Theo The Economist, chính người Mỹ đã “phát minh” ra hình mẫu của một ĐH nghiên cứu hiện đại khi kết hợp giữ mô hình ĐH Oxbridge của Anh và các viện nghiên cứu của Đức. Mô hình Mỹ đã trở thành “chuẩn mực vàng” cho hầu hết trường ĐH trên toàn thế giới. Tương tự, Mỹ đã khởi xướng quá trình phổ cập giáo dục bậc cao từ thế kỷ 19. Kể từ đó quá trình này đã lan rộng sang châu Âu và Đông Á vào thế kỷ 20 và giờ đây đã và đang diễn ra gần như ở mọi nơi trên thế giới.
Tuy nhiên, sự tụt hạng trong kết quả đào tạo của ĐH Mỹ khiến các bậc phụ huynh, trong đó có Việt Nam, phải đặt lại vấn đề liệu những khoản đầu tư khổng lồ dành cho giáo dục có xứng đáng hay không?
Sinh viên đông, học phí phải tăng
. Phóng viên: Thưa giáo sư, ông nhận định thế nào khi chất lượng giáo dục giảm mà học phí tại các trường này vẫn tăng chóng mặt?
+ GS Nguyễn Đăng Hưng, GS danh dự của ĐH Liège (Vương quốc Bỉ): Lý do thứ nhất là số sinh viên ghi tên vào các ĐH danh tiếng ngày càng đông. Các trường này cũng không có điều kiện tiếp nhận tất cả nên tăng học phí vừa là nâng cao thu nhập vừa là rào cản khả thi. Thứ đến vì khoa học ngày càng phát triển, ngành nghề ngày càng đòi hỏi đầu tư, giá phải trả cho giáo dục chất lượng ngày càng tăng. Chất lượng sinh viên, nhất là những năm đầu ĐH, không tỉ lệ thuận với học phí ĐH. Ở các nước tiên tiến như Mỹ, kinh tế sung túc, đời sống tiện nghi, phương tiện giải trí vui chơi phong phú có ảnh hưởng đến ý chí tiến thủ của thanh niên. Học ĐH đòi hỏi thói quen cần mẫn, khả năng tập trung tư tưởng cao, những yêu cầu mà con em các gia đình giàu có hay được cha mẹ nuông chiều sẽ khó đáp ứng…
. Vậy trên thế giới họ dựa vào đâu để đánh giá hay xếp thứ hạng của một trường chất lượng cao?
+ Họ dựa theo nhiều chuẩn khác nhau, chẳng hạn như các nhà khoa học trong trường ấy có ai đạt giải Nobel chưa, có tiếng tăm không. Sinh viên tốt nghiệp ra trường đã làm gì cho xã hội, có những thành công nào… Nói chung phụ huynh ai bỏ tiền đầu tư đều muốn có kết quả theo ý muốn. Trước khi quyết định phụ huynh cần tham khảo cho tường tận thêm các chi tiết như con nên học ngành nào, lớp nào, giáo sư nào, đại lục nào, nước nào…
Ngay cả việc sắp hạng các trường ĐH cũng phải dè chừng: Theo tiêu chuẩn của ĐH Giao thông Thượng Hải, theo chuẩn của Mỹ hay châu Âu? Vì mỗi chuẩn của trường hay khu vực cũng khác nhau. Theo tôi, chuẩn của Trường ĐH Giao thông Thượng Hải xếp hạng có phần cảm tính hơn so với chuẩn ở Âu-Mỹ vì tiêu chí các em ra trường đóng góp gì cho hiện nay chỉ số không cao.
Nhà khoa học giỏi nghiên cứu chưa chắc có năng khiếu giảng dạy. Bởi vậy các trường danh tiếng chưa chắc đảm bảo 100% chất lượng giảng dạy cho các lớp cử nhân.
Lo dạy tiến sĩ, bỏ quên cử nhân
. Vậy ông nghĩ sao khi lập luận của The Economist cho rằng nguyên nhân giáo dục bậc cao chưa thực sự hiệu quả bởi chính phủ chỉ đánh giá các trường ĐH dựa trên các công trình nghiên cứu nên có vẻ các giáo sư bắt đầu bỏ quên việc giảng dạy?
+ Vấn đề giá trị của các công trình nghiên cứu là yếu tố quan trọng bậc nhất trong bậc thang đánh giá các trường là một điều bất biến. Bởi vậy các trường ĐH luôn luôn hết sức thu hút những nhà nghiên cứu cao cấp về dạy tại trường mình. Họ sẵn sàng trả lương cao cho những nhà khoa học có công trình, giải thưởng khoa học danh giá. Tuy nhiên, các giáo sư này thường chỉ can thiệp giảng dạy ở cấp thạc sĩ, tiến sĩ… Nhà khoa học giỏi nghiên cứu chưa chắc là nhà giáo có năng khiếu giảng dạy, có kỹ năng sư phạm, có sức thu hút đông đảo sinh viên những năm đầu ĐH cấp cử nhân… Bởi vậy các trường danh tiếng chưa chắc đảm bảo 100% chất lượng giảng dạy cho các lớp cử nhân.
. Vậy làm sao đạt để hút được phân khúc cử nhân đào tạo ra các kỹ sư cho các ngành để phụ huynh bỏ tiền tương xứng với giá trị nhận được?
+ Như tôi đã nói, tiền chỉ kéo theo chất lượng khi lãnh đạo nhà trường là những nhà quản lý có tâm và có tầm. Trước nhất phải thu hút cho được nhà giáo có chất lượng. Các năm đầu cần những nhà giáo dạy giỏi, có giáo trình nghiêm túc. Các lớp cao học cần những nhà khoa học có tiếng tăm, có công bố quốc tế chất lượng. Tiếp theo là yếu tố thời gian. Đánh giá chất lượng cần thời gian. Sinh viên ra trường nay làm gì, có thành quả ra sao… Điều tối kỵ là thói ăn xổi ở thì như ta đang thấy đầy rẫy tại Việt Nam…
Cần thiết Việt Nam cũng lập Bộ Giáo dục mới
. Thưa Giáo sư, từ câu chuyện giáo dục ở Mỹ và các nước tiên tiến, nhìn về Việt Nam ông thấy muốn xây dựng mô hình giáo dục ĐH bậc cao phải làm thế nào?
+ Trước nhất phải xây dựng một tầng lớp lãnh đạo ĐH có tâm, có tầm theo tiêu chuẩn quốc tế. Phải chấm dứt việc cơ cấu cán bộ lãnh đạo theo hệ thống chính trị hiện hành. Sau đó tập hợp một lớp người thầy tâm huyết và chất lượng được đào tạo theo chuẩn quốc tế. Sau cùng là yếu tố thời gian, phải cần hơn 15 năm mới đánh giá được. Trong những năm đầu Nhà nước cần phải duy trì chế độ bao cấp ngân sách. Dân có quyền đòi hỏi Nhà nước dùng ngân sách do dân đóng để cung cấp cho dân một nền giáo dục toàn dân có chất lượng. Tại sao các nước làm được mà ta làm không được? Tại sao ta lại để cho Lào và Campuchia đang chuẩn bị qua mặt?
. Chúng ta có thể học hỏi mô hình nước nào tương đồng, thưa ông?
+ Nước có văn hóa, có hoàn cảnh lịch sử gần giống Việt Nam mà đã thành công rực rỡ trong việc tổ chức giáo dục đào tạo là Hàn Quốc. Hàn Quốc cũng trải qua chiến tranh nhưng đến nay họ là nước có tỉ lệ số bằng sáng chế/số dân cao nhất thế giới. Họ có nền công nghệ độc lập, sản xuất thiết bị điện tử, viễn thông, xe hơi, tàu thủy và sắp sản xuất máy bay. Sự thành công của Hàn Quốc không chỉ là học thuật mà công nghệ, nghệ thuật… Từ phim ảnh, ca nhạc… đều là sản phẩm của giáo dục.
Họ làm được vì ngay từ khi bắt đầu họ làm thực chất, trường học không phải là chỗ tuyên truyền. Họ mời thầy từ châu Âu, Mỹ đến giúp cải cách giáo dục, họ lựa sinh viên giỏi đi du học để cải tiến công nghệ… Các chủ trương này có ngay từ đầu. Họ làm thực chất chứ không vì thành tích, danh tiếng, không vì mục tiêu đạt được bao nhiêu thạc sĩ hay tiến sĩ. Việt Nam ta nên thành khẩn học hỏi kinh nghiệm… Nếu cần nên mời một tổng công trình sư từ Âu-Mỹ về Việt Nam, giao cho người này toàn quyền đứng ra tổ chức cải cách. Chúng ta sẽ làm được.
. Xin cám ơn Giáo sư.
TS PHẠM THỊ LY, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu, Viện Đào tạo Quốc tế, ĐHQG TP.HCM: Bằng ĐH không còn bảo đảm cho một chỗ làm tốt nữa Đối với những hệ thống giáo dục lành mạnh thì cái “mác” không cách biệt quá xa hoặc mâu thuẫn với cái thực chất. Thị trường lao động cũng là một thị trường hàng hóa, hàng dỏm không thể bán với giá đắt mãi mãi, vì sớm muộn gì người mua cũng sẽ nhận ra. Vấn đề là trước đây, trường ĐH là nơi chủ yếu đem lại những tri thức và kỹ năng khiến người có đi học khác hẳn với người không đi học, người học trường tốt khác hẳn người học trường dỏm. Còn hiện nay, nhiều trường ĐH không bắt kịp được nhu cầu của thị trường lao động, trong lúc công nghệ truyền thông mang lại cho người học những cơ hội vô tận để thu nhận kiến thức. Vì lẽ đó, nếu các trường ĐH không thay đổi thì nó chẳng có lý do gì để mà tồn tại. Người học, để có thể sống còn trong thị trường lao động toàn cầu, đang phải tự mình bổ khuyết những thứ còn thiếu trong trường ĐH. Cử nhân thất nghiệp không phải chỉ là hiện trạng ở Việt Nam mà còn là một thực tế phổ biến gần đây ở nhiều nước. Nó nói lên rằng bằng ĐH tự nó không còn là bảo đảm cho một chỗ làm tốt như trước nữa. TRUNG NHÂN |