Tháng 1-2017, bà M. trả bà 20 triệu đồng. Sau đó, hai bên làm giấy nợ ghi cụ thể số tiền các lần vay, thể hiện bà M. đã trả 20 triệu đồng, nợ lại 85 triệu. Giấy nợ này do ông T. viết thay, bà M. ký, ghi họ tên trước sự chứng kiến của một người khác nữa.
Do bà M. cứ hẹn lần hẹn lữa không trả 85 triệu đồng nên bà H. khởi kiện yêu cầu bà M. trả nợ. Kèm theo đó, bà H. nộp cho tòa một tờ giấy nợ bản phôtô. Trong quá trình tòa giải quyết, bà gửi đơn kiện bổ sung yêu cầu chồng bà M. phải liên đới cùng vợ trả nợ và tính lãi suất...
Trình bày với tòa, bà M. nói chỉ vay bà H. 25 triệu đồng, lãi suất 10%/tháng và đã trả dứt cho bà H. vào tháng 12-2016 âm lịch. Khi trả, hai bên không làm giấy tờ gì cả nhưng bà H. có đưa lại cho bà giấy nợ gốc. Bà khẳng định không vay gì khác, cũng không ký giấy nợ như bà H. trình bày. Bà chỉ ký vào biên bản hòa giải hồi tháng 10-2017 tại UBND xã, trong đó thừa nhận có vay 25 triệu đồng. Về chữ ký trong giấy nợ bản phôtô mà bà H. nộp cho tòa, theo bà M. là bà H. cắt dán lại chứ không phải chữ ký của bà, đồng thời bà yêu cầu giám định chữ ký này.
Chồng bà M. thì khai do nhà bị sập nên ông kêu vợ vay bà H. 25 triệu đồng. Đến tháng 12-2016 âm lịch, ông hốt hụi, đưa thêm 2,5 triệu đồng nữa để vợ trả đủ cho bà H. Trả xong, bà H. có đưa giấy nợ gốc cho vợ ông và chính ông đã xé ngay sau đó. Ông khẳng định không hề có việc bốn lần vay tiền như bà H. trình bày.
Xử sơ thẩm, TAND TP Bến Tre nhận định mỗi bên khai một kiểu nhưng sự việc còn có người làm chứng. Cụ thể, ông T. trình bày ngày đó có viết thay giấy nợ cho bà M. với sự có mặt của bà M., bà H. và một người khác. Khi ông viết xong, bà M. đọc đi đọc lại giấy nợ nhiều lần. Ông T. khẳng định chữ viết trong giấy nợ là của ông, còn chữ ký tên M. và ghi họ tên là của bà M. Người còn lại chứng kiến cũng xác nhận sự việc.
Cạnh đó, tổ trưởng tổ tự quản nơi hai bên cư trú khai có trực tiếp hòa giải tại tổ khi bà H. khiếu nại đòi nợ. Khi hòa giải, bà M. không thừa nhận nợ nhưng sau khi hòa giải, vợ chồng bà có đến hỏi ông về việc trả nợ cho bà H.
Từ đó HĐXX buộc bà vợ chồng bà M. phải liên đới trả nợ cho bà H. hơn 68 triệu đồng.
Bà M. kháng cáo. Xử phúc thẩm mới đây, TAND tỉnh Bến Tre nhận định giấy nợ bà H. cung cấp chỉ là bản phôtô không có công chứng, chứng thực hợp pháp. Bà H. không cung cấp được bản chính giấy nợ với lý do bản chính đã đưa cho vợ chồng bà M. Tuy nhiên, vợ chồng bà M. không thừa nhận số nợ trong giấy nợ bản phôtô bà H. cung cấp, không thừa nhận có cầm giấy nợ bản chính từ bà H. Bà M. yêu cầu bà H. phải cung cấp giấy nợ bản chính vì giấy nợ bản phôtô bà H. cung cấp có nhiều nét chữ, do bà H. cắt ghép chữ ký, họ tên của bà M.
Theo HĐXX, tòa sơ thẩm chỉ dựa vào trình bày của người làm chứng để chấp nhận yêu cầu của bà H. là không đủ cơ sở. do vợ chồng bà M. thừa nhận có vay bà H. 25 triệu đồng nhưng không chứng minh được là đã trả nợ nên HĐXX sửa án sơ thẩm, buộc vợ chồng bà M. phải trả cho bà H. cả vốn lẫn lãi theo quy định của khoản nợ 25 triệu đồng này.
Xác định chứng cứ Tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận. (Theo khoản 1 Điều 95 BLTTDS 2015) |