Giáo viên, phụ huynh hiến kế cách tránh lãng phí SGK

Liên quan đến việc lãng phí sách giáo khoa (SGK), trưa 21-9, Bộ GD&ĐT đã có thông tin gửi tới các cơ quan báo chí.

Theo đó, TS Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cho biết thời gian qua dư luận xã hội có phản ánh tình trạng một số SGK phổ thông chỉ dùng được một lần, gây lãng phí.

Thực tế, khi thực hiện Nghị quyết 40/2000/QH10 ngày 9-12-2000 của Quốc hội về đổi mới chương trình GD phổ thông, Chính phủ đã giao cho Bộ GD&ĐT xây dựng chương trình, tổ chức biên soạn SGK để thực hiện trên phạm vi cả nước. SGK biên soạn theo chương trình GD phổ thông hiện hành (gọi tắt là chương trình 2000) được triển khai ở các cơ sở GD từ năm học 2002-2003. Phiên bản SGK hiện nay là phiên bản đã được sử dụng ổn định từ nhiều năm. 

Khi biên soạn SGK hiện hành, các tác giả đã xây dựng hệ thống bài tập trong SGK theo hướng đa dạng, phong phú về nội dung và hình thức trình bày nhằm tạo hứng thú học tập cho học sinh (HS), đồng thời giúp HS làm quen với các dạng bài tập khác nhau trong kiểm tra, đánh giá theo xu thế chung của các nước phát triển. Do đó, ngoài các câu hỏi, bài tập dạng truyền thống (bài tập tự luận), các tác giả có đưa vào SGK các dạng bài tập trắc nghiệm với các hình thức đặc thù như điền khuyết, lựa chọn đúng/sai, cặp đôi (nối kết)…

Bên cạnh đó, do đặc thù của môn học, ngoài các câu hỏi, bài tập dạng truyền thống, đối với một số SGK, nhất là SGK toán 1, tiếng Anh (do đặc trưng của các môn học này), các tác giả đã đưa vào các dạng bài tập trắc nghiệm và các dạng bài tập khác với “câu lệnh” ngắn gọn, dễ hiểu và rõ ràng. Các SGK toán 1 xuất bản giai đoạn 1976-1979, toán 2 xuất bản giai đoạn 1980-1989, toán 1 xuất bản giai đoạn 1990-2002 đều có các dạng câu hỏi, bài tập như vậy.

Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương, nhà trường hướng dẫn học sinh không nên viết vào sách và giữ gìn, bảo quản sách cẩn thận. Ảnh: HOÀNG GIANG

SGK toán của các nước tiên tiến trên thế giới cũng đều thiết kế các dạng bài học với hình thức như trên.

Theo Bộ GD&ĐT, quan điểm ban đầu của Bộ xác định SGK cần được sử dụng, bảo quản tốt để có thể sử dụng lại được khi cần thiết, tránh lãng phí cho gia đình HS, xã hội. Trong sách giáo viên có yêu cầu nhắc nhở HS không viết vào sách để SGK có thể sử dụng được nhiều lần.

Bộ GD&ĐT kiểm tra việc xuất bản, phát hành sách giáo khoa

Sáng 21-9, thông tin từ Bộ GD&ĐT cho biết ngày 19-9, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng đã ký quyết định kiểm tra việc in và phát hành SGK năm học 2018-2019 tại NXB Giáo dục Việt Nam.

Quyết định này được đưa ra sau tình trạng thiếu SGK đầu năm học, cũng như dư luận bức xúc việc độc quyền xuất bản SGK của NXB Giáo dục và lãng phí 1.000 tỉ đồng mỗi năm vì chỉ dùng một lần.

HÀ PHƯỢNG

Để khắc phục tình trạng SGK chỉ sử dụng một lần, gây lãng phí như phản ánh của dư luận, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, yêu cầu các địa phương, nhà trường hướng dẫn HS không nên viết vào sách và giữ gìn, bảo quản sách cẩn thận để có thể sử dụng được lâu dài. Giáo viên trong quá trình dạy học cần hướng dẫn HS làm bài tập, viết kết quả, trả lời câu hỏi vào vở viết, vở bài tập.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang yêu cầu Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam kiểm tra, rà soát, đánh giá cụ thể việc in và phát hành SGK để có đề xuất chỉnh sửa cụ thể thiết kế nhằm hạn chế tối đa việc HS ghi vào SGK, gây lãng phí.

Ý KIẾN NGƯỜI TRONG CUỘC

Bộ nên thực hiện chính sách trợ giá

Nhà trường từ mấy năm nay thống nhất không để các em HS viết bút mực vào sách, có chăng thì dùng bút chì. Sau đó, nếu cần sử dụng lại sách thì vẫn có thể tẩy xóa được. Và những bộ sách đó sẽ được trao tặng cho các em HS nghèo trong Ngày hội tặng sách của quận 9.

Mặt khác, tôi hy vọng Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện chính sách trợ giá mua sách đối với HS nghèo. Nghĩa là đối với HS có hoàn cảnh khó khăn khi mua sách nếu có giấy hộ nghèo sẽ được giảm giá. Để những gia đình đó sẽ không phải vất vả tiền nong mỗi khi đến mùa tựu trường.

Bà LÊ THỊ NGỌC HẠNH, Hiệu trưởng 
Trường Tiểu học Trường Thạnh, quận 9, TP.HCM

Giáo viên khó kiểm soát sách của học sinh

Việc yêu cầu các trường hướng dẫn HS không viết vào sách và giữ sách cẩn thận cũng là một cách để sử dụng sách tiết kiệm. Nhưng biện pháp này khó đạt hiệu quả cao vì với 45 HS thì giáo viên rất khó kiểm soát và quản lý được việc HS viết vào sách.

Cho nên bản thân tôi đã thực hiện biện pháp khác. Hiện trên thị trường có bán loại giấy ghi chú với giá khá rẻ. Vì thế, từ nhiều năm nay tôi luôn khuyến khích HS sử dụng loại giấy này. Khi các em muốn làm bài hoặc ghi bài giảng, tóm tắt lại nội dung bài học, các em sẽ ghi vào tờ giấy ghi chú và sau đó dán lên SGK ở vị trí các em mong muốn. Việc sử dụng loại giấy này vừa không làm bẩn SGK, mặt khác lại có sự thu hút đối với HS tiểu học vì nhiều màu sắc rực rỡ. Theo tôi, đây có thể là giải pháp chống lãng phí sách hữu hiệu nhất.

Thạc sĩ VŨ HOÀNG SƠN, giáo viên Trường 
Tiểu học Bình Hòa, quận Bình Thạnh, TP.HCM

Cần tổ chức hội chợ bán sách cũ

Từ nhiều năm nay TP.HCM đã chủ trương khuyến khích HS không viết vào sách. Sau khi kết thúc năm học, các em sẽ gửi tặng sách cho thư viện hoặc tặng cho các bạn HS ở vùng sâu, vùng xa.

Tại Trường Phan Châu Trinh, nơi con gái tôi học, các thầy cô cũng khuyến khích HS không làm bài tập vào sách, chỉ làm ở vở bài tập. Cuối năm trường tổ chức hội chợ. Hội chợ này là nơi các bé bán lại sách, đồ dùng học tập với giá rẻ, chỉ khoảng 2.000-5.000 đồng. Hoạt động đó khiến các bé cảm thấy rất thích thú và số tiền các bé bán được sẽ dùng để làm từ thiện.

 NGUYỄN THỊ THANH HUYỀN, phụ huynh HS Trường THCS-THPT Phan Châu Trinh, quận Bình Tân, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm