Hải quân Mỹ hôm 3-6 thông báo hai tàu của Mỹ và Canada đã cùng di chuyển qua eo biển Đài Loan, một động thái hiếm hoi giữa hai nước trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung leo thang, theo hãng tin Reuters.
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Chung-Hoon (DDG 93). Ảnh: HẢI QUÂN MỸ |
Cụ thể, Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ cho biết vào ngày 3-6, tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Chung-Hoon (DDG 93) của nước này cùng với tàu hộ vệ lớp Halifax HMCS Montreal (FFH 336) của Canada đã thực hiện một chuyến di chuyển "thường lệ” qua eo biển Đài Loan.
Hải quân Mỹ cho biết hành trình của hai còn tàu “đi qua những vùng biển áp dụng quyền tự do hàng hải và hàng không trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế" và các con tàu “di chuyển qua một hành lang trong eo biển nằm ngoài lãnh hải của bất kỳ quốc gia ven biển nào".
Washington nhấn mạnh mục đích của chuyển di chuyển chung giữa hải quân Mỹ và Canada qua eo biển Đài Loan nhằm “thể hiện cam kết của Mỹ và đồng minh cũng như đối tác về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
“Sự hợp tác như vậy là trọng tâm trong cách tiếp cận của chúng tôi về một khu vực an toàn và thịnh vượng, nơi máy bay và tàu của tất cả các quốc gia có thể bay, di chuyển và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép” - Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ cho hay.
Đáng chú ý, việc di chuyển chung của tàu chiến Mỹ và Canada diễn ra cùng thời điểm các lãnh đạo quốc phòng nhiều nước, bao gồm bộ trưởng TQ và Mỹ, đang tham gia Đối thoại Shangri-La 2023.
Cùng ngày, đài Global News (Canada) đưa tin một tàu chiến của TQ tiến sát tàu khu trục Mỹ USS Chung-Hoon ở khoảng cách khoảng 137 mét ở eo biển Đài Loan.
Video tàu chiến TQ chạm trán tàu chiến Mỹ, Canada đang quá cảnh eo biển Đài Loan. Nguồn: GLOBAL NEWS |
Phóng viên đài Global News đã theo tàu hộ vệ HMCS Montreal của Canada tác nghiệp từ ngày 25-5 khi con tàu này tiến vào Biển Đông và do đó đã chứng kiến vụ suýt va chạm nói trên.
Theo phóng viên, khi tàu của Mỹ và Canada đang cùng di chuyển qua eo biển Đài Loan thì một tàu của hải quân TQ đã tăng tốc đáng kể và cắt ngang mũi tàu USS Chung-Hoon, hành động mà Đại úy Paul Mountford - chỉ huy tàu HMCS Montreal gọi là “không chuyên nghiệp”.
Khi tàu TQ đổi hướng di chuyển, Đại úy Mountford nói rằng họ đã gọi cho tàu Mỹ và yêu cầu di chuyển nếu không sẽ xảy ra va chạm. Sau đó, phía Mỹ phản ứng lại bằng cách yêu cầu phía TQ tránh xa tàu USS Chung-Hoon nhưng cuối cùng tàu Mỹ đã phải đổi hướng đi và giảm tốc độ lại để tránh va chạm.
Bên cạnh đó, ông Mountford cho biết tàu chiến TQ đã thông báo qua hệ thống sóng vô tuyến rằng hai tàu Mỹ và Canada đang đi vào lãnh thổ của nước này mặc dù trên thực tế nhiệm vụ chung của hải quân hai nước đang diễn ra trên vùng biển được quốc tế công nhận.
“Tôi hy vọng đây chỉ là một sự cố cá biệt và sẽ không xảy ra lần nữa đối với chúng tôi, vì chúng tôi có luật pháp quốc tế bảo vệ. Đây là vùng biển quốc tế” - ông Mountford khẳng định.
Bình luận về thông tin trên, người phát ngôn Đại sứ quán TQ tại Canada Lý Kiện Vĩ nói hai tàu của Mỹ và Canada đang “thổi phồng một cách công khai” vụ việc, nhấn mạnh quân đội TQ đã theo dõi và giám sát cả hai tàu “một cách hợp pháp và một cách chuyên nghiệp".
“Các quốc gia có liên quan đã cố tình khơi mào những rắc rối và rủi ro ở eo biển Đài Loan, phá hoại hòa bình và ổn định khu vực và gửi tín hiệu sai lầm đến các lực lượng đòi ‘độc lập’ Đài Loan” - phát ngôn viên Lý cho hay, đồng thời khẳng định Bắc Kinh sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để “đáp trả kiên quyết mọi mối đe dọa và khiêu khích”.