Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 50-14D nhận hối lộ như thế nào?

(PLO)- Các đại diện công ty đem xe cơi nới thùng, không đủ điều kiện tới Trung tâm đăng kiểm 50-14D muốn được đăng kiểm trót lọt thì đều phải liên hệ với giám đốc để "chung chi".
0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 24-1, Công an huyện Hóc Môn, TP.HCM vẫn đang phối hợp với Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM điều tra vụ nhận hối lộ xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 50-14D ở Cụm C1, KCN Khánh Đông, Quốc lộ 22 (xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn).

Cấp đăng kiểm cho các xe cơi nới thùng

Trước đó, ngày 11-1, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hóc Môn, TP.HCM đã khởi tố, bắt tạm giam bị can Hoàng Tấn Lực (34 tuổi, ngụ huyện Củ Chi; Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm), Bế Bình Dương (chuyền trưởng, Phó giám đốc Trung tâm), Đặng Huỳnh Nhật Quang (chuyền trưởng) để điều tra tội nhận hối lộ.

Công an thực hiện lệnh khám xét, bắt ông Lực (áo kẻ ka-rô bên trái) về tội nhận hối lộ. Ảnh: CA

Công an thực hiện lệnh khám xét, bắt ông Lực (áo kẻ ka-rô bên trái) về tội nhận hối lộ. Ảnh: CA

Cơ quan điều tra cũng khởi tố với 4 đăng kiểm viên tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 50-14D để điều tra.

Theo điều tra ban đầu, Hoàng Tấn Lực là giám đốc Trung tâm đăng kiểm 50-14D, quá trình thực hiện quy trình kiểm tra, cấp giấy chứng nhận kiểm định cho các xe ô tô đến đăng kiểm thì có nhiều đại diện các công ty vận tải có xe ô tô cần đăng kiểm đến liên hệ.

Các đại diện này báo cho ông Lực biết số lượng xe cần kiểm định của từng Công ty và thỏa thuận mỗi xe khi đi kiểm định ngoài chi phí đăng kiểm sẽ đưa thêm 300 ngàn đồng đối với xe tải nhỏ và khoảng 500 ngàn đồng đối với xe tải lớn.

Việc đưa tiền này để đăng kiểm xe được thực hiện nhanh, bỏ qua các lỗi nhỏ của các xe.

Trước đó, Công an huyện Hóc Môn thực hiện khám xét tại Trung tâm đăng kiểm 50-14D. Ảnh: NT

Trước đó, Công an huyện Hóc Môn thực hiện khám xét tại Trung tâm đăng kiểm 50-14D. Ảnh: NT

Ông Lực liền đồng ý và chỉ đạo cho các Kiểm định viên là Bế Bình Dương (chuyền trưởng, Phó giám đốc Trung tâm), Đặng Huỳnh Nhật Quang (chuyền trưởng)… rằng khi có xe của các công ty trên thì bỏ qua các lỗi vi phạm và ký xác nhận đạt để Lực ký giấy chứng nhận cho các xe như đã thỏa thuận.

Qua đó, công an ban đầu làm rõ cho thấy 1 công ty vận tải đã đưa 26 xe tới kiểm định và chuyển khoản vào tài khoản của ông Lực và Mai Hằng Như Thủy là kế toán của Trung tâm đăng kiểm 50-14D số tiền gần 8 triệu đồng tiền "chung chi".

Công ty còn lại đưa tới 42 xe tải. Điều đáng nói, trong số này có 5 xe vi phạm cơi nới thùng vượt quá 20cm cho phép.

Ban đầu, những người liên quan khai nhận các xe này, phía đại diện công ty chung chi mỗi một xe 500 ngàn đồng sau khi đăng kiểm đạt.

Công an nghi ngờ số tiền chung chi thực tế còn cao hơn và đang đấu tranh, làm rõ.

Các tài xế đều “tự giác” để lại 300 ngàn trên xe

Cơ quan điều tra cũng xác định, ngoài các đơn vị vận tải đến chung chi nói trên, các tài xế khác khi đến đăng kiểm để không bị làm khó cũng để số tiền 300 đồng trên xe.

Công an mời làm việc, thu giữ nhiều tài liệu, dữ liệu điện tử liên quan để phục vụ điều tra. Ảnh: NT

Công an mời làm việc, thu giữ nhiều tài liệu, dữ liệu điện tử liên quan để phục vụ điều tra. Ảnh: NT

Khi đưa xe vào chuyền để đăng kiểm thì Lực giao cho Bé Bình Dương và Đặng Huỳnh Nhật Quang lấy số tiền này rồi nộp lại cho Lực. Vào cuối mỗi tuần, Lực tổng kết số tiền nhận được từ các xe đến kiểm định rồi chia nhau theo tỉ lệ đã tính từ trước.

Công an điều tra xác định Trung tâm 50-14D có 2 chuyền kiểm định do Bế Bình Dương và Đặng Huỳnh Nhật Quang là chuyền trưởng, xe vào kiểm định sẽ qua 5 công đoạn được phân công theo cho từng Kiểm định viên.

Nếu các công đoạn này được các Kiểm định viên xác nhận đạt thì Quang hoặc Dương ký xác nhận sau đó Lực sẽ ký và cấp giấy chứng nhận kiểm định đạt.

Công an cũng thu giữ 5 xe ô tô được cơi nới thùng để làm rõ. Qua đó xác định dù được cơi nới nhưng kết quả kiểm định vẫn đạt.

Trước đó, Công an TP.HCM thực hiện bắt bị can để tạm giam với Cục Trưởng Cục Đăng kiểm Đặng Việt Hà. Ảnh: CA

Trước đó, Công an TP.HCM thực hiện bắt bị can để tạm giam với Cục Trưởng Cục Đăng kiểm Đặng Việt Hà. Ảnh: CA

Lực khai có nhận tiền của các đơn vị vận tải để khi kiểm định bỏ qua các lỗi nhỏ. Tuy nhiên, lỗi gì thì giám đốc này cũng không hay biết vì các kiểm định viên không báo lại.

Phía đại diện các công ty cũng khai rằng trước đó, khi đưa xe tới kiểm định tại Trung tâm 50-14D thì bị gây khó dễ vì nhiều lý do. Sau đó, các kiểm định viên đã “hướng dẫn”, cho số điện thoại để người đi kiểm định gặp Lực là giám đốc để thỏa thuận việc “chung chi”.

Ông Lực sau đó báo giá tiền “chung chi” để được bỏ qua các lỗi nhỏ từ 300 ngàn đồng/ chiếc.

Cơ quan điều tra hiện đang tiếp tục đấu tranh, mở rộng điều tra và làm rõ có việc liên quan, tiếp tay từ các cơ quan thanh tra, kiểm tra, quản lý Trung tâm này hay không.

Thời gian gần đây, Bộ Công an, Công an TP.HCM và công an nhiều tỉnh thành, quận huyện trên cả nước liên tiếp khám xét, khởi tố vụ án về các tội môi giới hối lộ; đưa, nhận hối lộ; giả mạo trong công tác xảy ra tại các trung tâm đăng kiểm.

Ông Trần Kỳ Hình, nguyên Cục Trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng bị khởi tố, bắt tạm giam về tội nhận hối lộ. Ảnh: CA

Ông Trần Kỳ Hình, nguyên Cục Trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng bị khởi tố, bắt tạm giam về tội nhận hối lộ. Ảnh: CA

Mới nhất là hôm 17-1, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố bị can đối với ông Trần Kỳ Hình (62 tuổi, ngụ TP Hà Nội, nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) để điều tra tội nhận hối lộ.

Trước đó 6 ngày, Công an cũng bắt tạm giam ông Đặng Việt Hà, Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam với cáo buộc cùng đồng phạm Trần Anh Quân (quyền trưởng Phòng Kiểm định xe cơ giới), Đặng Trần Khanh (Phó phòng) và chuyên viên Phạm Đức Ngọc nhận tiền hối lộ "hàng tháng, hàng quý" của các trung tâm đăng kiểm ở nhiều tỉnh thành. Ngoài ra, các trạm đăng kiểm muốn thành lập phải hối lộ lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam và các đồng phạm mới được chấp nhận.

Riêng tại TP HCM, Công an đã khám xét 13 trung tâm, gồm 5 cơ sở tại Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Sóc Trăng và 8 đơn vị tại TP.HCM; thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu, dữ liệu điện tử có liên quan.

Công an TP.HCM đã khởi tố 6 vụ án, bắt tạm giam 89 người là Giám đốc, Phó giám đốc, nhân viên các Trung tâm Đăng kiểm và những người môi giới về các tội nhận hối lộ, môi giới hối lộ và giả mạo trong công tác.

Tổng cộng cả nước có hơn 20 trung tâm đăng kiểm bị dừng hoạt động để phục vụ công tác điều tra. Công an xác định các trung tâm đã nhận tiền từ tài xế, người môi giới để bỏ qua lỗi vi phạm của phương tiện trong công đoạn kiểm tra thủ công hoặc cho thuê phụ tùng không đảm bảo kỹ thuật. Ví dụ như xe mòn lốp thì nộp tiền thay lốp, thay thành thùng, thay một số bộ phận để đảm bảo tiêu chuẩn; sử dụng phần mềm can thiệp vào hệ thống đăng kiểm để thay đổi thông số kiểm định khí thải...

Khoảng 70 ngàn ô tô được kiểm định theo cách "làm luật"

Ban đầu, công an xác định có khoảng 70.000 phương tiện cơ giới được kiểm định theo cách "làm luật" như vậy. Các trung tâm kiểm định đã cấp khoảng 52.300 giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật về bảo vệ môi trường, thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng. Một số trung tâm đăng kiểm không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn được thành lập, lập danh sách kiểm định viên giả để hợp thức hóa một số quy định của Chính phủ về dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Trước tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, ngày 12-1, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã bổ sung vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số trung tâm đăng kiểm vào diện theo dõi, chỉ đạo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm