Giá vàng thời gian gần đây vẫn liên tục biến động mạnh, thất thường. Riêng giá vàng miếng SJC có thời điểm tăng vọt lên gần 82 triệu đồng/lượng. Đáng chú ý, sau khi Nghị định 24/2012 ra đời, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC với vàng thế giới chỉ khoảng vài chục ngàn đồng nhưng đến nay đã lên tới 18-20 triệu đồng/lượng.
Để đưa vàng miếng SJC về mức giá hợp lý, Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổng kết Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đồng thời đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng phù hợp trong giai đoạn hiện nay.
Liên quan đến vấn đề này, báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Thế Hùng (ảnh), Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VN).
Giá vàng SJC đắt đỏ một cách vô lý
. Phóng viên: Trong khoảng một tháng trở lại đây, vàng miếng SJC liên tiếp xô đổ các kỷ lục về giá. Theo ông, điều gì khiến vàng miếng SJC ngày càng trở nên đắt đỏ như vậy?
+ TS Nguyễn Thế Hùng: Đúng là những biến động bất thường của vàng miếng SJC không theo quy luật nào của thị trường. Ví dụ khi giá vàng thế giới ở mức khoảng 2.170 USD/ounce, tương đương 65 triệu đồng/lượng thì vàng miếng SJC vọt lên hơn 81 triệu đồng/lượng, nghĩa là cao hơn gần 17 triệu đồng/lượng. Đây là mức chênh lệch vô lý và không tồn tại ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới.
Vấn đề cốt lõi của sự bất hợp lý này nằm trong các quy định của Nghị định 24/2012. Theo đó, NHNN giữ vai trò là cơ quan độc quyền sản xuất vàng miếng, độc quyền xuất khẩu và nhập khẩu vàng nguyên liệu.
Có thể nói Nghị định 24 ra đời cách đây 12 năm đã giúp bình ổn thị trường vàng, nhất là phát huy hiệu quả trong việc chống tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế. Nhưng sau một thập niên, những quy định này đã bộc lộ những bất cập trên thị trường.
Ngân hàng Nhà nước chỉ nên đóng vai trò là cơ quan quản lý chứ không nên kiêm thêm cả vai trò kinh doanh vàng như một doanh nghiệp.
. Cụ thể những bất cập hiện nay của Nghị định 24 là gì, thưa ông?
+ Hiệp hội Kinh doanh vàng VN đã nhiều lần kiến nghị NHNN, có kèm theo báo cáo phân tích về những điểm bất hợp lý của Nghị định 24. Trong đó, điều cơ bản nhất là NHNN với vai trò là cơ quan quản lý song lại tham gia vào việc kinh doanh và sản xuất vàng để cung cấp cho thị trường.
Với việc điều hành như vậy đồng nghĩa là NHNN cùng lúc đóng hai vai “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Trong khi lẽ ra NHNN chỉ nên đóng vai trò là cơ quan quản lý chứ không nên kiêm thêm cả vai trò kinh doanh như một doanh nghiệp.
Cũng theo quy định của Nghị định 24, NHNN độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu và độc quyền sản xuất vàng miếng SJC nhưng hơn 10 năm qua, cơ quan này không bổ sung vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng SJC. Trong khi nhu cầu của người dân vẫn hiện hữu và khi cầu tăng mà cung thấp thì sản phẩm sẽ trở nên đắt đỏ hơn là điều đương nhiên. Loại vàng này càng trở nên khan hiếm và đẩy chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và vàng thế giới ngày càng cao.
. Vậy theo ông, vì sao NHNN không nhập khẩu vàng nguyên liệu, ngay cả khi giá vàng miếng SJC cao hơn vàng thế giới gần 20 triệu đồng/lượng?
+ Tôi cho rằng NHNN không can thiệp vào thị trường vàng miếng SJC bằng cách nhập khẩu vàng nguyên liệu vì một số lý do. Thứ nhất, khi NHNN muốn nhập khẩu vàng nguyên liệu thì lấy tiền ở đâu để mua? Tất nhiên là phải lấy tiền từ dự trữ ngoại hối quốc gia rồi.
Theo ước tính của Hội đồng Vàng Thế giới, VN cần nhập khẩu 40-60 tấn vàng/năm mới đủ đáp ứng sức mua của người dân. Vậy nếu hằng năm NHNN nhập khẩu 60 tấn vàng nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường thì chẳng lẽ lại tiếp tục trích dự trữ ngoại hối để mua vàng nguyên liệu?
Trong khi đó, việc gia tăng dự trữ ngoại hối không chỉ giúp NHNN có thêm dư địa và giải pháp phù hợp trong việc điều hành chính sách tiền tệ mà còn là bộ đệm quan trọng giúp nền kinh tế chống đỡ lại các cú sốc từ bên ngoài. Qua đó, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỉ giá, nâng cao giá trị tiền VND, đồng thời củng cố lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài… Do đó, việc NHNN không nhập khẩu vàng để sản xuất vàng miếng cũng là điều dễ hiểu.
Xử lý ngay chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và quốc tế
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục ký Công điện số 22 ngày 20-3 yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý ngay tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao trong thời gian qua.
“Rà soát kỹ lưỡng, toàn diện khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức. Thực hiện ngay việc tổng kết thực hiện Nghị định 24/2012 và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 22-3” - công điện nêu rõ.
Lãnh đạo NHNN cho biết cơ quan này sẽ trình báo cáo tổng kết Nghị định 24, trong đó đề xuất các biện pháp quản lý thị trường vàng phù hợp với diễn biến mới của tình hình thị trường.
Có giải pháp để giải quyết bài toán vàng SJC
. Nếu vậy, còn giải pháp nào khác để kéo giá vàng miếng SJC “trở về mặt đất”, không còn chênh lệch quá cao so với vàng thế giới như chỉ đạo của Thủ tướng không, thưa ông?
+ Đương nhiên là có giải pháp để giải quyết bài toán này. Thứ nhất, NHNN cần trả lại việc sản xuất vàng miếng SJC cho thị trường và NHNN chỉ đóng vai trò là nhà quản lý. Khi đó, doanh nghiệp sẽ tự biết cân đối nguồn lực để nhập khẩu nguyên liệu vàng với số lượng bao nhiêu, dùng vào sản xuất những loại sản phẩm nào (vàng miếng, vàng nhẫn, vàng trang sức…).
Khi đó, NHNN vẫn quản lý được số lượng vàng nhập khẩu, mà kho dự trữ ngoại hối quốc gia không hề bị hao hụt đồng nào. Thậm chí khi vàng nguyên liệu nhập khẩu được dùng để sản xuất vàng trang sức và xuất khẩu thì NHNN lại có thêm nguồn thu ngoại tệ, còn Nhà nước thì có thêm nguồn thu từ thuế.
Thứ hai, NHNN cần xóa bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC. Trước khi Nghị định 24 ra đời, thị trường vàng có khoảng 10 thương hiệu sản xuất vàng miếng và khi đó không có chuyện giá vàng trong nước chênh lệch với vàng thế giới bất thường như bây giờ.
Nếu vấn đề này được giải quyết, tôi tin rằng chênh lệch giữa giá vàng nhẫn và vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới sẽ được kéo “về mặt đất” ngay lập tức.
. Nhưng có quan điểm cho rằng nếu để doanh nghiệp tự quyết nhu cầu nhập khẩu vàng, NHNN chỉ đóng vai trò quản lý sẽ dễ dẫn đến nguy cơ “vàng hóa” nền kinh tế?
+ Trước hết cần phải hiểu thế nào là “vàng hóa” nền kinh tế. Một quốc gia bị xem là “vàng hóa” nền kinh tế là khi người dân sử dụng vàng như một phương tiện thanh toán, là khi người dân gia tăng việc tích trữ vàng trong danh mục đầu tư của mình. Thế nhưng từ khi Nghị định 24 ra đời đã thực hiện rất tốt việc chống “vàng hóa” nền kinh tế.
Trong 10 năm qua, thị trường vàng đã ổn định, nhiều năm trở lại đây thị trường vàng không còn hiện tượng người dân xếp hàng dài chờ tới lượt để mua vàng. Đặc biệt là cũng không còn ai sử dụng vàng để thanh toán nữa.
Do đó, việc giữ độc quyền thương hiệu vàng SJC là không cần thiết. Thay vào đó, hãy để thị trường vàng được lưu thông và phát triển một cách bình thường như các thị trường hàng hóa khác.
. Xin cảm ơn ông.•
Các nước không quản lý vàng như Việt Nam
Theo quan sát của tôi thì không có ngân hàng trung ương nào trên thế giới quản lý thị trường vàng giống VN. Họ chỉ quản lý dự trữ ngoại hối bằng vàng chứ không tham gia vào việc sản xuất vàng.
Ví dụ, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã cho phép tự do hóa việc sản xuất, kinh doanh và phân phối vàng; xóa bỏ chế độ quản lý hạn ngạch xuất nhập khẩu vàng cho các doanh nghiệp.
Đối với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia… thì ngân hàng trung ương của họ không quản lý vàng mà xem vàng như một loại hàng hóa. Riêng các giao dịch vàng tài khoản, hợp đồng vàng tương lai (kỳ hạn) và các hợp đồng vàng phái sinh… do các ngân hàng thương mại thực hiện dưới sự kiểm soát của các ngân hàng trung ương hoặc được giao dịch trên các sàn chứng khoán quốc gia.
TS NGUYỄN THẾ HÙNG, Phó Chủ tịch
Hiệp hội Kinh doanh vàng VN