Góp ý bổ sung quy định bảo vệ di sản văn hóa

(PLO)- Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đang được lấy ý kiến có bổ sung nhiều quy định mới.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 13-11, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức hội nghị - hội thảo xin ý kiến góp ý hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (DSVH) (sửa đổi).

P12_Luat-di-san_h1.jpg
Khu đô thị tại khu 10B ở phường Quang Hanh (TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) đang được san lấp nằm trong vùng đệm, khu vực 2 của di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Ảnh: NGỌC SƠN
P12_Luat-di-san_h2.jpg
Quang cảnh hội thảo - hội nghị góp ý hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Ảnh: TRẦN HUẤN

Bổ sung nhiều quy định

Tại đây, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Đạo Cương cho biết: Luật DSVH ban hành năm 2001, được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009, là bước cụ thể hóa chính sách về bảo tồn DSVH theo Hiến pháp năm 1992 và tinh thần của Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII), cùng các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Với nỗ lực và sức đóng góp của toàn xã hội, qua hơn 20 năm thực thi, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị DSVH dân tộc đã đạt được một số thành tựu quan trọng.

Do đó, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, từ năm 2023, Bộ VH-TT&DL đã tích cực chủ động phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương xây dựng dự án Luật DSVH (sửa đổi).

“Chúng ta cần bảo tồn các yếu tố gốc của di sản cũng như những giá trị tạo nên vẻ đẹp của di sản, nhất là với di sản đã được UNESCO ghi danh.”

Bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa

Cục trưởng Cục DSVH Lê Thị Thu Hiền đã báo cáo tóm tắt nội dung dự thảo Luật DSVH (sửa đổi). Theo đó, về bố cục, nội dung cơ bản, ngoài lời mở đầu, Luật DSVH gồm 10 chương, 154 điều. Trong đó, nhiều quy định mới được bổ sung như: quy định biện pháp xử lý đối với các trường hợp DSVH phi vật thể Việt Nam sau khi được đưa vào các danh sách của UNESCO không thực hiện đúng Chương trình hành động bảo vệ di sản đã cam kết với UNESCO; Chương trình hành động quốc gia, các báo cáo quốc gia, đề án bảo vệ và phát huy giá trị DSVH phi vật thể…

600

đại biểu gồm đại diện Sở VH-TT&DL, Sở VH&TT, các chuyên gia, nhà chuyên môn, nhà quản lý… đã tham gia trực tiếp và trực tuyến tại hội thảo - hội nghị góp ý hồ sơ dự án Luật DSVH (sửa đổi).

Cần bảo tồn những giá trị của di sản

Bên lề sự kiện, bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục DSVH (Bộ VH-TT&DL), đã nêu quan điểm của cục liên quan đến dự án tại vịnh Hạ Long.

Cụ thể, bà Hiền cho biết Bộ VH-TT&DL luôn ủng hộ sự phát triển nhưng phải dựa trên cơ sở bảo tồn di sản và đảm bảo yếu tố gốc, cảnh quan môi trường sinh thái của di sản.

“Chúng ta cần bảo tồn các yếu tố gốc của di sản cũng như những giá trị tạo nên vẻ đẹp của di sản, dù phát triển thế nào cũng cần đảm bảo nguyên tắc đó, nhất là với di sản đã được UNESCO ghi danh” - bà Hiền nói.

Đối với dự án khu đô thị tại khu 10B ở phường Quang Hanh (TP Cẩm Phả, Quảng Ninh), bà Hiền cho rằng khu vực thực hiện dự án ở vùng đồi núi, đầm lầy, không có người dân, không có di sản, di tích, không có quy hoạch du lịch, cũng là khu vực cuối vịnh Bái Tử Long đổ ra biển nhưng việc triển khai vẫn phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật và cam kết quốc tế.

Do đó, Bộ VH-TT&DL đã có ý kiến bằng văn bản về việc thực hiện công trình gây ô nhiễm môi trường không chỉ là rác thải, chất thải, mà còn là vấn đề ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái động thực vật của di sản vịnh Hạ Long.

Ngay sau đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành ngăn chặn, xử lý. Việc dừng dự án là hết sức kịp thời, phù hợp với quy định của pháp luật và khuyến cáo của Bộ VH-TT&DL.

Bà Hiền khẳng định DSVH là tài sản, có đóng góp tích cực để trở thành tài nguyên vô tận trong phát triển kinh tế - xã hội, du lịch theo hướng bền vững.

Theo quan điểm phát triển của UNESCO, DSVH của nước ta đã phát triển đúng hướng, vừa bảo tồn được các giá trị cha ông để lại vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế. Tổng giám đốc UNESCO, giám đốc Trung tâm Di sản thế giới của UNESCO mong Việt Nam sẽ tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm với các mô hình điển hình trong quản lý, bảo tồn DSVH và phát triển kinh tế mà vẫn bảo vệ được môi trường.•

Di sản công nghiệp thành các siêu thị, cao ốc

Tại hội thảo - hội nghị, PGS-TS Trần Văn Hải lại bày tỏ sự quan tâm của mình đến di sản công nghiệp. Ông khẳng định nhận thức về di sản công nghiệp ở nước ta gần như bằng 0. Chúng ta đã bỏ quên một loại hình DSVH rất đa dạng về công nghệ và công nghiệp ở nước ta kể từ các cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp đến nay.

“Với rất nhiều mỏ than ở Quảng Ninh, mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng), apatit Lào Cai, crôm Cổ Định (Thanh Hóa), vàng Bồng Miêu, các xưởng đóng tàu Bạch Đằng, Ba Son, Cơ khí Gia Lâm, Nhà máy dệt Nam Định, Nhà máy dệt 8/3, Khu gang thép Thái Nguyên, Ga Hà Nội, Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Vinh... từng là biểu tượng, niềm tự hào của một giai đoạn cách mạng công nghiệp xây dựng XHCN ở nước ta trước đây, giờ không ít đã bị phá bỏ, di chuyển để xây dựng các siêu thị, cao ốc” - ông Hải nói.

Vì vậy, ông Hải đề nghị ngành DSVH (Cục DSVH) nên chủ động nghiên cứu đưa vào luật để hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị các di sản này ngay từ bây giờ, đừng để chúng bị mai một thêm nữa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm