Thông thường người thẩm phán chỉ tập trung lo cho trật tự pháp luật mang tính chất tổng quát mà không có điều kiện soi rọi từng dấu vết, từng tình tiết gia cảnh của đương sự, bị cáo. Thế nhưng với luật sư (LS) thì lại khác, luật cho phép LS được gần gũi, chia sẻ với thân chủ của mình ngay cả trong mâm cơm gia đình.
Chính những lúc trò chuyện thân mật ấy, LS có thể tìm ra được nhiều thông tin quan trọng trong việc tìm ra chứng cứ giúp làm sáng tỏ về vụ án. Khi tiếp cận với người bị hại, người LS còn thấu hiểu được sự đau đớn xé lòng của họ như thế nào, từ đó có biện pháp bảo vệ phù hợp với quy định pháp luật nhất.
Có thể đứng ở góc độ pháp luật, đôi khi hành vi của bị cáo được xem là rất nhỏ nhưng khi tiếp cận với phía bị hại mới thấy được sự u ám, uẩn khúc trong mỗi con người. Lấy ví dụ đối với tội làm nhục người khác, pháp luật xử rất nhẹ, thế nhưng người bị hại họ sẽ mang những đau đớn đó đến suốt cuộc đời của họ. Chính sự tiếp cận ấy, người LS sẽ giữ vai trò giúp cho quan tòa thấu hiểu, chia sẻ mà ra phán quyết thấu lý đạt tình.
LS Vũ Phi Long trong phiên tòa vụ năm công dân Kon Tum cưa gỗ khô bị buộc tội trộm cắp tài sản. Ảnh: NGÂN NGA
Nhiều người hay nhận xét rằng TAND, VKSND và công an là cơ quan pháp luật nghiêm khắc một cách lạnh lùng. Khi ấy, người LS sẽ nhẹ nhàng đặt lên một bình hoa để giúp cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng nhìn rõ hơn về vụ án, về những tình tiết mà đôi khi không phải lúc nào trong hồ sơ vụ án cũng thể hiện.
Để quyền con người, quyền công dân được tôn trọng, được bảo vệ, bảo đảm theo hiến pháp và pháp luật, tôi mong rằng khi LS khiếu nại những vấn đề còn chưa rõ ràng, còn vướng mắc trong hoạt động của các cơ quan tố tụng thì cần có một sự phản hồi công khai hơn. Nên chăng các cơ quan chức năng xây dựng một kênh công khai, chẳng hạn như khi trả lời khiếu nại, chấp nhận hay không chấp nhận cũng đưa lên trang web của chính các cơ quan tố tụng để mọi người dân cùng được theo dõi.
Nếu LS khiếu nại đúng thì các cơ quan có thẩm quyền cũng đưa thẳng lên web và nếu sai thì cũng đưa lên. Đây cũng là cách tránh đi sự mờ ảo trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại. Bởi trong giai đoạn thời kỳ bùng nổ thông tin, khi mà cái tốt lan tỏa rất chậm, còn cái xấu dường như dễ lan truyền rất nhanh, làm cho dư luận hiểu lệch lạc đi bản chất của sự việc.
(Nhân ngày Truyền thống Luật sư Việt Nam)
Luật sư VŨ PHI LONG, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM