Sáng 11-12, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố sáu Luật vừa được kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV thông qua. Đáng chú ý trong số này có Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) 2018.
Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế TTCP Nguyễn Tuấn Anh.
Theo Phó Tổng thanh tra Chính Nguyễn Văn Thanh, Luật PCTN 2018 gồm 10 chương với 96 điều, có hiệu lực từ 1-7-2019. Đáng chú ý, Luật dành một chương quy định về phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
So với Luật hiện hành, Luật 2018 không quy định công khai, minh bạch trong các lĩnh vực mà chỉ quy định nguyên tắc về nội dung, hình thức, trách nhiệm thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Mục này cũng quy định về trách nhiệm giải trình, báo cáo công tác PCTN và tiêu chí đánh giá về công tác PCTN…
Về thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn: Luật tiếp tục quy định về quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và việc tặng quà và nhận quà với một số chỉnh lý so với Luật hiện hành và bổ sung quy định về kiểm soát sung đột lợi ích tại Điều 23.
Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị: Đây là một trong những nội dung mới và thay đổi căn bản so với Luật hiện hành. Theo đó, Luật đã quy định cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; kê khai tài sản, thu nhập, xác minh tài sản, thu nhập; cơ sở dữ liệu về tài sản, thu nhập.
Luật đã quy định Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo hướng tăng cường một bước tính tập trung và phù hợp với thực tiễn tổ chức bộ máy nhà nước ta hiện nay, bảo đảm tính khả thi; quy định mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai đến tất cả cán bộ, công chức và một số nhóm viên chức giữ chức vụ, chức danh quản lý để từng bước quản lý chặt chẽ về dữ liệu về dữ liệu tài sản, thu nhập, qua đó theo dõi, xác minh phục vụ cho công tác PCTN; đồng thời đổi mới căn bản phương thức kê khai để giảm bớt số đối tượng phải kê khai hàng năm và khắc phục tính hình thức trong thực hiện.
Trả lời báo chí sau đó, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế TTCP Nguyễn Tuấn Anh lý giải thêm, Luật mới yêu cầu tất cả cán bộ công chức, người có chức vụ, quyền hạn và một số nhóm viên chức giữ chức vụ quản lý kê khai lần đầu. Tuy nhiên, kê khai hàng năm, chỉ tập trung vào nhóm đối tượng tương đương từ giám đốc sở trở lên ở cả trung ương và địa phương và một số vị trí quản lý tài chính, tài sản công hoặc thường xuyên trực tiếp giải quyết công việc của người dân.
“Lần này chúng ta tập trung vào nhóm đối tượng đó, yêu cầu họ phải kê khai hàng năm. Và qua kiểm soát, thống kê nói chung, chúng tôi thấy số lượng bản kê khai này cũng rất lớn, theo thống kê chưa đầy đủ có khoảng 4.000- 5.000”- ông Tuấn Anh cho biết.
Cũng theo ông Tuấn Anh, để tránh việc kê khai hình thức, Luật quy định rất rõ về trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, đặc biệt trong việc hình thành, quản lý cơ sở dữ liệu bảng kê khai, hướng tới việc số hoá cơ sở dữ liệu này.
Hàng năm, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ phải xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được lựa chọn ngẫu nhiên; quy định cụ thể về thẩm quyền yêu cầu, kiến nghị xác minh tài sản, thu nhập; nội dung xác minh tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực.
“Chúng tôi cho rằng với việc mở rộng căn cứ xác minh, quy định thẩm quyền xác minh chủ động thì các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ bảo đảm quy định này được thực hiện thực chất hơn, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả của việc kiểm soát tài sản, thu nhập trong PCTN”- ông Tuấn Anh nói.
Ngoài ra, Luật cũng dành một chương riêng quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đồng thời sửa đổi, bổ sung nhằm cụ thể hoá và đề cao vai trò của người đứng đầu. Cụ thể, Luật quy định nội dung trách nhiệm của người đứng đầu trong PCTN; quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong việc áp dụng biện pháp tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác; quy định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.
Luật PCTN 2018 cũng dành một chương quy định về PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.
Theo Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 gửi các ĐBQH, số người đã kê khai tài sản, thu nhập trong năm là hơn 1,1 triệu người (đạt tỉ lệ 99,8%). Có 44 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập, gồm: Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Yên Bái. Qua việc xác minh tài sản, thu nhập, cơ quan có thẩm quyền đã phát hiện 6 trường hợp vi phạm. Đã xử lý kỷ luật 4 trường hợp, kiểm điểm 1 trường hợp, đang xem xét xử lý kỷ luật 1 trường hợp. Cụ thể, đã xử lý kỷ luật cảnh cáo 1 trường hợp tại Yên Bái; khiển trách 1 trường hợp và kiểm điểm 1 trường hợp tại TP. Hồ Chí Minh; xử lý kỷ luật 2 trường hợp tại Bộ Công Thương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đang xem xét kỷ luật 1 trường hợp tại TP. Hà Nội. |