Gỡ khó cho các dự án xây dựng trường học

(PLO)- Sở Xây dựng TP.HCM vừa có văn bản về việc tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới thay thế các công trình trường học trên địa bàn TP.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức giao Sở Xây dựng TP chủ trì, phối hợp với Sở GD&ĐT tham mưu UBND TP văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng và Bộ GD&ĐT một số nội dung liên quan đến định mức diện tích đất bình quân/ học sinh (HS) và quy định số tầng công trình phòng học trong các trường.

Việc này nhằm phù hợp với đặc thù riêng của TP.HCM có dân số đông, quỹ đất hạn hẹp, đặc biệt là các khu vực trong nội thành để giải quyết, tháo gỡ khó khăn trong thực hiện đầu tư tăng thêm phòng học và các phòng chức năng, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục. Sở Xây dựng cần báo cáo hai nội dung.

Thứ nhất, trên cơ sở ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan, đối với các dự án đầu tư xây dựng trường mới trên vị trí đất mới: Xem xét thống nhất việc áp dụng định mức diện tích sàn xây dựng tối thiểu HS thay cho định mức diện tích đất bình quân tối thiểu/HS đối với các khu đô thị đông dân cư, khó khăn về quỹ đất nhằm phù hợp với đặc thù của TP.HCM.

Trường hợp vẫn áp dụng định mức diện tích đất bình quân tối thiểu HS, kiến nghị cho phép TP.HCM được áp dụng theo các tiêu chuẩn quốc gia: TCVN 3907:2011 trường mầm non - yêu cầu thiết kế, TCVN 8793:2011 trường tiểu học - yêu cầu thiết kế, TCVN 8794:2011 trường trung học - yêu cầu thiết kế. Cụ thể là trường mầm non 8-12 m2/HS, trường tiểu học 6-10 m2/HS, trường trung học 6-10 m2/HS.

Hiện nay, theo Thông tư 13/2020 ngày 26-5-2020 của Bộ GD&ĐT quy định về chỉ tiêu định mức diện tích đất bình quân tối thiểu/HS thì trường mầm non 10-12 m2/HS, trường tiểu học 8-10 m2/HS, trường THCS 8-10 m2/HS, trường THPT 10 m2/HS.

Thứ hai, đối với các dự án có tính chất đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới thay thế các công trình trường học hiện hữu thì được phép giữ nguyên quy mô số HS, thực hiện đầu tư nâng cao chất lượng, điều kiện cơ sở vật chất để đạt chuẩn theo quy định hiện hành.

Đồng thời, giao quyền chủ động cho TP.HCM được xem xét, giải quyết các trường hợp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai áp dụng quy định để phù hợp với tính chất đặc thù khu đô thị trung tâm của TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm