Giáo sư Phạm Phụ: Tăng học phí đại học là xu thế chung

“Càng tăng học phí, càng tăng tỷ lệ học sinh bỏ học”

Sau ý kiến của lãnh đạo các trường đại học (ĐH), những người trong cuộc và ý kiến của chuyên gia độc lập GS-TSKH Nguyễn Xuân Hãn về đề án “Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục và đào tạo giai đoạn 2008-2012” của Bộ GD&ĐT, chúng tôi tiếp tục trao đổi với GS Phạm Phụ (ảnh) xung quanh vấn đề này.

Vấn đề nhạy cảm

. Chắc GS đã theo dõi câu chuyện tăng học phí trong thời gian qua?

Giáo sư Phạm Phụ: Tăng học phí đại học là xu thế chung ảnh 1+ Tài chính cho giáo dục là một vấn đề rất phức tạp và rộng lớn, ít ra là bao gồm ba nhóm vấn đề chính.

Thứ nhất là nhu cầu tài chính tối thiểu cho giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa, giáo dục Việt Nam phải có đủ sức cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ giáo dục cũng như chất lượng nguồn nhân lực. Rồi từ đó cân đối bài toán chia sẻ chi phí: ngân sách nhà nước, người học, cộng đồng, mỗi thành phần gánh được bao nhiêu phần trăm. Thứ hai là phương thức cung cấp tài chính cũng như sử dụng tài chính sao cho có hiệu quả. Và thứ ba là các vấn đề liên quan đến công bằng xã hội trong giáo dục.

Bộ GD&ĐT đưa ra trình Quốc hội tại kỳ họp sắp đến là đề án tài chính chứ không chỉ là chuyện tăng học phí. Nếu chỉ nói chuyện tăng học phí, dù rất chính đáng, dễ dẫn đến việc xã hội nghĩ rằng ngành giáo dục chỉ nhìn về phía khó khăn của mình mà chưa có cái nhìn của toàn xã hội.

. Tuy nhiên, học phí vẫn là vấn đề được xã hội quan tâm nhiều nhất và cũng là nhạy cảm nhất, thưa GS?

+ Ở Đức, sau nhiều tranh luận, năm 2005 đã quyết định thu học phí ở ĐH là 500 euro/sinh viên/học kỳ từ đầu năm 2006. Nhưng đến cuối năm 2006, họ vẫn chưa thực hiện. Tôi hỏi một vị GS, ông ta bảo phải đợi đến sau cuộc bầu cử vào mùa xuân năm sau (2007). Vì vậy, đúng là vấn đề này rất nhạy cảm.

Bài toán khó

. GS có bình luận gì về những ý kiến đã đăng tải trên các phương tiện truyền thông như là một vấn đề nóng trong những ngày vừa qua?

+ Trên tổng thể, thiết nghĩ với giáo dục phổ cập theo nghĩa là giáo dục bắt buộc, nhà nước phải cung cấp hoàn toàn miễn phí. Tất nhiên là vẫn có một số trường tư thục ở các thành phố và thị trấn có điều kiện để cung cấp giáo dục cho con em những gia đình khá giả.

Còn giáo dục ĐH và dạy nghề, khi nền giáo dục đã là nền giáo dục cho số đông thì không một quốc gia nào gánh chịu nổi, kể cả các nhà nước châu Âu phúc lợi, nơi có chi phí từ chính phủ chiếm đến trên dưới 50% GDP. Con số này ở Việt Nam (cũng như nhiều nước ở châu Á) chỉ khoảng 27%.

Hơn nữa, chi phí từ ngân sách nhà nước cho giáo dục ĐH còn bị cạnh tranh bởi các lĩnh vực công ích khác, bên cạnh việc phải dành ưu tiên cho giáo dục phổ cập. Vì vậy, tăng học phí ở giáo dục ĐH đang là xu thế chung trên thế giới.

Về mức chi phí cũng như học phí cho giáo dục ĐH, nếu chỉ căn cứ vào mặt bằng thu nhập của nhân dân, tôi e rằng giáo dục ĐH Việt Nam không có đường ra.

Hiện nay, chi phí trung bình cho một sinh viên trong một năm ở Việt Nam chỉ khoảng 500 USD. Trong khi đó, con số này ngay ở các nước đang phát triển trong vùng cũng đã gấp từ ba đến 10 lần. Vậy làm sao nói đến khả năng cạnh tranh của nền giáo dục ĐH cũng như chính chất lượng nguồn nhân lực?

Tất nhiên đây là một bài toán rất khó, xã hội đang mong đợi đề án tài chính là vì vậy. Mà chỉ nói chuyện học phí thôi thì xã hội bao giờ cũng sẽ cật vấn chuyện hiệu quả và công bằng xã hội.

Chỉ là giải pháp tình thế

. GS có nhắc đến vấn đề công bằng xã hội, có lẽ đây là điều rất đáng lo vì được biết rằng dù chưa có con số thống kê rõ ràng nhưng hiện nay mức độ mất công bằng xã hội trong giáo dục đã cao hơn nhiều trong kinh tế?

+ Đặc biệt là ở giáo dục ĐH. Có người nghĩ là học phí thấp sẽ giảm mức độ mất công bằng xã hội, thường là ngược lại.

Ví dụ, chi phí cho một sinh viên trong một năm là 10 triệu đồng, học phí ba triệu đồng, nghĩa là ngân sách nhà nước cấp bảy triệu đồng. Nhưng ở giáo dục ĐH, tỷ lệ sinh viên của tầng lớp trên là phần lớn, số tiền trợ cấp đó sẽ chủ yếu chạy vào lớp dân cư giàu.

Năm 2007, tổ chức chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) ở Việt Nam có một nghiên cứu, thấy rằng: Có đến 35% ngân sách nhà nước trợ cấp cho giáo dục chảy vào con em của 20% dân cư giàu nhất nhưng chỉ có 15% chảy vào con em của 20% dân cư nghèo nhất (!). Vì vậy, học phí cao và có chính sách miễn phí, học bổng, cho sinh viên vay... để giải quyết bài toán công bằng xã hội sẽ tốt hơn.

. Nhưng như GS đã nói, nhu cầu tăng nguồn tài chính cho giáo dục ĐH, trong đó có học phí là một nhu cầu cấp bách?

+ Có một số hiệu trưởng ĐH đã nói với tôi rằng kéo dài tình trạng này trong vài ba năm nữa là không còn chịu nổi. Tôi thấy có phần đúng như vậy nếu nhìn đến khả năng cạnh tranh của nền giáo dục ĐH. Tôi nói “có phần” vì việc sử dụng kém hiệu quả cũng góp phần làm cho tình trạng trầm trọng thêm.

Vì vậy, việc tăng 50% học phí ở ĐH ngay trong năm học 2009-2010 là hoàn toàn hợp lý. Học phí đã giữ nguyên trong 7-8 năm qua. Con số 50% cũng chưa bù nổi đồng tiền mất giá. Tất nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế.

. GS có mong đợi gì vấn đề tăng học phí này sẽ được trình ở Quốc hội sắp tới?

+ Chúng ta phải đợi sự xem xét toàn diện của Quốc hội và Chính phủ. Có điều tôi vẫn mong đợi là phải xem xét bài toán tài chính cho giáo dục một cách tổng thể và phải đặt trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia vào WTO, nhiều nhà đầu tư đang xem Việt Nam là một thị trường giáo dục đầy tiềm năng và nhiều nhà đầu tư về giáo dục cũng đã hiện diện ở Việt Nam.

. Xin cám ơn GS.

GS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội:

Phải minh bạch các khoản thu-chi

Nếu so sánh với mức học phí của các trường dân lập thì mức học phí chiếm 6% thu nhập của gia đình là hợp lý. Tuy nhiên, điều gây nhiều tranh cãi là không phải đối tượng học sinh, sinh viên nào cũng dễ dàng đóng khoản học phí đó, nhất là với học sinh, sinh viên nghèo.

Để đảm bảo công bằng, đảm bảo người nghèo cũng được đi học, theo tôi thì nhà nước nên dành nhiều ngân sách cho học sinh, sinh viên vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn để các em có thêm điều kiện đến trường. Những gia đình có điều kiện thì có thể tự đóng góp các khoản chi phí cho việc đào tạo. Thậm chí họ có thể đưa con em du học nước ngoài, đấy là quyền của họ.

Tôi cũng không đồng tình với quan điểm “tăng học phí là tăng chất lượng đào tạo” như người đứng đầu Bộ GD&ĐT từng phát biểu với báo giới. Lý do bởi hiện nay không có dự án, phương án, kế hoạch của ngành giáo dục nào người dân có thể tin tưởng. Nhiều người nói với tôi rằng đầu tư tài chính cho con em họ cũng là việc đầu tư mạo hiểm mà thôi. Tại sao ư? Vì trên thực tế, phong trào “Hai không”, “Ba không” được Bộ GD&ĐT kêu gọi đấy nhưng số 0 vẫn là số 0, vẫn có hàng triệu học sinh bỏ học mỗi năm.

Theo tôi, nếu có tăng thì nên tăng vừa phải, đồng thời minh bạch các khoản thu-chi: Dự án sử dụng hết bao nhiêu tiền; sử dụng tài chính có hiệu quả không. Ngoài ra, tăng học phí phải làm từ từ, có lộ trình hẳn hoi để người dân không cảm thấy sốc với mức đóng mới. Chúng ta đừng tạo ra một thể chế chỉ có người giàu mới học được, còn người nghèo thì không.

T.NHƯ ghi

Xóa bao cấp để có... cạnh tranh!

Tại hội thảo “Giáo dục đại học trong bối cảnh toàn cầu hóa” do Trung tâm Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục phối hợp với Fulbright Việt Nam tổ chức hôm qua (16-5), TS Trần Xuân Thảo - Giám đốc chương trình Fulbright Việt Nam nhận định: “Việt Nam có cơ chế thị trường mà giáo dục đại học (ĐH) không có cơ chế cạnh tranh, trong khi đó ĐH nước ngoài vào Việt Nam lại không có đối thủ cạnh tranh hoặc cạnh tranh nhưng không có đối thủ”.

Lấy ví dụ về việc ĐH ở Việt Nam bị triệt tiêu động cơ cạnh tranh, TS Thảo cho biết hiện nay mỗi năm trường ĐH X được Bộ GD&ĐT cấp cho 1.000 chỉ tiêu; đằng sau chỉ tiêu này là tài chính, mỗi đầu sinh viên được nhà nước bao cấp sáu triệu đồng. Trong bốn năm học ĐH thì ngân sách nhà nước phải cấp 24 triệu đồng/sinh viên. Như vậy các trường ĐH không cần phải cạnh tranh. Tuy nhiên, hầu hết sinh viên lại hoàn toàn không biết việc này.

TS Thảo đề nghị hãy cắt “nguồn sữa” ấy, chuyển nguồn tiền bao cấp trên cho sinh viên vay và trả dần sau khi ra trường. Khi đó, sinh viên có trách nhiệm nỗ lực học tập và có quyền đòi hỏi quyền lợi của mình nếu nhà trường không đáp ứng được nhu cầu đào tạo.

TR.HIỆU

TRƯƠNG HIỆU thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm