Chiều tối 11-10, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam và Tôn vinh “Doanh nghiệp, Doanh nhân TP.HCM tiêu biểu năm 2024”.
Trong khuôn khổ chương trình diễn ra buổi đối thoại trực tiếp giữa doanh nhân, doanh nghiệp (DN) tiêu biểu cùng Chủ tịch UBND TP.HCM.
TP.HCM cần sớm có trung tâm tài chính quốc tế
Là một trong những DN, doanh nhân tiêu biểu TP.HCM năm 2024, ông Lâm Quốc Thanh, Tổng Giám đốc Satra cho biết, để có thể “chuyển đổi xanh”, DN cần phải mạnh dạn “chuyển đổi số”, ứng dụng công nghệ mới để phát triển bền vững. Quá trình này đã và đang được Tổng Công ty thực hiện song song trong những năm gần đây.
Cũng theo ông Thanh, các công ty thành viên của Satra đã chủ động đầu tư xử lý rác thải, nước thải, dùng những nguyên liệu và quy trình sản xuất thân thiện môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và nội địa. Nâng cao ý thức đóng góp bảo vệ môi trường sống, trách nhiệm về sản phẩm đối với người tiêu dùng trong DN.
Ông Trịnh Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng cho rằng, TP.HCM làm sao sớm phát triển được Trung tâm tài chính mang tầm khu vực và quốc tế để giải quyết bài toán vốn cho các DN.
Bên cạnh đó, việc thay đổi chiến lược cụ thể dịch chuyển cơ cấu kinh tế để TP.HCM trở thành thành phố dịch vụ, trung tâm tài chính phát triển bền vững.
Ở lĩnh vực du lịch, ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng Giám đốc Công ty Vietravel chia sẻ, TP.HCM xác định bốn loại hình du lịch chính là du lịch MICE, du lịch mua sắm, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa.
Là cửa ngõ du lịch quốc tế, thành phố đang có thế mạnh về du lịch MICE. Do đó, TP.HCM cần chọn du lịch MICE là đặc trưng để xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, để làm được điều này thành phố cần có những chiến lược, chính sách cụ thể để hỗ trợ cho hoạt động du lịch MICE. Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm từ thành phố của một số nước xung quanh như Singapore, Kuala Lumpur…
“Chúng tôi kiến nghị TP.HCM có chính sách ưu đãi, ưu tiên thủ tục xuất nhập cảnh cho khách MICE đến thành phố. Khuyến khích xây dựng các trung tâm hội nghị quốc tế, trung tâm mua sắm chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách MICE.
TP.HCM đẩy mạnh quảng bá du lịch MICE ra quốc tế, tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế để quảng bá TP.HCM trở thành điểm đến hàng đầu cho du lịch MICE trong khu vực. Đặc biệt, có chính sách hỗ trợ vốn cho DN du lịch MICE xây dựng thương hiệu”- ông Duy nói.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí Điện TP.HCM phân tích, khi tham khảo các nước xung quanh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… cho thấy Chính phủ hỗ trợ cho DN ngành cơ khí cực kỳ nhiều. Qua đó, giúp cho ngành cơ khí những quốc gia này phát triển rất tốt. Ví dụ DN Singapore đầu tư một con rô bốt 100.000 USD thì Chính phủ hỗ trợ cho DN đến 50.000 USD.
DN Việt Nam chưa nhận được sự hỗ trợ đủ lớn, đủ mạnh xuyên suốt để DN mạnh dạn đầu tư phát triển.
Theo ông Tống, TP.HCM có chương trình kích cầu hỗ trợ lãi suất nhưng từ khi Nghị quyết 98 ra đời cho tới nay nhưng chưa cụ thể hóa, giải quyết khó khăn của DN hội viên.
Lĩnh vực chế biến gỗ, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội đồng Công ty Cổ phần Xây dựng Kiến trúc AA cho biết, dù các DN sản xuất đồ gỗ không tập trung tại TP.HCM nhưng 50% sản lượng đều thông quan tại TP.HCM, đây là lợi thế của thành phố.
Do đó, kiến nghị thành phố xem xét hoàn thiện cơ sở cảng biển, các hệ thống kho vận phục vụ cho xuất nhập khẩu cũng như đồng bộ hạ tầng logictics giữa TP.HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long. Việc này không chỉ hỗ trợ lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu mà còn tạo điều kiện thúc đẩy chuỗi cung ứng nguyên liệu hàng hóa.
Sẽ phát triển công nghiệp theo hướng công nghệ cao
Trả lời các góp ý và khó khăn của DN, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá, đối với Trung tâm tài chính quốc tế, TP.HCM xây dựng kế hoạch trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới.
Về cơ cấu kinh tế, trong quy hoạch giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050, lần này TP.HCM xác định nâng tỉ trọng công nghiệp lên từ 27%-30% trong GRDP. Đây là thay đổi then chốt vì thời gian qua thành phố tập trung cho dịch vụ, thiếu đầu tư cho công nghiệp và xây dựng.
Qua đánh giá, đây là một trong những nguyên nhân làm cho thành phố tăng trưởng chậm lại. Do đó, chúng ta vừa tăng tỉ trọng công nghiệp đồng thời tập trung tái cơ cấu nội ngành công nghiệp và nội ngành dịch vụ.
“Các dịch vụ như DN đã đề cập như phát triển trung tâm tài chính, du lịch MICE hay cần thêm nhiều trung tâm hội chợ triển lãm chứ không chỉ một…thì phải rà soát lại và đầu tư có trọng tâm trọng điểm”- ông Mãi nói.
Bên cạnh đó, tỉ trọng công nghiệp thành phố sẽ tăng lên và sẽ phát triển công nghiệp theo hướng công nghệ cao, công nghệ số. Vì vậy, khu công nghệ cao mở rộng giai đoạn hai sẽ tập trung cho đổi mới sáng tạo, R&D. Đồng thời, thành phố sẽ nghiên cứu phát triển thêm các khu công nghệ thông tin tập trung, các khu công nghiệp chuyên đề theo hướng thông minh, sinh thái …
Trong quá trình thiết kế chính sách thành phố sẽ chú ý để ưu tiên thu hút DN Việt tham gia vào những khu công nghiệp này.
.
Ông Mãi cũng cho biết, TP.HCM sẽ chú trọng phát triển thêm hạ tầng trung tâm tổ chức sự kiện, trung tâm hội chợ triển lãm, hạ tầng dịch vụ.
Thành phố cũng sẽ đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao nâng cao chất lượng dịch vụ, có các chính sách hỗ trợ DN đồng thời học hỏi các chính sách để hỗ trợ trực tiếp cho du khách.
Vừa rồi chúng tôi yêu cầu Sở Du lịch TP.HCM nghiên cứu chiến lược du lịch Thái Lan để có thể vận dụng.
Trả lời cho ý kiến của Hội Cơ khí Điện TP.HCM, ông Mãi cho biết, đối với nhóm DN vừa qua TP.HCM có chủ trương hỗ trợ lãi suất nhưng sau đó dừng lại trong khi các DN đã triển khai dự án. Sắp tới có một kỳ họp, hy vọng trước 15-11 sẽ giải quyết cho các trường hợp này.
Đặc biệt, sau khi Nghị quyết 98 thì Hội đồng Nhân dân TP.HCM ban hành Nghị quyết 09 để hỗ trợ lãi suất và đang triển khai. Các DN đúng đối tượng của Nghị quyết 09 sẽ được hỗ trợ lãi suất đến 100% tùy dự án…
Đồng thời, trong quá trình thực hiện ngành nào DN thấy cần thiết nhưng Nghị quyết chưa bao chứa thì có ý kiến, sắp tới sẽ bổ sung. Tinh thần là TP.HCM sẽ hỗ trợ lãi suất để phát triển các dự án thiết thực cho sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố.
Theo ông Mãi, về hỗ trợ khởi nghiệp TP.HCM rất quan tâm. Thành phố đã xác định lực lượng DN đóng góp lớn trong sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố trong đó DN trẻ, DN khởi nghiệp…
Nếu xét về khởi nghiệp sáng tạo, TP.HCM là một trong những trung tâm khởi nghiệp sáng tạo ở Đông Nam Á và TP.HCM vị trí thứ ba sau Singapore.
"Với các gợi ý của DN chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu làm sao TP.HCM thật sự trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Hiện nay trong bốn kỳ lân công nghệ của quốc gia thì TP.HCM có ba kỳ lân. Nếu chúng ta có chính sách tốt sẽ thu hút và phát triển thêm nhiều kỳ lân. Đây chắc chắn là nguồn bổ sung cho lực lượng DN lớn mạnh trong thời gian tới"- ông Mãi nói.