Nhiều trường cao đẳng nghề phải sáp nhập, đổi tên mới

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định sáp nhập Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận vào Phân hiệu của Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM tại Ninh Thuận.

Được biết, theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, việc sáp nhập này là một công đoạn trong quá trình chuẩn bị cho việc thành lập Trường ĐH Ninh Thuận theo chủ trương của Chính phủ và kế hoạch của tỉnh này. Từ đó, Ninh Thuận sẽ được chủ động tạo nguồn nhân lực tại chỗ, phục vụ cho sự phát triển nhanh, toàn diện và bền vững của tỉnh và các địa phương lân cận.

Như vậy, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM hiện có 12 khoa và ba bộ môn trực thuộc, một Viện nghiên cứu Công nghệ sinh học và Môi trường, 10 trung tâm và hai Phân hiệu (Phân hiệu Gia Lai và Phân hiệu Ninh Thuận).

Hiện nay, quy mô đào tạo của trường khoảng 24.000 sinh viên các bậc, hệ đào tạo, bao gồm 36 ngành hệ đại học (56 chuyên ngành), 16 chuyên ngành thạc sĩ và 12 chuyên ngành tiến sĩ.

Học viên trong giờ thực hành tại một trường cao đẳng ở TP.HCM. Ảnh: PA

Tương tự, từ ngày 1-5, Trường CĐ Thái Nguyên được thành lập chính thức được thành lập dựa trên cơ sở sáp nhập Trường CĐ Sư phạm Thái Nguyên và Trường CĐ Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên.

Theo đó, trường mới này sẽ trở thành một đơn vị đào tạo đa ngành, nghề, kế thừa những lĩnh vực mà hai trường CĐ trước đó đang thực hiện.

Trường CĐ Thái Nguyên sẽ có 23 đơn vị thuộc và trực thuộc (giảm 12 đầu mối), có Hội đồng trường, Ban giám hiệu, bày phòng chức năng, 11 khoa chuyên môn và năm đơn vị trực thuộc. Trong đó, Ban Giám hiệu sẽ gồm một hiệu trưởng và ba phó Hiệu trưởng.

Trước đó, nhiều trường cao đẳng trên cả nước cũng đã lần lượt công bố quyết định đổi tên trường.

Cụ thể như Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex đổi thành Trường CĐ Công nghệ TP.HCM; Trường CĐ nghề Đại An đổi thành Trường CĐ Ngoại ngữ và công nghệ Việt Nam; Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Vạn Xuân đổi thành Trường CĐ Bình Minh Sài Gòn; Trường CĐ Kỹ thuật thiết bị Y tế Bình Dương đổi tên thành Kỹ thuật thiết bị Y tế miền Nam; Trường CĐ nghề Lam Kinh đổi thành CĐ Ngoại ngữ và du lịch Việt Nam…

Được biết, theo thông tin từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH), trong ba năm nay, có nhiều trường CĐ đã làm hồ sơ đổi tên mới và đã được Tổng cục đồng ý cấp phép. Việc này chủ yếu nhằm đáp ứng tình hình mới do thay đổi chủ đầu tư hoặc chuyển đổi ngành nghề đào tạo, từ đó tạo sự hấp dẫn và thu hút người học hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm