Giao TP.HCM chủ động thời gian bắt đầu, kết thúc năm học

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 3-9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 ở một số địa điểm trên địa bàn huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Chuẩn bị chu đáo các điều kiện dạy và học

Phó Thủ tướng đã đến thăm một số khu trọ tại xã Vĩnh Lộc B và thị trấn Tân Túc. Tại những khu trọ, ông Vũ Đức Đam đã thăm hỏi, chia sẻ với những khó khăn, vất vả, thiếu thốn của nhiều hộ gia đình đã nghỉ việc, không có nguồn thu nhập nhiều tháng qua.

Phó Thủ tướng trò chuyện với học sinh ở trọ tại huyện Bình Chánh (TP.HCM), sáng 3-9. Ảnh: TÁ LÂM

Đặc biệt, Phó Thủ tướng trò chuyện với các học sinh (HS) ở trọ đang chuẩn bị bước vào năm học mới về việc chuẩn bị sách vở, thiết bị học online.

“Em có sách vở để học chưa? Bây giờ học trực tuyến thì ở nhà em có máy không?” - Phó Thủ tướng hỏi một HS lớp 8 tại một khu trọ trên đường Nguyễn Hữu Trí, thị trấn Tân Túc.

Đáp lời Phó Thủ tướng, HS này cho biết hiện chưa có sách để học, còn về thiết bị học online thì em học qua điện thoại.

Theo lãnh đạo huyện Bình Chánh, trên địa bàn huyện hiện có 175.125 hộ dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh như công nhân, người lao động ở trọ. Đặc biệt, có nhiều HS là con của các công nhân, người lao động nghèo không có điều kiện về trang thiết bị học trực tuyến. Có HS thuộc gia đình có F0 nên việc học cũng khó khăn. Huyện điều động 228 công chức, giáo viên tham gia hỗ trợ các xã chống dịch. Số thầy cô này đang tập trung cho công tác chống dịch, nếu đưa giáo viên về dạy có thể ảnh hưởng chung đến việc chống dịch và tâm trí của giáo viên cũng chưa tập trung cho việc dạy.

Trao đổi với lãnh đạo huyện Bình Chánh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu chính quyền địa phương cần quan tâm hỗ trợ sách giáo khoa cho các HS. Bởi sắp khai giảng năm học mới nhưng nhiều HS ở các nhà trọ chưa thể mua sách giáo khoa, cũng như chưa chuẩn bị trang thiết bị phục vụ cho việc học online sắp tới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết trong sáng 3-9, ông đã trao đổi với bộ trưởng Bộ GD&ĐT và thống nhất giao TP.HCM hoàn toàn chủ động xây dựng kế hoạch thời gian bắt đầu, kết thúc năm học cũng như công tác thi cử sau này.

Theo ông, việc này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho TP.HCM chống dịch tốt nhất và khi tổ chức đi học thì đúng nghĩa, thực chất, chuẩn bị chu đáo các điều kiện dạy và học, từ trang thiết bị cho đến tâm lý của giáo viên, phụ huynh và HS.

Hàng chục ngàn học sinh gặp khó khi học trực tuyến

Theo thống kê của Sở GD&ĐT TP.HCM, trong tổng số gần 700.000 HS trung học, có khoảng 17.000 HS không có thiết bị, không có đường truyền Internet, hơn 5.000 HS có thiết bị nhưng lại không có Internet.

Còn ở bậc tiểu học, trong tổng số 647.253 HS tiểu học thì có 53.349 HS không thể tham gia học, trong đó có 19.669 HS không có thiết bị, 3.633 gia đình thiếu đường truyền Internet, 11.186 HS không có người trợ giúp, HS đang ở quê…

Số liệu thống kê này dựa trên việc các trường khảo sát tình hình HS tham gia học trực tuyến theo yêu cầu của Sở GD&ĐT TP.

Đối với những HS gặp khó khăn khi học trực tuyến, hiện Phòng GD&ĐT các quận, huyện cũng như các trường lên phương án hỗ trợ. Nhiều trường kêu gọi giáo viên, phụ huynh quyên góp máy vi tính cũ, điện thoại thông minh cũ để giúp đỡ các em.

Về phía Sở GD&ĐT cũng chỉ đạo các trường rà soát nắm tình hình. Những HS không có thiết bị hoặc đang ở khu vực phong tỏa, cách ly y tế thì nhà trường phối hợp với địa phương chuyển tài liệu giấy cho các em.

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT đang phối hợp với Đài Truyền hình TP sản xuất các tiết dạy sẽ phát sóng vào giữa tháng 9, ưu tiên đối với bậc tiểu học.

Học sinh TP.HCM sẽ được miễn học phí học kỳ 1

UBND TP.HCM vừa có văn bản khẩn về chủ trương hỗ trợ và giãn thời gian thu học phí học kỳ 1 năm học 2021-2022 cho HS trên địa bàn TP.HCM.

Văn bản được gửi đến Sở GD&ĐT, Sở Tài chính, Sở LĐ-TB&XH, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện.

Theo đó, UBND TP chấp thuận chủ trương xây dựng cơ chế hỗ trợ 100% học phí học kỳ 1 năm học 2021-2022 đối với toàn bộ trẻ mầm non, HS các trường phổ thông công lập và ngoài công lập trên địa bàn TP.HCM do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 (trừ các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài).

UBND TP giao Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ban, ngành có liên quan tham mưu UBND TP trình HĐND TP dự thảo nghị quyết ban hành chính sách hỗ trợ 100% học phí học kỳ 1 năm học 2021-2022 theo đúng quy định của pháp luật.

UBND TP giao Sở GD&ĐT hướng dẫn các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tạm thời chưa thực hiện việc thu học phí học kỳ 1 năm học 2021-2022 cho đến khi có hướng dẫn mới. Vận động các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài giảm học phí cho trẻ mầm non và HS.

Trước đó, báo cáo tại kỳ họp thứ hai HĐND TP, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết Sở GD&ĐT đã đề xuất UBND TP giữ nguyên mức thu học phí của năm học 2020-2021 cho năm học 2021-2022 và đã được UBND TP chấp thuận vào ngày 2-8.

Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh kéo dài, buộc năm học 2021-2022 phải thực hiện dạy và học trên Internet, Sở GD&ĐT đã có tờ trình đề xuất UBND TP giãn thời gian thu học phí, cụ thể là tạm không thu học phí học kỳ 1. Đồng thời đề xuất miễn, giảm học phí học kỳ 1 như một chính sách hỗ trợ khó khăn cho phụ huynh và HS từ mầm non đến phổ thông. Nội dung này đang chờ chỉ đạo từ Thường trực UBND TP.•

 

TP.HCM không lùi lịch học năm học mới

Trước những thắc mắc của nhiều phụ huynh, HS, giáo viên về việc TP.HCM có lùi lịch khai giảng năm học mới hay không, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, khẳng định: TP.HCM vẫn giữ nguyên lịch bắt đầu giảng dạy chương trình năm học mới: HS THCS, THPT sẽ thực học từ ngày 6-9, HS tiểu học thực học từ ngày 20-9.

Ông Hiếu cho biết: “Hiện TP.HCM có hơn 1.000 trường học đang được trưng dụng làm khu cách ly, bệnh viện dã chiến, nơi lưu trú cho bộ đội tham gia phòng chống dịch COVID-19. Nếu có lùi thời gian bắt đầu năm học 2021-2022 thêm 1-2 tháng nữa thì với tình hình thực tế như đã thấy, HS vẫn phải học trên Internet chứ không thể học trực tiếp được”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm