Để Triết học không còn là 'nỗi ám ảnh'

Cuốn cẩm nang gồm nhiều ví dụ là truyện cổ tích, ca dao tục ngữ và hình ảnh minh họa "bắt trend". 

Khi tiếp xúc với phần triết học trong chương trình GDCD 10, cả Đinh Thị Ánh Linh (lớp 12 chuyên Sinh) và Hoàng Thị Minh Tâm (lớp 12 chuyên Anh 2) đều cảm thấy môn học rất trừu tượng, nhiều anh chị khóa trước cũng rất "ám ảnh". 

Do vậy, cả hai đã quyết định tạo nên cuốn cẩm nang kiến thức Triết học trong chương trình GDCD 10 nhằm minh họa trực quan và sinh động các bài học cho HS lớp 10, đồng thời bổ sung cho quá trình ôn tập môn Triết ở bậc học cao hơn. 

Ánh Linh (ngoài cùng bên trái) và Minh Tâm (ngoài cùng bên phải) trở thành bạn tốt sau khi cùng thực hiện cuốn cẩm nang. Ảnh: NVCC

Cuốn cẩm nang được nhóm hoàn thiện trong 5 tháng. Sau khi phác thảo nội dung, nhóm sử dụng các phần mềm thiết kế để "tạo hình", thêm màu sắc, dùng nhiều font chữ đẹp mắt, phù hợp với giới trẻ khi trình bày các khái niệm. Ánh Linh và Minh Tâm cũng vẽ tay nhiều hình ảnh minh họa để thêm bắt mắt. 

"Đối với mỗi dữ kiện của bài, chúng em phải suy nghĩ xem nên vẽ hình gì "trendy" (theo mốt, thời thượng), nét vẽ, màu và bố cục như thế nào để các bạn hứng thú và dễ hiểu nhất; từ đó nhớ được kiến thức lâu hơn" - nhóm cho biết. 

Nhóm sử dụng màu sắc, font chữ phù hợp với giới trẻ. Ảnh chụp màn hình 

Ngoài ra, nhóm cũng sử dụng nhiều ngôn ngữ, hình ảnh bắt trend (xu hướng) của giới trẻ và lồng ghép các câu chuyện cổ tích, thành ngữ, tục ngữ để tạo hứng thú cho HS.

Ánh Linh chia sẻ: "Kho tàng ca dao tục ngữ, câu chuyện cổ tích quen thuộc đều ẩn chứa những triết lý bên trong. Do vậy, trong cuốn cẩm nang, chúng em áp dụng câu chuyện cổ tích ngày bé để giải thích cho kiến thức trong triết học, giúp các bạn dễ hình dung hơn".

Dùng thành ngữ , tục ngữ  làm ví dụ về phương pháp luận giúp các khái niệm thêm sinh động, gần gũi. Ảnh chụp màn hình

Đưa nhiều câu chuyện cổ tích, hình vẽ nam thần 6 múi vào cuốn cẩm nang. Ảnh nhân vật cung cấp

Ở phần bài tập, nhóm yêu cầu HS vận dụng kiến thức để tìm ra quan điểm Triết học trong những sự kiện lịch sử, tác phẩm văn học. Trong phần này, nhóm đã tham khảo đề cương bài tập GDCD của trường và chọn lọc ra những câu hay nhất. 

Bài tập vận dụng sau khi tổng hợp kiến thức. Ảnh chụp màn hình

Sau khi hoàn thiện một phần cuốn cẩm nang, nhóm đã khảo sát 300 HS THPT tại TP.HCM để có được những nhận xét khách quan, giúp hoàn thiện dự án. Kết quả, 100% HS đều cho rằng nội dung triết học trở nên dễ hiểu hơn thông qua các hình ảnh, ví dụ minh họa có màu sắc sinh động và bắt trend với ngôn ngữ giới trẻ hiện nay. Các HS cũng cho rằng lồng ghép nhiều câu chuyện cổ tích, thành ngữ tục ngữ, chơi chữ giúp Triết học trở nên gần gũi và thiết thực hơn.

Cô Võ Thị Kiều (GV môn GDCD trường THPT Chuyên Trần Đại nghĩa) là người đồng hành và hỗ trợ nhóm thực hiện. Cô nhận xét: "Những mẩu chuyện ngắn, câu ca dao tục ngữ quen thuộc và ngôn ngữ, phù hợp với lứa tuổi HS đã phần nào tạo nên sức hút và nét đặc sắc cho cuốn cẩm nang. Cẩm nang còn có tính ứng dụng thực tế, phù hợp cho HS khối 10 khi học tập môn GDCD, nguồn tham khảo cho sinh viên cao đẳng, đại học và dành cho những ai thích tìm hiểu về bộ môn này".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm