Theo bài báo mới nhất được Reuters đăng tải, các doanh nghiệp toàn cầu đang mở rộng hoạt động thử nghiệm và đóng gói chip tại Việt Nam trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Nhóm ngành sản xuất các sản phẩm bán dẫn tập trung phục vụ cho dữ liệu và cơ sở hạ tầng (back-end) cần đầu tư vốn ít hơn nhiều so với mảng sản phẩm bán dẫn đầu cuối (front-end). Hiện tại, các doanh nghiệp Trung Quốc và Đài Loan đang thống trị mảng back-end.
Tuy nhiên, Việt Nam đang nổi lên trong nhóm các địa điểm sản xuất với các sản phẩm bán dẫn loại này, tốc độ tăng trưởng sản xuất tại Việt Nam thuộc nhóm nhanh nhất thế giới.
Trả lời phỏng vấn của Reuters, phó chủ tịch phụ trách Việt Nam của công ty Hana Micron – ông Cho Hyung Rae cho biết doanh nghiệp này đang mở rộng sản xuất tại Việt Nam bởi có yêu cầu từ các khách hàng của doanh nghiệp liên quan đến việc đa dạng hóa địa điểm sản xuất.
Công ty Hàn Quốc này hiện đã lên kế hoạch đầu tư khoảng 1,3 nghìn tỉ won tương đương 930,49 triệu USD từ nay cho đến năm 2026 để phát triển mảng đóng gói chip nhớ.
Một doanh nghiệp Mỹ khác có tên Amkor Technology trong năm ngoái đã công bố về kế hoạch sẽ đầu tư 1,6 tỉ USD để xây nhà máy diện tích hơn 200 nghìn mét vuông để mở rộng công nghệ đóng gói các sản phẩm bán dẫn thế hệ tiếp theo.
Một đại diện của Amkor cho biết doanh nghiệp này đã chuyển một số thiết bị từ Trung Quốc sang Việt Nam để phục vụ cho việc xây dựng nhà máy.
Nếu làn sóng từ các doanh nghiệp sản xuất chip toàn cầu đầu tư vào Việt Nam gia tăng với tốc độ như hiện nay, đến năm 2032, Việt Nam dự kiến chiếm từ khoảng 8 đến 9% tổng công suất lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói chip trên toàn cầu.
Đáng nói, ở thời điểm năm 2022 tỷ trọng này mới chỉ là 1%, theo báo cáo công bố vào tháng 5-2204 của Hiệp hội ngành bán dẫn toàn cầu và tập đoàn tư vấn Boston.
Nhiều doanh nghiệp của Việt Nam cũng đang có vị thế quan trọng trong xu thế mở rộng đầu tư tại Việt Nam của doanh nghiệp chip toàn cầu.
Theo nguồn tin của Reuters, FPT đã mở nhà máy thử nghiệm chip gần Hà Nội. Nhà máy này dự kiến sẽ hoạt động từ năm sau với 10 máy thử nghiệm chip, quy mô hoạt động dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2026. Tổng số tiền đầu tư vào nhà máy này ước tính khoảng 10 triệu USD. FPT được cho là cũng đang tìm kiếm thêm đối tác chiến lược cho hoạt động đầu tư này.
Ngoài ra, cũng theo Reuters, nhiều doanh nghiệp khác như Sovico hay Viettel cũng đang có những hoạt động đầu tư mạnh mẽ hơn trong ngành bán dẫn.