Cùng nắm tay vượt qua giai đoạn ‘nước rút’ của kỳ thi vào lớp 10

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cô Trần Thị Mỹ Lâm, Hiệu trưởng Trường THCS Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, hiện nay trường đã hoàn tất công tác thi giữa học kỳ 2 cho hơn 1.500 học sinh của toàn trường.

Riêng khối 9 có bảy lớp với 327 em được đến trường kiểm tra trực tiếp môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh; các khối còn lại thi trực tuyến toàn bộ. Hiện tại, nhà trường vẫn tổ chức học 1 buổi/ngày. Thầy cô tăng cường giờ học trực tiếp ba môn thi vào lớp 10 với học sinh cuối cấp.

Theo cô Lâm, với tình hình dịch bệnh phức tạp trong suốt thời gian dài, nhà trường đã xây dựng những kế hoặc phù hợp trong việc ôn tập cho khối 9. Thời gian phải học online quá lâu, nên khi kiểm tra trực tiếp giáo viên mới phát hiện ra những điểm yếu của học sinh để từ đó có những điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời.

Ngoài ra, nhà trường vẫn bảo đảm đủ số tiết nhưng có thể nghiên cứu giảm thời lượng của các môn không thi để tăng cho các môn thi vào lớp 10.

“Điều này được đa số phụ huynh đồng tình và tự nguyện cho con theo học. Hơn ai hết, các bậc cha mẹ mới là người lo lắng nhất cho các con khi năm nay, số thí sinh tham dự kỳ thi vào lớp 10 tăng nhiều so với năm ngoái.

Có khoảng 125 nghìn thí sinh dự thi, nhưng chỉ có 62% được vào các trường THPT công lập, còn lại sẽ là trường ngoài công lập, giáo dục thường xuyên và học nghề. Điều này cho thấy mức độ khốc liệt trong kỳ thi vào lớp 10 năm nay. Do đó, việc bồi dưỡng cho các em có đủ kiến thức, kỹ năng về các môn thi là điều rất quan trọng”- cô Lâm chia sẻ.

Theo thầy Hoàng Hồng Nam, Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Mai (Hà Đông – Hà Nội) cho biết, số lượng giáo viên cũng đang bị thiếu so với định biên. Trong khi đó, vừa qua trường cũng ghi nhận nhiều trường hợp giáo viên và học sinh bị nhiễm COVID-19 nên phải chuyển đổi trạng thái dạy học trực tuyến kết hợp với trực tiếp từ lớp 7 đến lớp 9, riêng khối 6 vẫn dạy online 100%. Đây là địa bàn thuộc “vùng xa” của quận, mặt bằng chung về đời sống kinh tế cũng như sự quan tâm của phụ huynh với học sinh còn chưa cao so với các đơn vị khác.

Thí sinh tham gia kỳ thi vào lớp 10 năm 2021 ở Hà Nội. Ảnh PHI HÙNG

Từ những khó khăn trên, các cấp, các ngành của địa phương đã vận động cán bộ, giáo viên của một số đơn vị khác tự nguyện tham gia dạy tăng cường miễn phí cho học sinh khối 9. Qua các hoạt động đã triển khai, mô hình này đã phát huy hiệu quả, giúp cho chất lượng giáo dục chung của nhà trường được cải thiện rõ rệt.

Còn theo cô Trương Thị Liên, Hiệu trưởng Trường Trường THCS Văn Yên (Hà Đông, Hà Nội) cho hay, từ sau Tết Nguyên đán đến nay nhà trường có quá nửa số giáo viên và hàng trăm học sinh nhiễm COVID-19. Hiện nhà trường đang phải khắc phục những khó khăn để hoàn thành chương trình năm học theo đúng kế hoạch. Trong năm học trước, trường đã bố trí giáo viên tới tương trợ miễn phí cho Trường THCS Phú Lương để ôn tập cho các em khối 9.

“Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phòng GD&ĐT quận, nhà trường đã từng bố trí một số giáo viên tự nguyện tới các trường bạn dạy tăng cường miễn phí cho lớp 9 các môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh. Đây là những thầy cô có kinh nghiệm và chuyên môn tốt.

Năm nay do không đủ điều kiện về lực lượng nên chưa thể triển khai hỗ trợ. Đây lại đang là giai đoạn nước rút khi chưa đầy ba tháng nữa học sinh sẽ thi vào lớp 10. Bản thân phụ huynh cũng lo lắng và bày tỏ mong muốn nhà trường dạy tăng cường cho các em”- cô Liên nói.

Lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận Hà Đông thông tin, đơn vị này đã quán triệt tới các trường THCS trên địa bàn xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh khối 9 thi vào lớp 10, lập danh sách phân loại học sinh theo từng học lực để tách ra các lớp ôn tập.

Nhà trường phân công giáo viên dạy ôn tập theo các mức độ khác nhau trên tinh thần tự nguyện của học sinh và phụ huynh. Đồng thời, thành lập ban tư vấn để định hướng, tư vấn cho phụ huynh, học sinh chọn trường dự thi phù hợp với năng lực học tập và điều kiện gia đình; tuyên truyền phân luồng học sinh sau THCS. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm