Việt Nam có kinh nghiệm luyện thi
Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) vừa đưa ra đánh giá xếp hạng quy mô toàn cầu thực sự về chất lượng giáo dục dựa trên sự tổng hợp kết quả các kỳ thi quốc tế ở những khu vực khác nhau, dùng một tiêu chí chung cho cả các nước phát triển và đang phát triển. Việt Nam xếp thứ 12, vượt qua một số nước Châu Âu và Mỹ.
Học sinh VN giỏi hơn học sinh Mỹ? |
Theo đó, quy mô bảng đáng giá lần này được mở rộng ra 76 quốc gia và vùng lãnh thổ, tức khoảng 1/3 thế giới. Đứng đầu là 5 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á, theo thự tự là Singapore, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật và Đài Loan. Trong khi đó, kết quả từ cuối bảng trở lên bao gồm Ghana, Nam Phi, Honduras, Morocco và Oman.
Cũng trong bảng xếp hạng này, Úc đứng thứ 14, New Zealand thứ 17, Pháp thứ 23, Mỹ thứ 28, Thụy Điển thứ 35, Thái Lan thứ 47 và Malaysia thứ 52.
Trao đổi về điều này, thầy Nguyễn Thế Đại, nguyên hiệu trưởng trường THCS Giảng Võ, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục, Hiệu trưởng trường THCS Hanoi Academy cho rằng, ông rất phấn khởi trước thông tin này. Bởi theo thầy Đại thì từ lâu dân tộc Việt Nam đã được đánh giá là dân tộc có tư chất thông minh.
Rất nhiều kỳ thi quốc tế các môn khoa học tự nhiên: Toán – Lý – Hóa –Sinh… các đội tuyển của Việt Nam thường được xếp trong tốp 10 trở lên. Các môn thể thao cần sự khéo léo, trí tuệ chúng ta cũng rất thành công. Đặc biệt chúng ta có kinh nghiệm luyện thi và rất quyết tâm giành giải trong các cuộc chơi này. Cha mẹ học sinh có con được chọn vào các đội tuyển cũng rất phấn khởi tự hào đầu tư hết mình cho con để đạt kết quả cao nhất có thể.
Đây chỉ là kết quả một cuộc chơi
Trả lời câu hỏi của Infonet về việc xếp loại của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dựa trên sự tổng hợp kết quả các kỳ thi quốc tế ở những khu vực khác nhau, dùng một tiêu chí chung cho cả các nước phát triển và đang phát triển có đánh giá đúng chất lượng dạy và học của Việt Nam, thầy Đại cho rằng,đây là kết quảkhách quan và cũng phản ánh được chất lượng dạy và học của Việt Nam.
Tuy nhiên thầy Đại nhấn mạnh cần xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả của giáo dục Việt Nam thì sẽ toàn diện hơn. Chẳng hạn, cụ thể cần bao nhiêu giờ thầy luyện đội tuyển, bao nhiêu giờ học sinh tự học môn mình thi - là định lượng sự đầu tư để có được kết quả trên.
Theo đó, các cuộc thi Olympic trong độ tuổi phổ thông là một sân chơi tạo động lực phấn đấu khẳng định mình của các học sinh giỏi, thực hiện nhiệm vụ phát hiện và bồi dưỡng nhân tài.
“Ta phải khẳng định đây không phải là mục tiêu chính mà giáo dục hướng tới. Ở Việt Nam kết quả các cuộc thi này có giai đoạn trở thành áp lực đối với các trường chuyên, chọn thậm chí là một kênh quan trong để xây dựng thương hiệu, uy tín của một thày, cô giáo giỏi, một nhà trường, chất lượng giáo dục một địa phương. Điều đó có phần làm lệch đi mục đích của cuộc thi. Nó không còn là cuộc chơi của học sinh nữa…
Gần đây, với nhiều quan điểm giáo dục tích cực, mục tiêu giáo dục toàn diện, giáo dục kỹ năng, phong cách sống, giáo dục gắn với nhu cầu thực tế cuộc sống xã hội đã được nâng lên trong nhiều cơ sở giáo dục có uy tín” – thầy Đại nói.
Với nhiều ý kiến cho rằng, nếu chiểu theo đánh giá này, rõ ràng học sinh VN giỏi hơn các nước Châu Âu thậm chí cả Mỹ. Vậy tại sao, nhiều gia đình vẫn phải tìm đường cho con đi du học sau khi tốt nghiệp cấp 3, thậm chí đi ngay từ khi mới hết cấp 2?
Thầy Đại cho rằng kết quả của các khì thi học sinh giỏi quốc tế các môn Toán và Khoa học chỉ phản ánh các tiêu chí hẹp về năng lực, năng khiếu của một bộ phận học sinh xuất sắc tiêu biểu về môn học đó, nó chưa phản ánh chất lượng về năng lực phẩm chất toàn diện của học sinh cũng như chất lượng của một nền giáo dục.
"Hiện nay chúng ta đã nghiêm túc đánh giá về những hạn chế của giáo dục Việt Nam và đang bắt đầu giai đoạn đổi mới căn bản và toàn diện để đáp ứng như cầu xây dựng đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Những nền giáo dục tiên tiến được quốc tế thừa nhận như: Anh, Mỹ, Sing… là đích đến của nhiều gia đình không chỉ ở Việt Nam" - Thầy Đại chia sẻ.
Mặc dù rất phấn khởi về kết quả đánh giá xếp loại của tổ chức OECD - nó một thành tích đáng ghi nhận của giáo dục nước nhà, nó khẳng định phẩm chất trí tuệ của dân tộc nhưng thầy Đại cũng mong rằng chúng ta chỉ nên coi đây là kết quả của một cuộc “chơi” trí tuệ, không nên ngộ nhận, đạt kỳ vọng và đầu tư quá mức cần thiết cho một cuộc chơi. Giáo dục Việt Nam còn rất nhiều việc cần làm.