Lượng trái phiếu doanh nghiệp chậm thanh toán sẽ giảm mạnh

(PLO)- Khối lượng trái phiếu bị chậm thanh toán đã đạt đỉnh vào quý I-2023 và sẽ giảm mạnh trong năm 2024.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Báo cáo Thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới nhất, VIS Rating ước tính giá trị trái phiếu chậm trả gốc, lãi sẽ chạm mốc 195.000 tỉ đồng vào cuối năm 2023.

trai-phieu-2999-4546.png

Trái phiếu quá hạn tập trung vào bất động sản

Phần lớn các trái phiếu chậm trả đến từ các ngành đang gặp khó khăn như bất động sản, xây dựng và năng lượng tái tạo, và tập trung vào một vài nhóm doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản. Trong đó, 74% giá trị trái phiếu chậm trả gốc, lãi là từ các doanh nghiệp bất động sản có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến một vài nhóm công ty lớn.

Nhóm ngành bất động sản nhà ở và xây dựng nhìn chung có sức khỏe tài chính yếu thể hiện ở tỉ lệ đòn bẩy vay nợ cao và dòng thu tiền mặt thấp. Chỉ số nợ trên vốn bình quân của nhóm ngành bất động sản và xây dựng tính đến hết quý 2-2023 lần lượt là 2,5 và 3,3 lần. Những ngành này đang phải đối mặt với áp lực trả nợ rất lớn và gặp khó khăn khi muốn tái cấp vốn.

Trong quý IV-2023, ước tính sẽ có thêm 20.000 tỉ đồng trái phiếu bị chậm thanh toán. Tổng giá trị trái phiếu chậm trả gốc, lãi tính đến tháng 9-2023 là 175.000 tỷ đồng.

VIS Rating nhận xét, lượng trái phiếu bị chậm trả gốc, lãi phát sinh mới đã đạt đỉnh vào quý I-2023 và sẽ giảm trong năm 2024 nhờ Nghị định 08/2023/NĐ-CP đưa ra các cơ chế khắc phục hoặc trì hoãn tình trạng chậm trả.

Năm 2024, VIS Rating dự báo tổng giá trị trái phiếu chậm trả gốc, lãi phát sinh mới là 66.000 tỷ đồng thấp hơn nhiều so với số phát sinh mới trong năm 2023.

trái phiếu 2.png

Trái phiếu chậm thanh toán giảm nhờ gia hạn

Nghị định 08 cho phép tổ chức phát hành và các trái chủ có một số cơ chế để đàm phán khắc phục tình trạng chậm trả như gia hạn nợ, hoán đổi tài sản, thanh lý tài sản thế chấp.

Hơn 80% tổ chức phát hành đã đưa ra phương án gia hạn trái phiếu, với thời gian gia hạn trung bình 20 tháng, gần bằng mức tối đa 2 năm.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, có 148 trái phiếu với tổng giá trị 36.000 tỷ đồng đã lùi ngày đáo hạn và 75% số đó chỉ đạt được sự đồng ý của trái chủ trong vòng hai tháng trước ngày đáo hạn.

Việc gia hạn trái phiếu chủ yếu để tránh tình trạng chậm trả gốc, lãi và cơ chế này giúp cho tổ chức phát hành có thêm thời gian để tái cấu trúc hoạt động kinh doanh cũng như dòng tiền của mình.

Trong năm 2024, chuyên gia của VIS Rating cho rằng doanh nghiệp sẽ tiếp tục lựa chọn phương án gia hạn trái phiếu. Đây là phương án ít phức tạp, không vướng mắc về pháp lý mà chỉ cần sự đồng thuận hai bên doanh nghiệp phát hành và trái chủ.

Các phương án khác như hoán đổi tài sản hay thanh lý tài sản đảm bảo đều cần đến sự tham gia của bên thứ ba để thực thi các nghiệp vụ phức tạp như định giá tài sản, xử lý tài sản thế chấp, chuyển giao quyền sở hữu tài sản...

Hiện tại, một vài trái phiếu chậm trả gốc, lãi sau quá trình đàm phán gia hạn đã có sự điều chỉnh tăng lãi suất phiếu, bổ sung thêm các điều khoản ràng buộc chặt chẽ hơn hoặc bổ sung thêm các tài sản bảo đảm.

Từ tháng 1-2024, yêu cầu chứng minh nhà đầu tư chuyên nghiệp và việc áp dụng xếp hạng tín nhiệm trái phiếu bắt buộc theo Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ có hiệu lực. Với xu hướng các điều kiện tín dụng dần ổn định, thanh khoản thị trường có thể được duy trì tốt và rủi ro tái cấp vốn sẽ được giảm bớt.

Nhờ đó, hoạt động phát hành trái phiếu của các ngân hàng sẽ là động lực chính cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới, với khối lượng phát hành lớn từ các ngân hàng để tăng nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh và đáp ứng các chỉ tiêu an toàn vốn.

Nhìn chung, thị trường kỳ vọng trái phiếu doanh nghiệp năm 2024 sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới theo hướng chặt chẽ hơn với việc áp dụng những yêu cầu cao hơn đối với tất cả các bên, qua đó giúp cho hoạt động phát hành trái phiếu mới dần phục hồi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm