Một góc TP.HCM vào ban đêm. Ảnh: Minh Minh/unsplash

Giải pháp tạo nền tảng tăng trưởng bền vững cho TP.HCM năm 2023

(PLO)- Bất chấp nhiều khó khăn từ các năm 2021-2022 còn để lại dư chấn, kinh tế TP.HCM năm 2023 có thể quay lại đà tăng trưởng tích cực nếu thúc đẩy đồng bộ các giải pháp trọng tâm.

Nhận định về triển vọng phát triển kinh tế TP.HCM năm 2023, TS Phạm Thị Thanh Xuân (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ ngân hàng - ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng: Năm 2023, nếu chúng ta biết liên kết, lắng nghe, lĩnh hội và linh hoạt thì kinh tế TP sẽ vượt qua các thách thức để tạo đà tăng trưởng bền vững.

Đoàn tàu ba toa của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chạy thử nghiệm đoạn trên cao hôm 21-12 vừa qua, hướng tới khai thác thương mại trong năm 2023. Ảnh: HOÀNG GIANG

Đoàn tàu ba toa của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chạy thử nghiệm đoạn trên cao hôm 21-12 vừa qua, hướng tới khai thác thương mại trong năm 2023. Ảnh: HOÀNG GIANG

Những cơ hội nổi bật 2023

. Phóng viên: TP.HCM trước thềm năm mới 2023 đang có những điểm sáng và ưu thế nào, thưa bà?

TS Phạm Thị Thanh Xuân, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ ngân hàng - ĐH Quốc gia TP.HCM
TS Phạm Thị Thanh Xuân, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ ngân hàng - ĐH Quốc gia TP.HCM

+ TS Phạm Thị Thanh Xuân: Tôi nghĩ điểm sáng hay cơ hội dễ nhận thấy nhất đó là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dịch chuyển dần sang vùng công nghệ cao. Có thể thấy dòng vốn cam kết đổ vào TP chủ yếu đến từ đối tác đầu tư Hàn Quốc, Singapore và tăng mạnh vốn cam kết vào dự án giáo dục, khoa học, sản xuất, xử lý nước thải bằng công nghệ cao. Sự dịch chuyển này càng mạnh càng tạo nhiều giá trị gián tiếp.

Vấn đề “chảy máu” chất xám ra thế giới giảm dần, ngược lại, TP không chỉ giữ chân được nhân sự chất lượng cao, mà còn thu hút nhân sự khắp nơi tìm về, cùng quy tụ nguồn lực, cùng tạo giá trị. Nhân lực chất lượng, công nghệ cải thiện, hạ tầng tốt thì hiệu suất lao động cải thiện nhanh, chi phí tiết giảm.

Thứ hai, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong năm 2022 và tới đây được kỳ vọng sẽ thẩm thấu nhanh và phát huy hiệu quả sớm tại TP.HCM. Bởi lẽ TP vốn được ví như “kinh đô thương mại” của cả nước, có tính năng động và những ưu thế riêng mà không phải địa phương nào cũng có.

Thứ ba, vị trí địa lý của TP.HCM ở điểm giao điểm của cả nội địa lẫn quốc tế, với điều kiện khí hậu thời tiết ôn hòa và hạ tầng đa dạng (đường biển, đường sông, đường hàng không, đường bộ) là những lợi thế riêng và vượt trội. Thời gian qua, lợi thế này đang giảm đi do khai thác quá tải nhưng hứa hẹn ở năm 2023, nếu đảm bảo tiến độ đầu tư công thì các lợi thế này sẽ tạo giá trị vượt trội. Đây vừa là ưu thế vừa là nội lực, vì vậy chúng ta cần tránh bào mòn mà phải bảo trì và nâng cấp.

“Tôi hoàn toàn ủng hộ kịch bản tăng trưởng 7,5% năm, dù phải thừa nhận rằng đó sẽ là thách thức mà không dễ dàng gì đạt được.”

Tiếp sức cho doanh nghiệp

. Bức tranh kinh tế TP.HCM không chỉ có gam màu sáng, mà còn pha trộn những gam màu thách thức khác - những bài toán mà chính quyền TP và người dân, doanh nghiệp (DN) cần rốt ráo giải quyết. Đó là những gì, thưa bà?

+ Đúng là như vậy, chúng ta có cơ sở để lạc quan vào năm 2023 nhưng không được phép chủ quan, ngược lại phải quyết tâm và chủ động giải quyết những thách thức đã được dự báo. Điển hình, quý IV-2022, chúng ta chứng kiến sản xuất công nghiệp rơi vào đình trệ trên diện rộng. Vấn đề sụt giảm trong khu vực sản xuất này, mức độ nghiêm trọng đến đâu và giải pháp nào phù hợp, phụ thuộc rất nhiều vào góc nhìn.

Nếu giới hạn trong phạm vi TP.HCM thì những khó khăn này là rất lớn. Nhưng nếu nhìn rộng ra thì đây là vấn đề chung của nhiều địa phương lớn trong cả nước và không nằm ngoài xu hướng suy giảm toàn cầu. Vì vậy, các giải pháp can thiệp cũng nên đi từ tổng thể trước, bắt đầu từ các chính sách tài khóa, tiền tệ và hành chính thích ứng từ trung ương song hành cùng các chiến lược thực thi của chính quyền TP.

TP có thể chủ động các chính sách và thực thi chính sách trong phạm vi thẩm quyền của mình để các hoạt động sản xuất nếu vẫn còn suy giảm thì cũng sẽ không trượt quá sâu và không kéo theo tổn thất lớn. Đồng thời tạo trụ đỡ cho các thành viên trong nền kinh tế khi đón đầu sóng phục hồi. Các chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế hậu COVID-19 đã tương đối hiệu quả, vì vậy hoàn toàn có giá trị tham khảo cho bối cảnh 2023.

. Vậy nếu đi sâu vào các giải pháp cụ thể để vượt qua các thách thức, khôi phục nền sản xuất thì đâu sẽ là bộ giải pháp chủ chốt?

+ Trong bối cảnh nền kinh tế đối diện tính hữu hạn của nguồn lực, thậm chí một số nguồn lực còn khan hiếm, các giải pháp cũng cần có tính trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng, phạm vi và thời điểm. Trong ngắn hạn và trong phạm vi của TP, để vực dậy nền sản xuất trong năm 2023 và sau đó nữa, TP cần có các hoạt động tiếp sức cho DN, trực tiếp vào việc giữ ổn định các nguồn lực cho hoạt động sản xuất. Nhóm ngành này, nguồn lực chính là người lao động đã thạo tay nghề, vì vậy thiết thực nhất là tập trung hỗ trợ DN ổn định lực lượng lao động ngay trong giai đoạn thiếu đơn hàng, ít việc làm. Hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp thông qua các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ đào tạo ngắn hạn.

DN tại TP đang nỗ lực vì người lao động. Họ đang chia sẻ thu nhập với người lao động thông qua các khoản lương, thưởng tết tích cực dù rằng thiệt hại do dịch gây ra cùng những biến động của thế giới khiến họ đang chịu nhiều khó khăn, tổn thất. TP rất nên tiếp sức với DN, thông qua vai trò đầu mối, kết nối các tổ chức xã hội hướng đến người lao động.

Thời điểm hỗ trợ cũng rất quan trọng. Theo tôi, nên tập trung nhiều vào quý I-2023, giai đoạn mà theo các nghiên cứu của tôi cùng nhiều động nghiệp, dự kiến sẽ xuất hiện một số thách thức, có thể gây ra nhiều thiệt hại nặng nề nhất trong năm 2023.

Đầu tư vào chất xám, công nghệ cao gia tăng

Dòng chảy FDI vào khu vực sản xuất thâm dụng lao động năm 2022 giảm 9,7% so với năm 2021. Trong khi đó, sức hút FDI vào khu vực giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ ngày càng tích cực, riêng năm 2022 tăng gấp sáu lần so với năm 2021 và tăng 1,2 lần so với năm 2019.

Điểm sáng Quý IV-2022 tập trung ở 38 dự án FDI thu hút mới vào hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với tổng số vốn lên đến 47,9 triệu USD vào TP.HCM. Chỉ riêng tháng 10-2022, đã có thêm 126 dự án FDI thu hút vào TP, cao nhất cả năm, kéo dòng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 95,5 triệu USD thiết lập đỉnh mới.

Hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng từ 7,5% đến 8%

. TP.HCM chọn kịch bản tăng trưởng 7,5%-8%. Kịch bản này, tuy là kịch bản cơ sở (tức thấp hơn so với kịch bản tăng trưởng cao), nhưng nhiều chuyên gia đánh giá là rất thách thức trong bối cảnh hiện tại. Quan điểm của bà về triển vọng tăng trưởng 2023 của TP như thế nào?

+ Tôi hoàn toàn ủng hộ kịch bản tăng trưởng 7,5% năm, dù phải thừa nhận rằng đó sẽ là thách thức mà không dễ dàng gì đạt được.

Thứ nhất, TP.HCM luôn sẵn sàng phát huy vai trò đầu tàu, không chỉ ở giai đoạn khó khăn lần này, mà vốn trước nay đã luôn là như thế.

Vai trò này, ý chí này cần TP thể hiện trước hết và cao nhất ở con số cụ thể, đó là quyết tâm đạt được mức tăng trưởng từ 7,5% vào năm 2023. Mức tăng trưởng này là điểm neo cao, từ đó kéo quyết tâm và sự hợp lực của cả bộ máy chính quyền TP, của người dân và doanh nghiệp. Mức này đồng thời cũng là điểm tham chiếu của nhiều địa phương khác.

. Kịch bản nào cũng cần những điều kiện cần và đủ. Để đạt được mức tăng trưởng nói trên, đâu là những điều kiện?

+ Tôi nghĩ nếu chúng ta quyết tâm và đặt quyết tâm ấy vào những nhóm giải pháp mang tính chiến lược, có trọng tâm và thời điểm hợp lý thì mục tiêu tăng trưởng từ 7,5% là khả dĩ.

Trước hết, việc hỗ trợ bình ổn sản xuất và tiếp tục kích cầu trên diện rộng cần được thực hiện hiệu quả, điển hình là việc tiếp tục chương trình giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) và chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu… Tôi thấy hiện đã có nhiều hiệp hội, DN hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau có kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính gia hạn chính sách giảm thuế VAT đến hết năm nay.

Cạnh đó, cần kiểm soát kịp thời để giảm các dao động lớn, bất lợi, hướng đến giữ ổn định các loại chi phí trong nền kinh tế. Tiên quyết là ổn định mặt bằng lãi suất, theo đó giúp ổn định chi phí vốn và điều hướng dòng chảy của vốn vào khu vực đang có hiệu suất tốt. Việc này có vai trò rất lớn của Ngân hàng Nhà nước. Riêng TP.HCM, tôi nghĩ các cơ quan, ban ngành, đặc biệt là Sở Công Thương, cần có giải pháp duy trì và mở rộng những chương trình bình ổn thị trường. Đây là công cụ rất sát thực tế, ít độ trễ và hiệu quả lan tỏa tốt.

Trong khi đó, Sở KH&ĐT, trung tâm xúc tiến đầu tư và các đơn vị liên quan ở TP.HCM cần quyết liệt hỗ trợ DN kịp thời tiếp cận, kết nối và nắm bắt cơ hội mới, linh hoạt dịch chuyển dòng hàng hóa sang các thị trường quan trọng, bị tắc nghẽn hoặc gián đoạn do đại dịch nhưng đã dần mở cửa như thị trường Trung Quốc. Thị trường tỉ dân này có thể bù đắp cho những bất định diễn ra trong thời gian qua ở Mỹ và châu Âu.

Điều kiện thứ ba là phải tạo việc làm, bổ sung thu nhập cho người lao động. Đồng thời hỗ trợ đưa dòng tiền vào và quay vòng nhanh trong nền kinh tế thông qua đảm bảo tiến độ hàng loạt dự án đầu tư công trọng điểm của TP. Đảm bảo tiến độ thực thi cũng là cách tiết kiệm chi phí hiệu quả, tránh áp lực đội vốn cho toàn hệ thống. Năm 2024 sẽ được hưởng lợi rất tốt nếu năm 2023 hoàn thành được các dự án quan trọng theo kế hoạch.

Tiếp theo, TP cần có giải pháp hỗ trợ, tiết kiệm chi phí cho toàn nền kinh tế thông qua tinh gọn hơn nữa, làm mượt hơn nữa quy trình, thủ tục trong quản lý nhà nước về các hoạt động kinh tế. Việc này cần làm song song với việc cải thiện minh bạch thị trường, tránh các trường hợp tiêu cực xảy ra trong năm 2022 ở thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và chứng khoán. Ví dụ, TP chủ động cải thiện việc liên thông dữ liệu giữa các bên liên quan, từ đó quản trị rủi ro và ra quyết định dựa trên dữ liệu. Đây là điều kiện quan trọng, là nền tảng để hoạt động quản trị được nâng cấp song hành với việc tăng tốc phát triển của kinh tế số tại TP.HCM.

. Xin cám ơn bà.•

Không chạy theo tăng trưởng nóng ngắn hạn

Tôi muốn nhấn mạnh rằng đích đến cuối cùng của tất cả giải pháp chính sách đó là đảm bảo tăng trưởng của cả giai đoạn dài hạn, chứ không theo đuổi tăng trưởng nóng ở một năm mà thiếu đầu tư đúng mức vào việc kiến tạo động lực tăng trưởng bền vững.

Vì thế, năm 2023, cần thiết kế chương trình hợp tác, liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa các DN FDI, DN khởi nghiệp, đầu tư công. Việc này sẽ tạo lực đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; điều tiết nguồn lực hình thành và phát triển nguồn cung nguyên phụ liệu cho các nhóm ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực, đặc biệt lĩnh vực “vi mạch và nhân sự IT chất lượng cao”. TS PHẠM THỊ THANH XUÂN

Đọc thêm