Hà Nội: Giải pháp nào cho giáo dục trước tình hình dịch bệnh phức tạp?

Trao đổi với PLO, PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, hiện nay có hai hình thức học trực tuyến và học trực tiếp.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng đã thí điểm việc dạy học trên sóng truyền hình. Theo ông Nhĩ, ở các bậc học, khi học sinh chưa tiêm vaccine COVID-19 trên cả nước thì việc áp dụng hình thức dạy học trên truyền hình sẽ rất thuận lợi. Khi đó, học sinh vẫn có thể ở nhà học để đảm bảo sức khỏe.

Tuy nhiên, phải có thời khóa biểu khoa học, nhà trường và phụ huynh vẫn cần đồng hành, giải đáp những thắc mắc, phần kiến thức khó trong quá trình học trên truyền hình. 

Đối với bậc THPT, học sinh nếu đã được tiêm phòng vaccine COVID-19 đầy đủ, các em có thể đến trường. Đặc biệt đối với khối 12, các em luôn mong muốn được tới trường học trực tiếp, đây là nguyện vọng chính đáng.

Nhưng phải căn cứ vào từng tình hình dịch bệnh, khi phát sinh ổ dịch cần ứng phó kịp thời, nếu phức tạp có thể tạm ngưng việc học trực tiếp chuyển sang học trực tuyến, chúng ta cần linh hoạt.

Hình ảnh học sinh khối 12 ở Hà Nội đi học hôm 6-12. Ảnh: PHI HÙNG

“Ngoài ra, các cơ quan, ban ngành cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền để tránh tâm lý hoang mang, lo lắng cho phụ huynh và học sinh”- ông Nhĩ chia sẻ.

Còn theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), việc xử lí khi xuất hiện F0 trong trường học cần được thực hiện linh hoạt trong từng trường hợp cụ thể.

Trong 1 trường học, khi xuất hiện F0, cần nhanh chóng khoanh vùng, truy vết các trường hợp F1 để tiến hành khử khuẩn lớp học, đồng thời xét nghiệm, theo dõi sức khỏe. Nếu học sinh F0 chỉ liên quan đến lớp học thì toàn bộ học sinh lớp đó được xem là F1. 

Khi đó, cần khoanh vùng lớp học, cho F0 cách ly điều trị tại nhà hoặc đưa F0 đi điều trị, xét nghiệm, theo dõi sức khỏe các trường hơp F1 tại nhà theo thời gian quy định của Bộ Y tế. Các lớp học còn lại tiếp tục dạy học bình thường. 

“Nếu vì một lí do nào đó, trường hợp F0 tiếp xúc với các lớp học khác, tiếp tục điều tra, truy vết, F0 tiếp xúc đến đâu khoanh vùng và xử lí gọn đến đấy” – ông Phu nói.

Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Đắc Phu cũng cho rằng, phía các nhà trường không nên quá hoảng loạn, bối rối trong cách xử lí F0 trong trường học. Tránh tình trạng chỉ xuất hiện 1, 2 trường hợp F0 mà phong tỏa, đóng cửa toàn bộ trường học gây tâm lí hoang mang cho phụ huynh, học sinh và giáo viên. 

Để làm được điều đó, ngay từ khâu chuẩn bị, đón học sinh trở lại trường cần thực hiện nghiêm chỉnh theo quy định của Bộ Y tế, quan trọng nhất vẫn là thực hiện 5K tại trường học. 

“Dù một quận được đánh giá mức độ dịch cấp độ 3, nhưng có thể không phải tất cả phường, xã thuộc quận đó đều ở mức nguy cơ cao của dịch bệnh. Do đó, việc mở cửa đón học sinh cần thực hiện linh động theo tình hình thực tế. 

Trường học thuộc khu vực phường, phố thuộc vùng an toàn vẫn có thể tổ chức đón học sinh đến trường với điều kiện thực hiện nghiêm các quy định an toàn khi đón học sinh do Bộ GD&ĐT ban hành”- ông Phu cho biết thêm.

Trước đó, Sở GD&ĐT Hà Nội thông báo cho học sinh lớp 12 trên địa bàn quận Đống Đa tạm dừng đến trường, chuyển trạng thái học trực tuyến kể từ thứ 2 tuần này (ngày 13-12) cho đến khi có thông báo mới. Sở cũng đề nghị các đơn vị thông báo đến toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh.

Ngoài quận Đống Đa, học sinh tại 6 phường/xã bao gồm: Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm); Yên Viên, Yên Thường của huyện Gia Lâm; Vân Nội (huyện Đông Anh); Đội Cấn (quận Ba Đình); Quảng An (quận Tây Hồ) cũng không thể đến trường. Đây là các xã/phường nằm trong cấp độ 3.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho hay, với khối lớp 12, tùy theo từng cấp độ dịch ở các phường mà có phương án cho học sinh quay lại trường học. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm