Con số này là rất lớn nếu so với cả hệ thống, từ khi chính thức vận hành tháng 7 đến nay, mới chỉ có tổng cộng 451 mã trái phiếu của 114 doanh nghiệp - theo thống kê của Sở GDCK Hà Nội.
Điểm danh các doanh nghiệp đăng ký giao dịch trái phiếu riêng lẻ thì lớn nhất là Ngân hàng HDBank với 21.920 tỉ đồng với 27 mã trái phiếu. Tiếp theo là Techcombank với 19.950 tỉ đồng, 10 mã trái phiếu; MBBank là 18.305 tỉ đồng với 42 mã trái phiếu, Vietinbank là 14.955 tỉ đồng với 35 mã trái phiếu; và BIDV với 13.255 tỉ đồng, 20 mã trái phiếu.
Trên thị trường sơ cấp, trong tháng 10 đã có 40 đợt đăng ký phát hành với tổng giá trị đăng ký là 45.746 tỉ đồng.
Tổng số đợt phát hành thành công trong tháng là 42 đợt với tổng giá trị phát hành là 44.894 tỉ đồng, kỳ hạn phát hành bình quân 3,9 năm, lãi suất phát hành bình quân là 8,38%, trong đó, toàn bộ là phát hành trong nước.
Cũng trong tháng 10, trên thị trường thứ cấp, tổng khối lượng giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ toàn thị trường đạt hơn 102 triệu trái phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 29.292 tỉ đồng. Tính bình quân, khối lượng giao dịch đạt hơn 4,6 triệu trái phiếu/phiên, giá trị giao dịch đạt hơn 1.331 tỉ đồng/phiên, gấp 2,5 lần so với tháng 9.
Ở thị trường này, giá trị giao dịch cao nhất là trái phiếu Công ty TNHH Bất động sản Lan Việt với 3.827 tỉ đồng, tiếp theo là trái phiếu Công ty TNHH Kinh doanh nội thất Luxury Living với 3.469 tỉ đồng, Công ty CP Sản xuất và Kinh doanh Vinfast với 2.226 tỉ đồng, BIDV với 2.033 tỉ đồng và trái phiếu Công ty CP Phú Thọ Land với 1.771 tỉ đồng.
Sự hình thành hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đến nay đã thu hút sự tham gia của 20 thành viên giao dịch. Trong đó, riêng tháng 10 có bảy công ty chứng khoán gia nhập, gồm Mirae Asset Việt Nam, HDS, Rồng Việt, HSC, Vietcap, SHINHAN Việt Nam và Stanley Brothers.
Sở GDCK Hà Nội là đơn vị quản lý, vận hành toàn quốc hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Chính thức hoạt động từ tháng 7-2023, hệ thống này được kỳ vọng giúp tăng thanh khoản thị trường, đồng thời giúp cơ quan quản lý, thành viên giao dịch, công chúng đầu tư chuyên nghiệp có thêm thông tin về thị trường từ sơ cấp đến thứ cấp, từ đó đưa ra các chính sách về quản lý và phát triển thị trường cũng như quyết định đầu tư phù hợp.
Việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ lành mạnh, ổn định, hiệu quả, minh bạch và bền vững sẽ góp phần tạo ra một nền tài chính đa dạng, hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn trung và dài hạn, giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào kênh tín dụng ngân hàng.