Nhiều công ty Mỹ quan tâm đầu tư tại Việt Nam

(PLO)- Theo TS Cấn Văn Lực, khi Mỹ dự kiến áp thuế đối với hàng hóa một số nước, đặc biệt là Trung Quốc, đương nhiên sẽ có sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và Việt Nam được lựa chọn là một trong những điểm đến đầu tiên của các nhà đầu tư.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 21-12, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) đã tổ chức chương trình cà phê doanh nhân lần thứ 80 với chủ đề “Dự báo những chính sách mới của tân Tổng thống Mỹ và tác động đến kinh tế Việt Nam”.

Các chính sách mới không phải tất cả đều khó khăn

TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia cho biết, sơ bộ có một số nhóm chính sách đối ngoại, kinh tế của tân Tổng thống Mỹ đưa ra và sau này có thể thay đổi, trong đó đáng chú ý gồm: Phát triển kinh tế nội địa, giảm thuế thu nhập, tăng ưu đãi thuế; Đàm phán lại các thỏa thuận thương mại, giảm cam kết quân sự quốc tế; Thúc đẩy chính sách “Mua hàng Mỹ”, áp thuế nhập khẩu với hàng hóa từ Trung Quốc và các quốc gia cạnh tranh không công bằng....

Cụ thể về thương mại, tân Tổng thống Mỹ tuyên bố dự kiến tăng thuế lên 10%-20% đối với toàn bộ hàng nhập khẩu vào Mỹ, trong đó có cả Việt Nam. Trước mắt, Mỹ áp ngay thuế 25% đối với tất cả hàng hóa từ Canada và Mexico, thêm 10% thuế đối với hàng hóa từ Trung Quốc (có thể lên đến 60% sau này), thậm chí có thể áp thuế 100% đối với các quốc gia trong khối BRICS nếu không sử dụng đồng USD trong giao dịch.

Theo TS Lực, bên cạnh những thách thức, Việt Nam có một chút cơ hội tích cực trong xuất khẩu sang Mỹ. Theo đó, khi Mỹ dự kiến áp thuế đối với hàng hóa một số nước, đương nhiên có sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và Việt Nam luôn được lựa chọn là một trong những điểm đến đầu tiên của các nhà đầu tư. “Tuy nhiên, chúng ta hấp thụ, chuẩn bị đến đâu, mong các doanh nghiệp và TP.HCM sẵn sàng tâm thế này”, TS Lực nói.

Khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung xảy ra năm 2018, số liệu cho thấy Việt Nam, Mexico, Canada... là các quốc gia được hưởng lợi nhất. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ từ 21 tỉ USD năm 2012 đến năm 2023 đạt gần 120 tỉ USD, năm nay dự kiến tăng 24%. Một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng lợi chính là sản phẩm điện tử, nội thất, dệt may, giày dép, sản phẩm từ cao su và plastic, sắt thép.

Trong lĩnh vực đầu tư, giữa doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ còn nhiều tiềm năng, nhiều doanh nghiệp Mỹ quan tâm đầu tư tại Việt Nam. “Tháng 3 năm ngoái, tôi có dịp tiếp đón hơn 50 công ty lớn của Mỹ quan tâm đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, tài chính, giáo dục, y tế, một số lĩnh vực khác và gần đây là bán dẫn”, TS Lực chia sẻ.

TS Lực cho rằng nhìn chung các chính sách mới của tân Tổng thống Mỹ không phải tất cả đều khó khăn nhưng chúng ta phải nhận thức những rủi ro, thách thức để có biện pháp kiểm soát tốt.

Ông Lực kiến nghị Chính phủ một số giải pháp, cụ thể Việt Nam cần cân bằng cán cân thương mại với Mỹ bằng cách tăng nhập khẩu từ Mỹ, nhất là những sản phẩm, công nghệ Mỹ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như lĩnh vực bán dẫn, năng lượng, máy bay, thiết bị hàng không, thiết bị y tế. Tăng năng lực nội tại như minh bạch thông tin hàng xuất khẩu. Nghiên cứu xây dựng cơ chế và khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn đầu tư sang Mỹ.

Đối với doanh nghiệp, hiện nay đang nhận được nhiều chính sách hỗ trợ từ nhà nước như chính sách giảm thuế VAT 2%, kéo dài đến tháng 6-2025, chính sách hỗ trợ lãi suất... cần tận dụng tốt để cơ cấu lại hoạt động, kiểm soát rủi ro tài chính, dòng tiền.

Là doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc sang Mỹ, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Việt Thắng Jean, hiện nay nguyên liệu trong nước Việt Nam chỉ đáp ứng 20%-30%, còn lại phải nhập khẩu từ Trung Quốc và một số quốc gia khác. Vì vậy, công ty đã chuyển sang nhập khẩu nguyên liệu từ những nước không bị Mỹ đánh thuế cao.

Bên cạnh đó, hiện nay hàng rào kỹ thuật của Mỹ rất minh bạch. Trước đây, xuất khẩu hàng may mặc sang Mỹ, công ty chỉ khai báo nguồn nguyên liệu, hiện nay chỉ cần quét mã QR là truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu từ bất kỳ quốc gia nào, rất dễ dàng.

“Với hàng rào kỹ thuật minh bạch, hàng dệt may Việt Nam khó có thể bị đội lốt để hưởng lợi thuế khi xuất khẩu sang Mỹ”, ông Việt nhấn mạnh.

my-du-kien-ap-thue
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng phát biểu tại chương trình cà phê doanh nhân lần thứ 80. Ảnh: TÚ UYÊN

Dữ liệu để doanh nghiệp xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh năm 2025

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng cho biết, chương trình cà phê doanh nhân lần thứ 80 có nhiều ý nghĩa với sự chia sẻ từ TS Cấn Văn Lực.

Theo ông Dũng, những thông tin chia sẻ trong chương trình cà phê doanh nhân là một trong những nội dung hết sức cần thiết trong bối cảnh trong nước và thế giới có nhiều thay đổi. Cộng đồng doanh nghiệp của HUBA cũng như các hiệp hội ngành hàng khác sẽ phải nỗ lực hơn, góp phần cùng TP.HCM vượt qua khó khăn, phát triển.

"Lãnh đạo thành phố làm hết sức mình, tạo mọi điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp thành phố phát triển. Những vướng mắc về cải cách hành chính thuộc thẩm quyền của lãnh đạo thành phố đang được tập trung tháo gỡ", ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA, cho rằng Mỹ trở thành đối tác hàng đầu của Việt Nam và là thị trường trọng điểm nhiều doanh nghiệp Việt đang hướng tới, thúc đẩy các hoạt động xuất nhập khẩu.

Theo ông Hòa, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang thu hút các dòng vốn đầu tư khoa học công nghệ cao hàng đầu của Mỹ như vi mạch, bán dẫn... Song song đó, trước bối cảnh dịch chuyển chuỗi cung ứng từ nước ngoài sang Việt Nam, làm sao để doanh nghiệp tiếp cận, nắm bắt để đón đầu những dòng dịch chuyển này rất quan trọng. Nếu chúng ta có những giải pháp, bước đi đúng sẽ mở ra các cơ hội mới cho doanh nghiệp. Vì vậy, thông tin chia sẻ tại chương trình sẽ là dữ liệu để doanh nghiệp xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh năm 2025 và những năm tiếp theo.

my-du-kien-ap-thue
TS Cấn Văn Lực chia sẻ thông tin cùng cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM. Ảnh: TÚ UYÊN

TP.HCM là địa phương đầu tiên cán đích tổng thu ngân sách vượt trên 500.000 tỉ đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng, năm 2024 sắp kết thúc, kinh tế TP.HCM có những điểm sáng. Cụ thể, GRDP dù chưa đạt được mục tiêu thành phố đề ra tăng 7,5%-8% nhưng với mức tăng trưởng 7,17% là điểm sáng trong quá trình nổ lực của lãnh đạo thành phố, của cộng đồng doanh nghiệp và người dân TP.HCM.

“Chúng ta đang rất kỳ vọng TP.HCM là địa phương đầu tiên cán đích tổng thu ngân sách vượt trên 500.000 tỉ đồng. Đây là cột mốc quan trọng mà TP.HCM nổ lực khi chỉ còn chưa tới 10 ngày nữa kết thúc năm nhưng trên cơ sở tính toán từ cuối tháng 11 đến nay khả năng kỳ vọng đó sẽ thành hiện thực”-ông Dũng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm