Gỡ thẻ vàng IUU: Suy ngẫm và hành động

(PLO)- Ngư dân là nhân tố quyết định thành công hay thất bại của việc loại bỏ hành vi khai thác IUU. Khi hiểu được hậu quả của IUU, ngư dân sẽ tự giác tuân thủ pháp luật và khai thác thủy sản bền vững, có trách nhiệm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chuỗi hoạt động liên tục của chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” của báo Pháp Luật TP.HCM (tại Cần Giờ - TP.HCM hồi tháng 5, Bà Rịa-Vũng Tàu tuần rồi và tại Ninh Thuận tuần này) là nỗ lực tuyệt vời góp phần cùng Nhà nước và ngư dân gỡ bỏ thẻ vàng IUU do Ủy ban châu Âu áp đặt.

Đã gần sáu năm trôi qua kể từ ngày Ủy ban châu Âu áp đặt thẻ vàng đối với ngành thủy sản Việt Nam (VN) (17-10-2017). Từ đó đến nay, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương ven biển đã thực hiện đồng bộ các giải pháp theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu. Đó là: Hoàn thiện khung pháp lý; quản lý đội tàu; xác nhận, chứng nhận nguồn gốc hải sản từ khai thác và thực thi pháp luật.

Ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực (giữa); ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (thứ hai bên phải) và ông Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM (ngoài cùng bìa phải), trao quà cho các ngư dân có hoàn cảnh khó khăn tại Bà Rịa - Vũng Tàu, sáng 10-6.
Ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực (giữa); ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (thứ hai bên phải) và ông Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM (ngoài cùng bìa phải), trao quà cho các ngư dân có hoàn cảnh khó khăn tại Bà Rịa - Vũng Tàu, sáng 10-6.

Tuy nhiên, đến nay tình trạng ngư dân đánh bắt bất hợp pháp trên vùng biển nước ngoài vẫn còn; việc tháo, ngắt, mất kết nối thiết bị giám sát hành trình tàu cá vẫn diễn ra; khai thác bằng ngư cụ bị cấm; tàu cá hoạt động nhưng không đăng ký vẫn còn… Do đó, đến nay (tháng 6-2023) chúng ta vẫn chưa tháo gỡ được thẻ vàng do Ủy ban châu Âu áp đặt..

Việc ngành thủy sản VN bị Liên minh châu Âu “cảnh báo thẻ vàng” đã gây ra nhiều tổn thất nặng nề cả về đời sống, sinh kế của ngư dân (giảm hoặc mất thu nhập; mất việc làm; phá sản, vỡ nợ… cuộc sống khó khăn); tỉ trọng xuất khẩu thủy sản vào thị trường Liên minh châu Âu sụt giảm; uy tín của ngành thủy sản VN trên thị trường thủy sản quốc tế nói chung và thị trường Liên minh châu Âu nói riêng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trên thực tế, từ sau khi bị cảnh báo thẻ vàng IUU, tỉ trọng xuất khẩu hải sản của VN sang EU giảm dần qua từng năm. Theo thống kê của VASEP, năm 2018 - năm đầu tiên sau khi bị cảnh báo thẻ vàng, tỉ trọng xuất khẩu hải sản sang EU chiếm 11,8%, năm 2019 giảm còn 10,7%, năm 2020 còn 9,5% và năm 2022 là 9,4%. Xuất khẩu hải sản suy giảm đã kéo theo tỉ trọng xuất khẩu thủy sản nói chung của VN sang EU giảm theo, từ 13,1% (năm 2018) còn 11,9% (năm 2022).

Thực tiễn và kinh nghiệm phòng, chống và tháo gỡ thẻ vàng, thẻ đỏ do Liên minh châu Âu áp đặt của các quốc gia trong khu vực và thế giới đã cho thấy việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đánh bắt thủy sản cho ngư dân là giải pháp bền vững, hiệu quả và nhân văn nhất. Bởi lẽ ngư dân là lực lượng, là chủ thể, là nhân tố quyết định thành công hay thất bại của việc loại bỏ hành vi khai thác IUU.

Lực lượng Vùng Cảnh sát biển 3 trực tiếp phát tờ rơi tuyên truyền các quy định tới ngư dân. Ảnh: TTXVN
Lực lượng Vùng Cảnh sát biển 3 trực tiếp phát tờ rơi tuyên truyền các quy định tới ngư dân. Ảnh: TTXVN

Thực tế đã chứng minh một quốc gia dù có hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ và thực thi nghiêm, mạnh mẽ đến mấy cũng không thể triệt tiêu được IUU nếu ngư dân vẫn chưa hiểu và nhận thức được hậu quả của khai thác IUU. Khi hiểu được hậu quả của IUU thì ngư dân sẽ tự giác tuân thủ pháp luật và khai thác thủy sản bền vững, có trách nhiệm. Để làm được điều đó, công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về IUU cho ngư dân phải được Chính phủ, Bộ NN&PTNT và các địa phương ven biển xác định là giải pháp cốt lõi và quan trọng nhất.

Theo đó, cần đa dạng hóa các phương thức, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Về nội dung, cần tập trung vào quy định của pháp luật về ngăn ngừa, loại bỏ khai thác IUU; về hậu quả nghiêm trọng của IUU đối với sinh kế của thế hệ hiện tại và tương lai; về hệ quả, tác động tiêu cực của khai thác IUU đối với môi trường, hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản; về ảnh hưởng, tác động tiêu cực của khai thác IUU đối với hoạt động xuất khẩu hải sản khai thác và các ngành nghề liên quan; hệ quả tiêu cực của khai thác IUU đối với hình ảnh, đất nước, con người VN nói chung, uy tín của ngành thủy sản VN nói riêng. Đây là quá trình chuyển biến từ hành động thụ động, tiêu cực, vi phạm pháp luật sang hành động chủ động, tích cực, tuân thủ pháp luật của ngư dân.

Khi hiểu được giá trị, lợi ích của việc loại bỏ khai thác IUU thì ngư dân sẽ tự giác loại bỏ khai thác IUU. Khi đó, thị trường xuất khẩu thủy sản khai thác của VN sẽ được mở rộng; cuộc sống, sinh kế của ngư dân sẽ tốt đẹp hơn; ngư trường khai thác sẽ bền vững hơn; nguồn lợi thủy sản, môi trường và đa dạng sinh học biển sẽ được bảo vệ tốt hơn; cuộc sống của thế hệ tương lai sẽ tốt đẹp và hạnh phúc hơn; hình ảnh đất nước, con người VN nói chung cũng như hình ảnh, uy tín của ngành thủy sản VN sẽ cao hơn; chủ quyền quốc gia sẽ được bảo vệ tốt hơn. Bởi lẽ mỗi con tàu, mỗi ngư dân VN là một “cột mốc sống” để khẳng định, bảo vệ và thực thi chủ quyền quốc gia trên biển.

Do vậy, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khai thác thủy sản hợp pháp, bền vững, có trách nhiệm cho ngư dân để ngư dân tuân thủ, thực hiện; chia sẻ khó khăn với ngư dân; đồng hành cùng ngư dân vươn khơi bám biển là tiếng gọi từ trái tim, là sứ mệnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Với quyết tâm và phương châm đó, cùng với sự tự nguyện, tự giác của ngư dân, chắc chắn chúng ta sẽ gỡ được thẻ vàng trong năm 2023!

“Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong!”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm