Những quy định của dự án Luật Báo chí (LBC) sửa đổi để tạo hành lang pháp lý cho các nhà báo tác nghiệp là nội dung nhận được khá nhiều ý kiến quan tâm. Pháp Luật TP.HCM giới thiệu bài viết của nhà báo-luật gia Minh Việt, trong đó nêu nhiều vấn đề mà dự luật quy định chưa thật rõ ràng, đầy đủ.
Thú thiệt tôi vẫn chưa rõ lắm nhà báo là “quan” hay “dân”?
Được làm những gì pháp luật không cấm?
Nếu là thành viên của cơ quan, tổ chức của Đảng, nhà nước hay đoàn thể dưới sự lãnh đạo của Đảng thì họ đều là cán bộ, công chức, đáng được xếp vào hàng các... “quan”. Vì ít nhiều họ cũng có quyền hạn và nhiệm vụ công để góp phần đấu tranh phòng chống tội phạm, những hiện tượng tiêu cực; tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng; phổ biến, giáo dục pháp luật của nhà nước...
Nếu là “quan” thì về nguyên tắc, các nhà báo chỉ được làm những gì luật cho phép, nghĩa là có nhiều thứ việc họ không được làm vì luật chưa quy định. Trong khi, nếu coi nhà báo là dân thì quyền của nhà báo dường như có phạm vi tương đối rộng hơn. Bởi về nguyên tắc, những gì pháp luật không cấm thì người dân được làm. Cũng có nghĩa là nhà báo được làm đủ thứ việc nếu pháp luật không có quy định nào cấm.
Đặt vấn đề như vậy để thấy LBC có tầm quan trọng đặc biệt. Bởi nếu luật không đầy đủ thì có thể là mầm mống của sự lộn xộn. Thậm chí khi “đáo tụng đình” thì tòa án cũng... “muốn xử sao cũng được”!
Nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ
Đơn cử như mấy việc sau đây, theo tôi, LBC lâu nay vẫn còn bỏ ngỏ mà trong dự án LBC sửa đổi cũng chưa thấy đề cập.
Thứ nhất, dự án LBC lần này có nêu báo chí không được xâm phạm “bí mật đời tư” của công dân (khoản 2 Điều 12) nhưng lâu nay, từ Bộ luật Dân sự 1995, 2005 đến LBC 1999 đều chưa thấy có điều luật nào xác định rõ “bí mật đời tư” là gì.
Thứ hai, như Báo đã phân tích, dự luật không hề nói đến vấn đề chụp ảnh và sử dụng hình ảnh của cá nhân. Dự luật cũng chưa quy định rõ trong trường hợp nào báo chí được đăng hình ảnh, đăng như thế nào bị coi là xúc phạm đến công dân, che mặt như thế nào được coi là không xâm phạm cá nhân đó.
Thứ ba, việc nhà báo quay phim, ghi âm cũng không được dự luật điều chỉnh trong khi đây là cách thức tác nghiệp chủ yếu của nhà báo. Thực tế có một số cơ quan, thậm chí cả tòa án đã ngăn cản nhà báo chụp ảnh, quay phim, ghi âm, ghi chép... một cách tùy tiện. Họ không cho nhà báo tác nghiệp khi không có giấy giới thiệu dù sự việc diễn ra tại phiên xử công khai mà về nguyên tắc thì công dân nào cũng có quyền dự khán. Thậm chí ghi âm lén cũng bị coi là vi phạm v.v...
Thứ tư, dự luật quy định báo chí có quyền được cung cấp thông tin, nghĩa là cơ quan, tổ chức, cán bộ có nghĩa vụ phải cung cấp thông tin cho báo chí. Tuy nhiên, nghĩa vụ này lại không bị ràng buộc bởi bất cứ chế tài nào. Cạnh đó, dù dự luật quy định các tổ chức phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp nhưng lại chưa phân chia trách nhiệm cụ thể giữa đôi bên (báo chí và nguồn tin). Cho nên trong thực tế, cơ quan, tổ chức không cung cấp thông tin cho báo chí họ chẳng phải bị chế tài gì; mà cung cấp thông tin sai sự thật thì cũng chẳng thấy trách nhiệm pháp lý tới đâu. Mọi chuyện đều đổ đầu nhà báo.
Pháp luật càng không đầy đủ thì nhà báo càng khó khăn trong khi tác nghiệp để chu toàn trọng trách phục vụ quyền được biết của công dân. LBC hiện hành cần sớm được hoàn thiện đầy đủ để giải đáp kịp thời yêu cầu đó. Trong hướng đổi mới, có lẽ cần mạnh dạn luật hóa những vấn đề cần thiết nhưng đang còn thiếu cũng như đưa những quy định rải rác ở các nghị định, quyết định, thông tư vào trong luật. Có như vậy chúng ta mới có được một văn bản quy phạm hoàn chỉnh, thống nhất, đủ sức phát huy đúng mức quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân.
Quy chế Người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí tuy bước đầu đã góp phần ổn định trật tự thông tin nhưng có khi nó lại cản trở việc tác nghiệp hợp pháp của nhà báo. Người có trách nhiệm ở các cơ quan, tổ chức lẽ ra phải đối thoại trực tiếp với xã hội qua báo chí thì họ có phương cách hợp pháp mới để thoái thác, tránh né trả lời. Trong khi đó, người được giao phó công việc phát ngôn của cơ quan, tổ chức thường không nắm rõ hết các vấn đề, không đủ uy tín và thẩm quyền để giải đáp thỏa đáng các thắc mắc của công luận. Nói ra có vẻ quá đáng chứ thực tế thì người phát ngôn của cơ quan, tổ chức, trong một số trường hợp chỉ đóng được vai trò “tấm bình phong” ra mặt đỡ đần, “cứu hộ” cho thủ trưởng của mình một cách lúng túng, bị động. |
Nhà báo-luật gia MINH VIỆT