Giật mình khi đang ăn, người đàn ông bị mảnh xương cá diêu hồng cắm vào dây thanh quản

(PLO)- Khi đang ăn cá diêu hồng, bệnh nhân bị giật mình đỡ cháu đang chơi bị hụt chân té nên bị sặc mảnh xương cá vào trong thanh quản. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 20-4, các bác sĩ Bệnh viện (BV) Tai mũi họng TP.HCM cho biết đã tiếp nhận và mổ cấp cứu thành công một trường hợp mắc dị vật đường thở.

Bệnh nhân là nam (54 tuổi) vào khám bệnh tại BV do nuốt đau, khàn tiếng sau ăn cá diêu hồng.

Bệnh nhân khai cách nhập viện 2 ngày, khi đang ăn cá diêu hồng, ông thấy người cháu đang chơi bị hụt chân té thì dang tay ra đỡ cháu nên giật mình nuốt sặc miếng cá đang ăn. Sau đó, ông cảm thấy không khó thở, không tím tái nhưng thấy nuốt đau, vướng, khàn tiếng, khạc nhổ nhiều, ho ít, không dám ăn uống.

Ông đã đến bệnh viện tuyến tỉnh thăm khám và phát hiện xương mắc ở vị trí khó nên khuyên đến tuyến cao hơn.

Mảnh xương cá ghim chặt vào thanh môn của bệnh nhân. Ảnh: HOÀNG LAN

Mảnh xương cá ghim chặt vào thanh môn của bệnh nhân. Ảnh: HOÀNG LAN

Tại BV Tai mũi họng TP.HCM, bệnh nhân được cho nội soi và chụp CT-scan, phát hiện ra dị vật là xương cá nghi đã ghim chặt ở thanh môn (khe giữa hai dây thanh), ghim vào dây thanh phải và sụn phễu, tràn khí vùng kế cận và theo dõi rách niêm mạc xoang lê – miệng thực quản.

Bệnh nhân đã được kíp trực BV Tai mũi họng TP phẫu thuật nội soi bằng gây mê gắp ra một mảnh xương cá dài 35 mm, đầu xương cắm ở nẹp liên phễu, đầu còn lại tự do ở hạ thanh môn.

Ngay sau phẫu thuật, bệnh nhân giảm triệu chứng nuốt đau, khàn tiếng rõ rệt và nhanh chóng bình phục.

TS-BS CK2 Nguyễn Thanh Vinh, Phó Giám đốc BV Tai mũi họng TP khuyến cáo dị vật đường thở có thể xảy ra ở người lớn và trẻ em và có thể gây tử vong. Nếu để dị vật đường thở càng lâu, biến chứng càng tăng lên.

Khi mắc dị vật, cơ thể thường xảy ra các phản ứng như ho sặc sụa, tím tái. Dị vật bít tắc đường thở có thể gây ngạt thở cấp dẫn đến tử vong. Đa số các trường hợp dị vật đi vào đường thực quản, hiếm có trường hợp đi vào vùng thanh quản như bệnh nhân. Một số dị vật sắc nhọn có thể gây biến chứng chảy máu, tạo ổ áp – xe, thủng trung thất hoặc đâm vào và làm tổn thương những động mạch có kích thước lớn xung quanh thực quản.

Dị vật có thể đi xuống phổi và một phần phế quản gây viêm phế quản, viêm phối, tràn khí màng phổi, ho kéo dài, ho ra máu. Nhiều trường hợp ho kéo dài đi điều trị tìm không ra nguyên nhân mà chỉ nghĩ do các bệnh lý khác như lao phổi.

Do đó, bệnh nhân bị hóc dị vật cần được chẩn đoán và xử trí sớm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm