“Đòi nợ là một nghệ thuật”. Đó là trần tình của luật sư (LS) Phương Ngọc Dũng (Đoàn LS TP Cần Thơ) với PV Pháp Luật TP.HCM.
Không đe dọa, không dùng vũ lực, quấy rối
. Phóng viên: Thưa LS, là giám đốc điều hành một công ty đòi nợ, ông có thể chia sẻ bí quyết đòi nợ hiệu quả mà vẫn đúng pháp luật?
+ LS Phương Ngọc Dũng: Thường giữa chủ nợ và khách nợ hay phát sinh mâu thuẫn nên không tìm được tiếng nói chung. Trong quá trình đi đòi nợ theo ủy quyền của chủ nợ, chúng tôi thường đứng giữa để đàm phán. Thông thường công ty hay xin lãi cho khách nợ và xây dựng phương án trả nợ sao cho tốt nhất, hợp lý nhất cho cả hai bên.
Khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp, công ty luôn phổ biến thường xuyên, liên tục cho nhân viên rằng không được sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực và không được sử dụng các phương tiện làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng. Chúng tôi yêu cầu họ phải tuân thủ các quy định pháp luật nói chung và pháp luật về đòi nợ như Nghị định 96/2016, 104/2007 của Chính phủ.
. Có ý kiến cho rằng nghề đòi nợ cũng vất vả và nguy hiểm, cũng cần tri thức. Để đòi được nợ cũng cần nghệ thuật. Vậy theo ông, nghệ thuật đó là gì?
+ Đúng như bạn nói, đòi nợ là một nghệ thuật. Bạn cho ai đó vay tiền, lúc đi đòi bạn phải có nghệ thuật thì mới lấy được tiền. Công ty đòi nợ ngoài việc đòi nợ thì còn có kế hoạch tư vấn và xây dựng phương án trả nợ tốt nhất cho khách nợ.
Điều quan trọng nhất là tìm được điểm yếu của khách nợ! Tại sao khách nợ không trả cho chủ nợ? Vì họ không có tiền hay vì họ ghét chủ nợ, hay vì lý do nào đó. Công ty chúng tôi luôn buộc mình phải tìm được điểm yếu đó. Bởi thực tế là bất cứ khách nợ nào cũng có điểm yếu. Khi đã tìm ra được điểm yếu rồi thì việc đòi nợ rất dễ.
Về phương án trả nợ, công ty phải xây dựng được phương án trả nợ tốt nhất. Ví dụ: Khách nợ hẹn ngày mai trả nợ thì mình phải đặt vấn đề họ lấy từ nguồn nào để trả hay họ chỉ hứa cho qua chuyện. Phương án trả nợ phải được xây dựng có lợi nhất cho cả ba bên: Chủ nợ, khách nợ và công ty thực hiện dịch vụ đòi nợ.
Xét về mặt tâm lý, không ai muốn mang nợ cả. Họ chưa trả được nợ vì lý do gì? Nếu họ đang gặp khó khăn về tài chính thì mình đừng ép họ quá mà phải cho họ có thời gian. Nếu họ gặp biến cố thực sự mất khả năng thanh toán thì giải pháp là mình khoanh nợ lại, chốt lãi, cho họ một thời gian. Còn nếu khách nợ cố tình không trả, đã tẩu tán tài sản thì giải pháp là phải đòi cho bằng được.
Một căn nhà ở quận 3, TP.HCM từng bị một số người đòi nợ thuê tạt sơn đỏ uy hiếp đòi nhà. Ảnh: NT
Công ty đòi nợ cũng có nhiều dạng
. Theo ông, vì sao nghề đòi nợ thuê hiện nay chưa nhận được sự thiện cảm của xã hội?
+ Xã hội định kiến với nghề đòi nợ vì luôn có ác cảm với cho vay nặng lãi và giang hồ. Tại sao lại phải vay nặng lãi? Vì người dân hiện nay khó tiếp cận được với nguồn vốn tốt từ ngân hàng... Tại sao có dịch vụ đi đòi nợ? Vì có nhiều khách nợ vay xong cố tình không trả. Chủ nợ biết là chiếm đoạt đấy, đi tố cáo thì được cơ quan công an trả lời đó là quan hệ dân sự, về kiện ra tòa đi. Thế nên chủ nợ buộc lòng phải nhờ người thay mình đòi nợ. Mà công ty đòi nợ cũng có nhiều dạng: Có uy tín, làm ăn lâu dài nhưng cũng có loại không uy tín, làm ăn chụp giựt...
. Có những bài học kinh nghiệm nào mà ông rút ra được trong quá trình hành nghề để việc đòi nợ được thực hiện tốt hơn?
+ Suốt quá trình đi đòi nợ, công ty luôn có văn bản chỉ đạo việc đòi nợ phải được thực hiện đúng quy định pháp luật. Các văn bản pháp luật liên quan đến việc đòi nợ, công ty đều cấp phát, cập nhật đầy đủ cho anh em.
Tuy nhiên, từng có một vụ xảy ra ở An Giang mà công ty bị xử phạt hành chính. Khi đó tôi đang tham gia một phiên tòa ở tỉnh Cao Bằng. Xảy ra chuyện này là rủi ro nghề nghiệp, cũng một phần do không có giám đốc giám sát. Công ty đã nộp phạt ngay sau khi có quyết định. Khi bị kiểm tra hành chính, một người không mang CMND, lại không dám khai ra địa chỉ thật vì… sợ. Sau khi công an chuyển người này vào trung tâm bảo trợ xã hội, tôi đã xuống cung cấp địa chỉ thật và bảo lãnh về. Về nhân viên, công ty có sàng lọc nhưng cũng không tránh khỏi sai sót. Cá nhân nào vi phạm pháp luật thì cá nhân đó phải chịu trách nhiệm.
. Xin cám ơn ông.
Khách nợ cám ơn LS Phương Ngọc Dũng kể trong quá trình thực hiện việc đòi nợ, công ty của ông từng gặp trường hợp khách nợ cám ơn công ty và thốt lên: “Đây là công ty đòi nợ có tâm”! Cụ thể, trong quá trình đi đòi nợ thì khách nợ là bà C. (ngụ huyện Đắk R'lấp, Đắk Nông) đã trả được 20 triệu đồng cho chủ nợ. Chủ nợ không chịu trừ 20 triệu đồng này vào số tiền chốt công nợ mà cho rằng đó là tiền... lãi. Công ty của LS Dũng đã thuyết phục chủ nợ trừ cho khách nợ 20 triệu đồng đó. Sau đó bà C. cám ơn công ty vì đã giúp bà. Một trường hợp khác là khi chủ nợ, cũng là LS, tìm đến công ty của LS Dũng thì không biết khách nợ ở đâu ngoài cái địa chỉ ghi trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Công ty đã đi tìm và xác minh được địa chỉ mới của khách nợ. Sau đó thì khách nợ đã trả đủ tiền cho chủ nợ. |