Giám đốc WHO ở châu Âu khuyến nghị 3 bước ngăn bệnh đậu mùa khỉ

(PLO)- Ngày 23-6 (giờ địa phương), Ủy ban Khẩn cấp thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) họp đánh giá liệu tình trạng lây lan hiện nay của bệnh đậu mùa khỉ có phải là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế (PHEIC) hay không.

Đây là mức cảnh báo cao nhất của WHO, từng được áp dụng cho đại dịch COVID-19, theo hãng tin Bloomberg.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết ông đã quyết định triệu tập Ủy ban Khẩn cấp vì virus đậu mùa khỉ đã có những biểu hiện “bất thường và đáng lo ngại” gần đây sau khi bùng phát ở các quốc gia ngoài khu vực châu Phi.

Theo WHO, trong năm nay đã có hơn 1.600 trường hợp được xác nhận nhiễm và gần 1.500 trường hợp nghi nhiễm trên 39 quốc gia, bao gồm bảy quốc gia châu Phi đã phát hiện bệnh đậu mùa khỉ trong nhiều năm và 32 quốc gia mới bị ảnh hưởng. Châu Âu là tâm điểm của đợt bùng phát này với 25 quốc gia báo cáo hơn 1.500 người nhiễm, tương đương 85% tổng số ca nhiễm trên toàn cầu. Bệnh cũng đã xuất hiện ở châu Á, cụ thể ở Singapore và Hàn Quốc.

Ít nhất 72 trường hợp tử vong từ các nước châu Phi. Cho đến nay không có trường hợp tử vong nào được ghi nhận từ các quốc gia mới bị ảnh hưởng. Theo Giám đốc WHO khu vực châu Âu - TS Hans Henri P. Kluge, quy mô đợt bùng phát này là một nguy cơ thực sự, virus lưu hành càng lâu thì càng mở rộng phạm vi tiếp cận và nguy cơ bệnh lây lan sang các quốc gia chưa bị ảnh hưởng càng mạnh.

Để ngăn chặn điều này, cộng đồng quốc tế cần khẩn cấp phối hợp thực hiện ba bước cơ bản. Thứ nhất, tăng cường giám sát, truy tìm tiếp xúc, phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm. Thứ hai, tăng cường gắn kết cộng đồng và thông tin rõ ràng hơn để hạn chế lây nhiễm. Thứ ba, cần có sự hợp tác thực chất để đẩy lùi bệnh về trước mắt và lâu dài.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới