LTS: Mới đây, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đưa ra bảng xếp hạng chất lượng giáo dục toàn cầu về năng lực của học sinh phổ thông tuổi 15 ở hai lĩnh vực toán và khoa học. Trong đó Việt Nam đứng thứ 12, vượt qua cả Mỹ và Pháp. Kết quả đáng mừng này gây nhiều tranh cãi trong giới học thuật về tính toàn diện của nó.
Theo TS Trần Đình Lâm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam-Đông Nam Á, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM: Khi nào chúng ta chưa nhìn thấy sự thật thì con cháu sau này còn hệ lụy. Phải tôn trọng dân chủ, nếu học trò không dám “cãi” thì nền đào tạo sẽ kém đi.
Đừng nhìn vào “gà nòi”
. Phóng viên: Theo ông, kết quả khảo sát của OECD về chất lượng giáo dục toàn cầu của Việt Nam có khách quan và toàn diện?
+ TS Trần Đình Lâm: Chúng ta cứ thử sàng lọc xem trong 90 triệu dân thì có bao nhiêu người học trong các trường chuyên, lớp chọn. Số lượng “gà nòi” đương nhiên không nhiều nên phải chất lượng hơn đại đa số. Cũng như đội bóng của các phường, xã không thể bằng các đội bóng chuyên nghiệp. Việc xếp hạng cao nghe vậy ai cũng thấy sướng nhưng đừng mắc bệnh thành tích trong chúng ta để ca ngợi viển vông nhiều mà quên đi những cái rất đời thường. Hãy thử hỏi xem tại sao Việt Nam xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới mà nông dân vẫn nghèo. Nếu giáo dục của chúng ta đã tốt thì mình đâu cần sửa chữa. Và tại sao sách giáo khoa lại phải trải qua bao nhiêu lần sửa chữa, càng sửa chữa càng rối rắm. Thực tế sinh viên (SV) đào tạo ở trường cần những gì thực chất, đào tạo cũng cần sự đồng bộ, công bằng như thế xã hội mới phát triển bền vững.
. Có ý kiến cho rằng giáo dục Việt Nam hiện nay chỉ chú trọng dạy chữ, dạy kiến thức mà thiếu rèn dạy kỹ năng sống, kỹ năng thực hành, khó biến kiến thức thành nguồn lực lao động...
+ Họ hoàn toàn đúng khi nhận xét như vậy. Nền giáo dục của ta lâu nay nặng về hình thức, lý thuyết, khoa bảng, kém thực tế. Công việc của mỗi người là do sự phân công lao động xã hội. Nên dù làm nghề gì có thu nhập nuôi sống bản thân đều đáng quý trọng nhưng chúng ta lại đặt sự hào nhoáng lên trên. Thế nên làm cơ quan nhà nước ít tiền nhưng nhiều người cố vào cho bằng được. Chính điều này khiến đánh giá của xã hội về nghề nghiệp cũng lệch lạc, thiếu sự công bằng. Thay vào đó cần tôn vinh các doanh nghiệp (DN) tư nhân có đóng góp tốt cho xã hội. Từ đó thay đổi nhận thức chỉ cần làm việc có thu nhập tốt, đóng góp được cho xã hội là vinh quang.
Mục tiêu giáo dục: Phải công bằng và toàn diện
. Mục tiêu đào tạo của nền giáo dục thời trước khác ngày nay như thế nào, thưa ông?
+ Triết lý của giáo dục phải phát triển vì cộng đồng, mong muốn xã hội thịnh vượng. Tuy nhiên, muốn làm được cái chung thì phải kích thích sự phát triển của cá nhân chứ không phải cái chung lấn át cái riêng, đưa cái chung đa số lên để áp đặt mà nhiều khi cái chung chưa hẳn đã đúng. Thế nên mới có tình trạng nhiều cá nhân phải đi đến môi trường khác mới phát triển tốt là vì vậy.
Giáo dục của chúng ta phụ thuộc vào nhiều yếu tố và trải qua nhiều giai đoạn. Tôi muốn dẫn lại câu chuyện về xuất khẩu gạo của chúng ta đứng thứ hai trên thế giới mà nông dân vẫn nghèo. 100 năm trước tại Sài Gòn cũng đã xuất khẩu gạo chứ không đến bây giờ mới làm. Tôi cũng vẫn nhớ trước đây chúng ta có nhiều thương hiệu tốt trên thị trường nhưng đến giờ lại trở nên hiếm hoi như vậy.
. Theo ông, chúng ta có thể học tập mô hình nào để việc học đi kèm với hành?
+ Ở châu Âu, tất cả SV bước vào năm thứ ba, đi thực tập ở doanh nghiệp đều được trả lương 100%, không được cắt thuế. Thuế ở các nước này phải đóng 40%-50% thu nhập nhưng riêng với SV thì không phải đóng. Vì họ nghĩ rằng SV này, cá nhân này sẽ là nhân lực của xã hội. Số tiền này đa số được SV dùng để đi du lịch, thực tế.
Tại trường ĐH ở Hàn Quốc, học sinh (HS) có quyền kiện giáo sư của mình mà không sợ bị trù dập. Tôi từng chứng kiến một trường hợp HS kiện bộ giáo dục đã ra đề sai. Sau khi xử, một SV thua kiện. Nhưng SV vẫn thấy mình đúng và các luật sư đã vào cuộc kiện tiếp, cuối cùng SV đó đã thắng. Bộ giáo dục ở ĐH Hàn Quốc đã cố gắng rất tốt cho nền giáo dục nhưng đó là những xác suất rủi ro cũng là bình thường.
Hay một cuốn sách viết về Nhật 120 năm về trước cũng bảo thủ theo quan niệm của Khổng Tử. Nhưng sau đó Nhật đã học tính kỷ luật của Đức và áp dụng giáo dục của phương Tây. Họ chọn những con người giỏi nhất cử đi học để tạo nền tảng cho quốc gia phát triển mạnh mẽ cho đến giờ. Để làm được điều đó phải có nghị lực phi thường.
. Giáo dục như ông nói phải toàn diện, vậy Việt Nam sẽ đi tiếp hoặc bắt đầu thế nào?
+ Con đường giáo dục chính là con đường phát triển của quốc gia, thế nên giáo dục xã hội phải bắt nguồn từ chính sách của nhà nước. Chính sách thế nào thì DN, trường học, toàn xã hội theo. Giáo dục phải công bằng nên toàn xã hội phải đầu tư rất lớn. Đã có thời Hàn Quốc cấm dạy thêm, vì thế DN muốn đào tạo học thêm sẽ bị cơ quan thuế thanh tra, viên chức dạy thêm sẽ bị nghỉ làm, HS con nhà giàu có tiền muốn học thêm đều bị cấm. Bởi họ mong muốn xã hội phải toàn diện cùng phát triển, nếu cho phép dạy thêm như vậy con nhà nghèo chiếm đại đa số sẽ không được học. Thời đó dân Hàn Quốc muốn con học thêm phải cho tài xế chạy trên đường vài tiếng để thầy giáo và HS học trong xe. Nhưng sau đó Hàn Quốc cũng đã sửa sai và đi lên từ nền giáo dục như vậy. Đến nay Hàn Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia mà ngân sách nhà nước rót cho giáo dục tính trên GDP nhiều nhất.
Chỉ số OECD gây tranh cãi? Tờ Tes.co.uk mới đây dẫn lại bảng xếp hạng chất lượng giáo dục toàn cầu lớn nhất thế giới của OECD. Theo Tes.co.uk bình luận, trình độ về các kỹ năng cơ bản trong các môn học mà OECD đánh giá, gồm toán và khoa học, có liên quan tới sự đo lường hiệu suất kinh tế quốc gia. Theo ông Andreas Schleicher, Giám đốc giáo dục của OECD, sự so sánh lần này về chất lượng giáo dục chính là “chuẩn đo về chất lượng giáo dục toàn cầu đích thực đầu tiên”. Kết quả mà OECD đưa ra được nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam tranh luận sôi nổi. Nhiều ý kiến cho rằng nếu so chỉ số mà OECD đưa ra với thực trạng giáo dục cũng như việc làm tại nước bản địa thì dường như lý thuyết của OECD vẫn còn xa vời so với thực tế. Các lập luận phản biện cho rằng toán và khoa học đúng là những môn cơ bản quan trọng nhưng chính sách học “nhồi nhét” của một số quốc gia tại châu Á không mang lại cho HS sau độ tuổi 15 các nền tảng căn bản về kỹ năng sống và sự tự giác, theo đuổi việc học. Áp lực từ trường lớp, thầy cô, chương trình giáo khoa và thành tích xếp hạng chính là động lực khiến các em phải nỗ lực học toán thật tốt thay vì được cung cấp các điều kiện để có thể phát triển một cách tự nhiên về tư duy. Bằng chứng quan trọng cho thấy tại một số quốc gia có chỉ số xếp hạng cao nhưng tỉ lệ thất nghiệp vẫn còn là vấn đề nan giải. NGỌC NHƯ |
TS NGUYỄN CAM, Giám đốc Trung tâm Công nghệ dạy học thuộc Viện Nghiên cứu giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM: Chúng ta trả giá quá đắt để có thứ hạng cao về giáo dục
Đau lòng mà nói để có kết quả xếp hạng cao như vậy, cái giá chúng ta phải trả lại quá đắt. Chúng ta phải hy sinh dường như cả tuổi thơ của con em, phải hy sinh quá nhiều năng lực của toàn bộ hệ thống, làm hao mòn toàn bộ sức lực và trí tuệ của con em. Các em phải học như hành xác, không có thời giờ để vui chơi, tư duy, rèn luyện các khả năng khác về đức, trí, thể, mỹ nữa. Phần lớn các em học vì điểm số, vì thi cử như nhai lại kiến thức chứ không phải sáng tạo. Cuối cùng thì cách đánh giá của chúng ta bây giờ cũng chỉ chú trọng vào kiến thức, kết quả học sinh học môn đó có cao hay không.
Theo tôi, trường học chỉ nên là nền tảng thôi, mà đã là nền tảng thì không nên bắt các em học quá nhiều, chỉ cần trang bị kiến thức cơ bản, phương pháp luận và hình thành tư duy khoa học logic cho các em. Những em nào có khả năng đam mê sẽ có phương thức dạy, giáo trình học khác hơn để có cách dạy riêng. Nếu chúng ta làm tốt những điều đó thì sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề tồn tại sâu xa hiện nay trong xã hội như bạo lực học đường, bạo lực gia đình, vô cảm,… Giáo dục của chúng ta xếp vị trí nào với thế giới không quan trọng nhưng chúng ta phải thực sự nhìn nhận lại, đổi mới tổng thể, giải quyết một cách vĩ mô và toàn diện hơn. Đừng chờ đợi thời gian, đừng chờ đợi một mô hình hoàn chỉnh mà thấy cái gì cần làm, cần thay đổi thì phải làm một cách tập trung và mạnh mẽ. PHẠM ANH ghi GS-TSKH VŨ MINH GIANG, ĐH Quốc gia Hà Nội: Nếu xứng hạng 12 thì còn cải cách giáo dục làm gì!
Bây giờ đổi mới căn bản toàn diện giáo dục mình phải chuyển từ một nền giáo dục tiếp cận nội dung hướng sang nền giáo dục dạy HS về phương pháp, kỹ năng. Bởi thời buổi ngày nay HS có thể học ở bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào và học suốt đời.
Thứ nữa là phải dành thời gian dạy HS các kỹ năng khác, dạy lý tưởng cuộc sống rồi quan hệ xã hội, rèn người. Hiện nay ta rất ít chú ý đến điều này. Với ý nghĩa đó, tôi có thể nói ngay nền giáo dục của chúng ta phải tiến rất mạnh, rất nhanh mới đuổi kịp được thế giới, nếu không nói là đang lạc hậu. Tôi cho rằng không phải ngẫu nhiên mà Trung ương Đảng khóa 8 phải ra hẳn một nghị quyết về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đâu. Bởi vì nền giáo dục của chúng ta đang trì trệ thì chúng ta phải cải cách. Còn chúng ta đang tiên tiến, đứng thứ 12 thế giới thì làm gì chúng ta phải cải cách, mà thậm chí SV các nước còn đến Việt Nam theo học. HUY HÀ ghi Ông NGUYỄN KHẮC THÀNH ĐẠT, nguyên Phó Tổng Giám đốc điều hành Công ty Bảo hiểm Prudential Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty Đào tạo NLP (lập trình ngôn ngữ tư duy) Tâm Thức Mới: Có khoảng cách rất lớn giữa đào tạo và làm việc
Có khoảng cách rất lớn giữa chất lượng đào tạo và nhu cầu thực tế. Thế hệ trẻ nói chung bây giờ bên cạnh vấn đề chưa có kinh nghiệm làm việc, các bạn còn thiếu kỹ năng xử lý tình huống, thiếu tư duy phản biện, thiếu khả năng ứng dụng thực hành. Trừ những người rất giỏi, bứt phá lên, tự học hỏi trải nghiệm và phát triển bản thân, còn thì các doanh nghiệp phải tốn nhiều thời gian đào tạo bổ sung.
Chẳng hạn như các thí sinh thi vào chương trình quản trị viên tập sự của công ty chúng tôi, cũng có những người rất giỏi nhưng đó chỉ là con số rất ít được lựa chọn. Và đáng buồn là trong số rất ít đó, hầu hết là những người đi du học nước ngoài về. Phỏng vấn yêu cầu các em nói thì nhiều em lại nói theo lý thuyết chưa cập nhật, hỏi đến thực tế thì các em chỉ nói chung chung. Khi đặt các em vào tình huống cụ thể của công việc để ứng xử, giải quyết thì các em chịu thua. Lỗi ở nền giáo dục một phần, một phần nữa tôi nghĩ lỗi còn ở chính bản thân các em. Những gì nhà trường thiếu thì mình phải tự học, tự bổ sung, tự trải nghiệm. Bà NGUYỄN THỊ THU GIAO, Giám đốc nhân sự Công ty Diageo Việt Nam: Phần đông SV mới ra trường thiếu kỹ năng đối nhân xử thế
Tôi nhận thấy cái thiếu lớn nhất của số đông trong các lứa SV Việt Nam mới ra trường tìm việc là kỹ năng đối nhân xử thế. Đặc điểm chung mà tôi nhận thấy ở phần lớn các em là sự non nớt. Tôi đã và đang tiếp xúc với nhiều cá nhân ngoài 20 tuổi, có khi 25-26 tuổi mà chưa thực sự trưởng thành. Các em vào công ty mà lúng túng, không biết xưng hô sao cho đúng với mọi người. Các em thiếu tự tin trả lời và đặt câu hỏi cho người khác. Và trên hết, các em thiếu định hướng cho nghề nghiệp của mình. Chúng tôi từng vào các trường đại học săn người giỏi và nhận thấy chỉ có khoảng 10% SV thực sự biết mình muốn gì, sẽ làm gì. Còn lại thì học theo ý cha mẹ, nhiều SV học đến năm thứ 2, thứ 3 mới phát hiện ngành học không phù hợp.
Đáng nói là mặt bằng lao động ngày càng có sự sàng lọc, cạnh tranh quyết liệt. Chẳng hạn công ty tôi, ngoài SV Việt Nam tốt nghiệp các trường đại học trong nước, chúng tôi còn tuyển dụng SV du học về và cả người nước ngoài. Phỏng vấn một người ứng tuyển Việt Nam và một người nước ngoài sẽ thấy rất khác biệt. Không ít người trong số người nước ngoài ứng tuyển nói tiếng Việt rất giỏi, được trang bị kiến thức và kỹ năng mềm từ tấm bé mà nhận lương cũng chỉ ngang bằng người Việt thì chúng tôi đương nhiên sẽ chọn họ. Và giữa một người có kinh nghiệm làm việc đòi hỏi mức lương cao và một SV mới tốt nghiệp lương thấp, chúng tôi hầu như luôn chọn người có kinh nghiệm. Bởi vì tuyển dụng người chưa có kinh nghiệm, chúng tôi lại phải mất thêm một người dạy và quản lý. |