Giảm phụ thuộc, bài học từ Phần Lan

Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp cao su đang chịu lỗ vì giá cao su nguyên liệu xuống thấp khi thị trường chính Trung Quốc giảm nhập. Hay như ngành gạo, khi Trung Quốc tạm ngưng nhập qua con đường tiểu ngạch, giá gạo giảm, nông dân lo lắng. Ngoài ra sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ cũng đã khiến con cá tra Việt Nam khủng hoảng thời gian dài khi nước này áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp.

Giải pháp đưa ra để giảm sự phụ thuộc là đa dạng hóa sản phẩm, khai thác thị trường mới, giảm nhập nguyên liệu.

Song theo TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh, giải pháp gốc rễ vẫn là công nghệ. Nền kinh tế của một đất nước hay sức mạnh của mỗi ngành hàng xuất khẩu muốn phát triển bền vững phải dựa trên khả năng làm chủ công nghệ sản xuất. Một đất nước có nền kinh tế hàng đầu thế giới như Nhật, hơn 70% nguyên liệu đều phải nhập từ Trung Quốc. Thế nhưng với công nghệ hiện đại, Nhật luôn nắm thế chủ động để tạo ra những sản phẩm có giá trị cao tạo sức mạnh cho nền kinh tế phát triển.

Để giảm sự phụ thuộc, phải nói đến bài học từ Phần Lan, nhiều năm đất nước này đã phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nền kinh tế Nga. Nguyên liệu, hàng hóa đều nhập khẩu từ Nga. Vẫn duy trì mối quan hệ giao thương với Nga nhưng Phần Lan đã thực hiện chiến lược đi sâu vào nghiên cứu phát triển công nghệ. Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ của Phần Lan được thành lập chịu trách nhiệm phát triển khoa học, công nghệ và sáng chế quốc gia.

Kết quả Phần Lan trở thành một trong những nước có nền kinh tế, ngành công nghệ hàng đầu thế giới với những công ty công nghệ cao, những sản phẩm máy móc, điện thoại di động, điện tử viễn thông, phần mềm tin học, các thiết bị tự động hóa… tất cả đều phát triển rất nhanh. Hệ thống điều hành Linux, điện thoại di động Nokia là những thành công mang ý nghĩa toàn cầu mà Phần Lan đã đạt được.

Theo TS Nghĩa, doanh nghiệp Việt Nam cần biết tận dụng nguồn nguyên liệu giá rẻ từ Trung Quốc, tận dụng khai thác thị trường rộng lớn và “gần nhà” này. Bên cạnh đó cần hợp tác, tiếp thu công nghệ hiện đại của thế giới một cách bài bản, khoa học. Chính phủ cũng cần có chính sách phát triển khoa học công nghệ lâu dài, hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực bằng môi trường chính sách, hỗ trợ vốn, ưu đãi thuế.

QUANG HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm