Huyền Trân - niềm tự hào dân tộc Chăm Ninh Thuận thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thông tin một cô gái Chăm ở Plei Hamutanran (làng Hữu Đức) dự thi ảnh online Hoa hậu Hoàn vũ (HHHV) Việt Nam 2021 đã nhanh chóng lan truyền khắp nơi. Về các làng Chăm nhất là trên mạng xã hội nơi nào cũng nghe mọi người chia sẻ hình ảnh cô gái ấy và bày tỏ sự vui mừng. Bởi đây là lần đầu tiên có một cô gái dân tộc Chăm tại Ninh Thuận tham gia một cuộc thi sắc đẹp tầm cỡ như thế. 

Đàng Vương Huyền Trân. Ảnh NVCC

Đến với cuộc thi ảnh HHHV Việt Nam 2021, ngoài chiều cao ấn tượng 1,76 m cùng số đo ba vòng 86-64-96, thí sinh Đàng Vương Huyền Trân còn gây ấn tượng cho người xem bằng khuôn mặt thanh tú, vẻ đẹp tự nhiên cùng nụ cười đượm chút huyền bí của một thiếu nữ Chăm, với trang phục truyền thống đặc trưng của dân tộc mình.

Qua điện thoại Huyền Trân cho biết là cô đang "rất vui và bất ngờ khi được nhiều người quan tâm và ủng hộ cho mình tại cuộc thi ảnh HHHV Việt Nam 2021. Sự yêu mến của khán giả là động lực lớn để em phấn đấu có thể vào những vòng trong và hy vọng đạt giải cao của cuộc thi sắp tới…”.

Trên trang chủ của cuộc thi ảnh Online HHHV Việt Nam 2021, Huyền Trân chia sẻ: "Là người con của quê hương Ninh Thuận – mảnh đất đầy nắng và gió. Với mong muốn của tuổi trẻ sục sôi không ngừng làm giàu hành trang kinh nghiệm trên con đường trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình...".

Với hình ảnh trang phục truyền thống của phụ nữ Chăm trên Fanpage Miss Universe Vietnam - Hoa Hậu Hoàn Vũ Việt Nam, đã có gần 30.000 lượt like, trên 6.000 lượt comment và trên 3.100 lượt chia sẻ phần dự thi của thí sinh Đàng Vương Huyền Trân.

Hiện tại tỉnh Ninh Thuận, do tình hình dịch bệnh COVID-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp, nên cô đang học online và ở nhà cùng cha mẹ tại thôn Tân Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận). Tranh thủ thời gian này, cô đang tích cực ôn luyện những kỹ năng để có thể thể hiện thật tốt trong cuộc thi sắp tới.

20 tuổi, là con gái đầu trong gia đình có 2 chị em. Huyền Trân hiện có cha là thạc sĩ Công nghệ thông tin, giảng viên tại Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp hướng nghiệp huyện nhà, mẹ làm nội trợ, chăm sóc cho cả gia đình. Cô hiện nay là sinh viên năm thứ 3 ngành quản lý công nghiệp của Trường Đại học sư phạm kỹ thuật TP.HCM.

Huyền Trân cho biết, khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, xem các cuộc thi sắc đẹp, cô đã có ước mơ một ngày nào đó mình sẽ được dự thi hoa hậu. Sau đó thành công của H'Hen Niê, là người dân tộc thiểu số đầu tiên tại Việt Nam giành vương miện Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 và lọt vào tốp 5 chung cuộc Hoa hậu Hoàn vũ 2018 tại Thái Lan, chính là người có tầm ảnh hưởng mạnh đến cô.

Khi biết đến cuộc thi này, được gia đình và bạn bè ủng hộ nên cô tự tin đăng ký dự thi. “Khi biết em dự thi và được nhiều người quan tâm, ủng hộ trên Fanpage cuộc thi, cha mẹ em rất vui và động viên em dù kết quả có thế nào thì cũng nên tiếp tục nỗ lực để thể hiện mình. Mẹ em luôn động viên em luôn cố gắng giới thiệu nét đẹp chân thật của mình và truyền thống văn hóa Chăm đến bạn bè khắp nơi…”- Huyền Trân chia sẻ.

Người đẹp sinh năm 2001 cho biết: “Với niềm kiêu hãnh khi là một người con dân tộc Chăm theo đuổi ước mơ trở thành Hoa hậu – Dám ước mơ thoát khỏi vùng an toàn của bản thân, sức mạnh để biến những mong muốn vô hình thành những giá trị hiện hữu. Qua đây, bản thân cũng muốn là cầu nối để giới thiệu văn hóa dân tộc Chăm của mình đến với mọi người”.

Huyền Trân - niềm tự hào dân tộc Chăm Ninh Thuận thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam ảnh 2

Hình ảnh thí sinh Đàng Vương Huyền Trân trên Fanpage Miss Universe Vietnam - Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2021. Ảnh: Fanpage Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2021.

Đến với cuộc thi này, cô chia sẻ sẽ không ngừng trau dồi kiến thức, kỹ năng để có thể tự tin, giới thiệu đến mọi người về vẻ đẹp của quê hương Ninh Thuận, với những địa danh tham quan du lịch nổi tiếng của xứ sở hoang sơ đầy nắng và gió.

Ông Huỳnh Ngọc Hành, trưởng thôn Tân Đức cho biết: "Đây là lần đầu tiên địa phương có người tham gia cuộc thi HHHV Việt Nam nên mọi người trong thôn rất ủng hộ. Đây cũng là niềm vui, niềm tự hào của của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận nói chung và đồng bào làng Chăm thôn Tân Đức nói riêng.

Hy vọng cái tên Đàng Vương Huyền Trân sẽ tiếp tục tỏa sáng, để qua đó có thể giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc Chăm, đến với bạn bè trong và ngoài nước".

Cùng ngắm nhan sắc Đàng Vương Huyền Trân:

Ninh Thuận là địa phương có đồng bào Chăm sinh sống đông nhất cả nước, với trên 82.500 người. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở huyện Ninh Phước với trên 48.000 người. Cộng đồng người Chăm ở Ninh Thuận có truyền thống đoàn kết chung sống với các dân tộc anh em.

Làng Tân Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước vốn được tách ra từ thôn Hữu Đức, nơi hàng năm được tổ chức khai hội Ka Tê của người Chăm theo đạo Bà la môn và vùng đất này còn là cái nôi lưu lại những nét văn hóa đặc sắc của văn hóa Chăm.

Những di tích Po Klaong Haluw, đền thờ Po Ina Nagar, lễ hội truyền thống Katé, lễ hội Rija Praong và nhiều lễ tục khác vẫn được người lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Nhắc tới Hữu Đức người ta còn nhớ tới đây là làng có truyền thống học hành, nơi đã sản sinh ra và thu hút nhiều nhân sĩ trí thức tìm đến làm vang danh tiếng cho văn hóa Chăm như: Thiên Sanh Cảnh, Lưu Quý Tân, Trượng Tốn, Đàng Năng Quạ, ca sỹ Chế linh, nghệ sỹ ưu tú Đàng Đức... 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm