Vừa học vừa phòng chống dịch COVID-19, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức) vừa tổ chức thành công chương trình ngoại khóa môn Văn cho học sinh lớp 12. Chương trình đặc biệt gây ấn tượng với vở kịch "Thoát", lấy cảm hứng từ tác phẩm Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài,. Vở kịch do học sinh lớp 12 chuyên Văn biên soạn, xây dựng kịch bản sau khi đọc tác phẩm.
Cô Đặng Huy Lam, tổ trưởng tổ Văn của trường cho biết: "Khi học sinh khối 12 trở lại trường trong hoàn cảnh “bình thường mới“, trường chúng tôi vừa chống dịch, tuân thủ những khuyến cáo của Bộ y tế , vừa thực hiện tốt nhiệm vụ dạy - học với các hoạt động bổ ích, phát huy sự sáng tạo và hứng thú của học sinh.
Chương trình ngoại khóa chuyên đề: “Tây Bắc- cảm hứng và đam mê" giúp học sinh có thêm nhiều góc nhìn cũng như hiểu biết về Tây Bắc các tác phẩm viết về Tây Bắc. Vẻ đẹp của Tây Bắc không chỉ thể hiện qua cảnh sắc thiên nhiên, qua con người mà Tây Bắc còn được thể hiện sâu sắc qua các tác phẩm văn học khiến ta mê say.
Việc tổ chức hoạt động ngoại khóa với chuyên đề “Tây Bắc cảm hứng và đam mê” sẽ giúp học sinh hiểu biết thêm văn hóa của miền núi cao Tây Bắc .
Và qua các hình thức diễn xướng ca, múa, nhạc, kịch mà các em tự dàn dựng đã bồi đắp thêm năng khiếu thẩm mĩ, năng lực tư duy sáng tạo -năng lực ngôn ngữ và làm sống dậy tinh thần tự hào, lòng yêu mến con người - đát nước Việt Nam.
Trong điều kiện dịch bệnh, để cảm thụ tác phẩm, tôi cho học sinh đọc phân vai và quay clip lại. Sau khi học xong tác phẩm, để phát huy năng lực sáng tạo, năng lực văn học, năng lực thẩm mĩ, các em tham gia dàn dựng rất hứng thú, vui vẻ vì tự giới thiệu khả năng sáng tạo và cảm thụ tác phẩm với bạn, với cô. Đặc biệt các bạn rất thích thú khi được khoác trên mình những bộ trang phục Tây Bắc".
Vở kịch Thoát - lời thoại phần cuối rất sáng tạo, đó là sự cảm nhận về sức sống tiềm tàng của Mị và A Phủ - tự giải thoát khỏi ám ảnh thần quyền để trốn khỏi nhà thống lí.
Lấy cảm hứng từ chính tác phẩm “Vợ chồng A Phủ" một trong những thành công lớn của nhà văn Tô Hoài, vở kịch mang tên “Thoát" của tập thể lớp 12 Chuyên Văn được dựng lên nhằm bù đắp những khoảng trống mà nhà văn để lại. Ở đoạn kết, để chạy trốn khỏi cuộc sống tăm tối, Mị đã giải thoát cho A Phủ. Tuy nhiên, đằng sau câu thoại "A Phủ, cho tôi đi. Ở đây thì chết mất" và những lời độc thoại nội tâm của Mị có lẽ còn có những dòng tâm lý cuộn trào sâu hơn.
Em Võ Gia Hào, Chủ nhiệm CLB Đọc Sách, người biên soạn và dàn dựng vở kịch hào hứng cho biết: "Dịch COVID đã gây nhiều cản trở khi chuẩn bị. Nhiều lịch trình của nhóm đã phải hủy rồi dời. Có lúc tụi em phải tập online, có lúc thiếu bạn này bạn kia.
Sau khi được đi học trực tiếp, tụi em có sang công viên gần trường (Nhà thiếu nhi quận Thủ Đức) tập ở khu vực vắng người, khuôn viên thông thoáng, có đeo khẩu trang nên khó tập diễn biểu cảm, đứng giãn cách và không tiếp xúc những người xung quanh ngoài nhóm kịch. Tuy kịch bản đã phải chỉnh sửa nhiều nhưng may mắn là đã được mọi người đón nhận".
Theo Hào, ở năm cuối cấp, chuẩn bị cho một loạt kỳ thi trước mắt, việc học tuy nhiều nhưng em đã giảm tải cho bản thân, hạn chế bớt những phần bài vở không thi hoặc không liên quan đến công việc tương lai. Lâu lâu em cũng có quá tải áp lực nhưng may mắn là trong các năm cấp ba đã quen sắp xếp thời gian hoạt động ngoại khóa nên nhìn chung, việc học vẫn ổn định.
"Đối với em, nguồn cảm hứng viết kịch bản chỉ đơn giản là xem phim nhiều. Các phim mình thích sẽ tạo nên cách viết của mình. Đồng thời, nhờ có học qua lý luận văn học nên em phần nào nắm được mạch truyện, ý và điểm nhấn. Qua đó, em thấy viết thuận lợi hơn, phù hợp hơn", Hào tâm sự.
Một số hình ảnh tại chương trình:
(PLO)- Cứ tối đến, khu điều trị bệnh nhân COVID-19, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, lại xuất hiện tiếng trẻ con ê a đánh vần, làm phép tính...