thập và xử lý cho thấy một bức tranh khá khắc nghiệt về các khu vực đang bị sụt lún. Từ cuối năm 2014 đến đầu năm 2019, tốc độ sụt lún không hề giảm. Riêng tại ĐBSCL, các đô thị như TP Cần Thơ nền đất sụt lún ở hầu hết mọi khu vực, dao động 2-4 cm/năm và sẽ không sớm ngừng lại. Riêng với các khu vực nông thôn, vệ tinh phát hiện sụt lún ở mức 1 cm/năm, tiếp diễn với tốc độ tương tự trong nhiều năm. Như vậy, sụt lún ở đô thị hay nông thôn đều có xu hướng tiếp tục với cùng cấp độ như những năm qua.
Trước thực trạng đó, các chuyên gia đã đóng góp ý kiến về việc đo lường mức độ sụt lún và nguyên nhân địa chất, tác động của hiện tượng này đối với cuộc sống người dân. Cạnh đó, các nhà khoa học cũng đề xuất phương pháp có thể làm chậm lại quá trình sụt lún hay những phương thức để thích ứng với sụt lún đất.
Giảm khai thác nước ngầm
Nhận định về nguyên nhân sụt lún, nhiều đại biểu cho rằng một yếu tố đáng kể là việc khai thác nước ngầm. Song song đó, đặc điểm địa chất của đồng bằng là khu vực đất yếu nên việc lún tự nhiên cũng làm cho sụt lún ở ĐBSCL diễn ra nhanh hơn. Hơn nữa trong quá trình phát triển, việc xây dựng các công trình kiên cố, trọng lượng lớn cũng khiến đồng bằng bị sụt lún.
Bờ sông Ô Môn bị sạt lở, gây nguy hiểm cho người dân. Ảnh: C.ANH
Trao đổi bên lề hội thảo, PGS-TS Nguyễn Hiếu Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), thông tin hiện tại ĐBSCL đang lún với vận tốc tương đối cao. Trong đó lún tự nhiên thường nằm ở vùng đất mặt.
Tuy nhiên, gần đây nhiều nghiên cứu cho thấy việc khai thác nước ngầm phục vụ sinh hoạt làm cho lún ở tầng sâu cũng gia tăng đáng kể. Để hạn chế tình trạng sụt lún cho đồng bằng cần có sự quản lý chặt chẽ việc khai thác nước ngầm.
“Nếu có khả năng, chúng ta nên tính đến phương pháp phục hồi tầng nước ngầm bằng cách bơm bù lại phần nước đó. Trong mùa nước lũ, nếu bơm phần nước này xuống mạch nước ngầm thì đây là giải pháp vừa hạn chế sụt lún vừa giúp trữ nước để sử dụng trong mùa khô” - ông Trung góp ý.
Giải pháp bơm nước về tầng nước ngầm tuy hiệu quả nhưng rất tốn kém và đòi hỏi kỹ thuật rất cao vì nếu thực hiện không đảm bảo sẽ gây ô nhiễm nguồn nước.
Tại hội thảo, các đại biểu đều thống nhất nếu có thể quản lý tốt việc lấy nước từ lòng đất thì tốc độ sụt lún nhờ đó có thể được kéo giảm.