Vào ngày này mọi gia đình đều sắm sửa một mâm cỗ để cúng tiễn ông Táo về trời gắn với tích "hai ông một bà" - vị thần đất, vị thần nhà, vị thần bếp núc.
Ngoài mâm cỗ, dân gian còn cúng cả cá chép để thần Táo cưỡi về trời báo cáo Ngọc Hoàng mọi sự tốt lành, hay dở... trong một năm qua.
Trước khi bày biện lễ vật cần lau dọn bàn thờ sạch sẽ. Ảnh: N.TÝ
Trong “Tìm về Bản sắc văn hóa Việt Nam”, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1996 của GS.TS Trần Ngọc Thêm viết: “Trong gia đình, ngoài thờ tổ tiên, người Việt Nam còn có tục thờ Thổ Công. Thổ Công, một dạng của Mẹ Đất, là một vị thần trông coi gia cư, ngăn chặn tà thần, định đoạt phúc họa cho một gia đình. Sống ở đâu thì có Thổ Công ở đó: Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá.
Ngày 23 tháng Chạp gắn với tích "hai ông một bà". Ảnh tư liệu
Thổ Công là một hình tượng bộ ba (…). Mối quan hệ giữa Thổ Công (địa thần) với ông bà tổ tiên (nhân thần) trong gia đình rất thú vị: Thổ Công định đoạt phúc họa cho cả nhà nên là vị thần quan trọng nhất, nhưng ông bà tổ tiên sinh thành ra ta nên được tôn kính nhất.
Để giữ được hòa khí giữa các thần và không làm mất lòng ai, người Việt Nam xếp cho ông bà tổ tiên ngự tại cái bàn thờ tôn kính nhất ở gian giữa, còn Thổ Công thì ở gian bên trái (theo Ngũ hành thì bên trái - phương Đông là nơi quan trọng thứ hai sau trung tâm).
Tuy địa vị có kém hơn nhân thần nhưng quyền lực lại lớn hơn: trong gia đình, Thổ thần được coi là “Đệ nhất gia chi chủ”. Mỗi khi giỗ cha mẹ, đều phải khấn Thổ thần trước rồi xin phép Ngài cho cha mẹ được về “phối hưởng”. Đó là ảnh hưởng của truyền thống “lãnh đạo tập thể” – quan hệ giữa tổ tiên và thổ thần này thật chẳng khác quan hệ giữa vua Lê và chúa Trịnh”.
Bài vị ngài Đông trù tư mệnh Táo Quân.
Lý giải về việc thờ Thổ Công với hình ảnh “hai ông một bà”, tác giả Trần Ngọc Thêm viết: “Cũng như rất nhiều hiện tượng khác của văn hóa Việt Nam, truyền thuyết về Thổ Công là một câu chuyện chứa đầy ý nghĩa triết lí: Sở dĩ Thổ Công là thần đất mà cũng là thần bếp là vì đối với người Việt Nam nông nghiệp sống định cư, đất-nhà-bếp và người phụ nữ đồng nhất với nhau, đều tối quan trọng như nhau.
Bộ ba hai ông một bà cùng chết trong lửa, hóa thành thần bếp, được thờ bên trái này, tạo nên một bộ tam tài đặc biệt, biểu tượng bằng quẻ Li gồm hai (hào) dương một (hào) âm, trong Bát quái tiên thiên có nghĩa là lửa nằm ở phương Đông (bên trái); còn trong Bát quái Hậu thiên có nghĩa là (trung) nữ nằm ở phương Nam, ứng với hành Hỏa trong Ngũ hành.
Lý giải việc thờ Thổ Công thay bằng Ông Địa, tác giả dẫn theo lời nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, 1994: “Ở Nam Bộ, Thổ Công được thay bằng Ông Địa với các đặc điểm: (a) bàn thờ đặt ở dưới đất (thần đất phải trở về với đất!) và (b) nhiều nơi đồng nhất với Thần Tài (mọi của cải đều từ đất mà ra!). Nhiều tranh tượng ông Địa với khuôn mặt nữ tính (mặc dù có thể vẽ râu), ngực lớn và cái bụng chình ình của người sắp đẻ (gọi là Ông Địa – Bà Bóng) cho thấy rõ mối liên hệ với cội nguồn Mẹ Đất và nguyên lí phồn thực”.
Về lễ vật cúng Ông Táo, tác giả Trần Ngọc Thêm viết: “Cuối năm, 23 tháng chạp là ngày Tết Ông Táo, các gia đình sắm 2 mũ ông 1 mũ bà để cúng bộ ba Thổ Công – Thổ Địa – Thổ Kì (trông coi việc chợ búa-NT), gọi chung là ông Táo, cùng với cá chép để ông lên chầu Trời (người du mục thì đi ngựa, còn người vùng nông nghiệp, sông nước thì cưỡi cá!). Mở đầu bằng Tết Nguyên đán, kết thúc bằng Tết Ông Táo, để rồi đêm 30 (năm nay không có 30 mà là 29 tết-NT), Ông Táo lại trở về bước vào năm tiếp theo – hệ thống lễ tết làm thành một chu trình khép kín, âm dương chuyển hóa cho nhau”.
Theo GS, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Lâm Biền, phong tục thờ cúng Táo Quân của dân tộc ta không phải là một hủ tục mê tín dị đoan.
Lễ vật cúng tùy mỗi gia đình nhưng thường phải có bộ đồ cúng. Ảnh tư liệu
Đó là một tín ngưỡng văn hóa dân gian có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành huyền tích "hai ông một bà" - vị thần đất, vị thần nhà, vị thần bếp núc.
Theo đó, cứ đến ngày 23, 24 tháng Chạp, Táo quân lên chầu trời để báo cáo với Ngọc Hoàng việc làm tốt, xấu của gia chủ trong năm. Nên khi cúng người ta hay cúng bánh mật để Táo quân ăn, khi lên báo cáo thiên đình sẽ nói những lời ngọt ngào, có lợi cho gia chủ…
Theo thượng tọa Thích Minh Hóa, chùa Minh Phước, Hóc Môn, TP.HCM (ảnh): "Cúng đưa Ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp, mọi người sắm lễ gồm:
Lễ vật Ba chén chè trôi nước trong ngày cúng Ông Táo. Ảnh: N.TÝ
Một bình bông, đĩa trái cây ngũ quả (thanh long, mãng cầu, trái dừa, đu đủ, xoài). Ba chén chè trôi nước, ba đĩa mứt, ba đĩa trà khô, nhang, đèn, rượu. Bên ngoài có bán giấy đồ cúng gồm tiền, vàng, kẹo, cốm, bánh, con ngựa…
Hình ảnh Ông Táo cưỡi cá chép về trời để tâu tất cả việc dưới trần gian này. Ảnh tư liệu
Việc thả cá chép dưới sông, ao, hồ… để cá cùng đưa thần Táo về trời để tâu tất cả việc dưới trần gian này.
Sau khi cúng xong, ba Thần Táo đem bỏ ở ngoài gốc cây để các vị nghỉ ngơi. Thần Táo về trời tâu rõ mọi việc dưới trần gian chủ nhà làm cái gì. Tội, phước ngài đều ghi chép để trình Ngọc Hoàng.
Ngoài việc cúng trong nhà, nơi an vị ngài vẫn cúng ở trước nhà, đó là tùy mỗi gia đình.
Một số vùng nông thôn còn dùng gạch làm bếp nấu bánh chưng, bánh tét ngoài sân. Ảnh: N.TÝ
Ngày 30 phải rước ông Táo về ngự ở gia đình để cầu xin ngài phù hộ cho đất nước được thanh bình, nhân dân an lạc. Tất cả dân chúng đều cơm no áo ấm. Mọi người đều sống thoải mái qua đầu năm cho đến những cuối năm".