Góp ý kỳ thi THPT: “Tôi đề nghị một phương án khác”

Bộ GD&ĐT có lý khi chọn khâu thi tốt nghiệp THPT làm bước đột phá cho hoạt động đổi mới toàn diện ngành giáo dục phổ thông. Cuộc thi rất nhạy cảm này nếu làm tốt sẽ có tác dụng tạo chuyển biến sớm và mạnh đến suốt quá trình dạy và học, ít nhất ở ba năm cấp THPT.

Chịu gánh nặng gãy lưng khi ôn tập

Khi chuẩn bị cho kế hoạch thi cử này, Bộ lại ghi thêm một điểm tích cực: quyết tâm lồng ghép hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ làm một và đề xuất ba phương án để trưng cầu ý kiến rộng rãi cho công luận. Trong ba phương án đó, lãnh đạo Sở GD&ĐT các tỉnh, thành đã nghiêng nhiều về phương án 1, tức là thí sinh thi ba môn bắt buộc (văn, toán và ngoại ngữ) và một môn tự chọn trong năm môn còn lại (vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý) và chê hai phương án sau. Chê là phải vì kiểu thi này, ngoài ba môn bắt buộc kể trên, các em phải thi thêm hai bài theo dạng tích hợp (khoa học xã hội và khoa học tự nhiên - theo phương án 2; hoặc phải thi bốn bài theo dạng tích hợp của cả 11 môn ở lớp 12 - nếu theo phương án 3).

Nếu thi một trong hai phương án đó, hậu quả nhãn tiền có thể thấy rõ là thầy trò lớp 12 lâm vào tình trạng quá tải, phải chịu gánh nặng gãy lưng lúc ôn tập hoặc luyện thi. Hơn nữa, việc tuyển sinh ĐH-CĐ cho từng ngành chuyên biệt cũng thiếu căn cứ chính xác. Chẳng hạn, để tuyển ngành y hay dược, làm sao các trường ĐH chuyên ngành ấy biết được năng lực thật của thí sinh về hai môn hóa học và sinh học trong khi bài thi tích hợp kiến thức những bốn môn.

Bình tĩnh một chút, phân tích kỹ yêu cầu của một kỳ thi với nhau như ta làm bấy lâu nay sẽ thấy cả ba phương án đều không ổn. Nói rộng ra, cách tổ chức thi lồng ghép “hai trong một” có vẻ hợp lý về hình thức nhưng thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn. Chưa kể giả dụ có nhiều em muốn rẽ ngang, không muốn vào ĐH, CĐ mà vẫn phải lao vào guồng thi cử như vậy thì tội nghiệp quá.

Một phương án khác

Yêu cầu của kỳ thi tốt nghiệp THPT là gì? Là để chứng nhận kết quả học tập của các em suốt 12 năm ở bậc học phổ thông và quan trọng hơn là ở ba năm cấp THPT. Dư luận đã chỉ trích nhiều vì tỉ lệ đậu cao ngất ngưởng và tịnh tiến hằng năm ở mức 97%-98%-99%. Và cứ tiếp tục đà này, tỉ lệ đậu, nói cho vui chút là có thể vượt trần 101%, 102%... Chúng ta tốn rất nhiều tiền của, công sức, thời gian của Nhà nước và phụ huynh, của xã hội mà chỉ để xác nhận một % trong đó không đạt yêu cầu thì quá vô lý.

Như đã nhiều lần kiến nghị nên chăng Bộ GD&ĐT bỏ hẳn kỳ thi cồng kềnh, hình thức này như đã bỏ hai kỳ thi hết cấp tiểu học và THCS trước đây. Kết quả học hết THPT sẽ căn cứ vào kết quả học của ba năm cấp THPT dựa trên sáu kỳ thi học kỳ khá căng của các em, đặc biệt hai kỳ thi học kỳ của năm lớp cuối cấp.

Để đảm bảo tính chính xác và sự nghiêm minh về đánh giá đó, cần yêu cầu thầy cô và ban giám hiệu các trường THPT đề cao tinh thần trách nhiệm, tôn trọng kỷ cương, kỷ luật do Bộ GD&ĐT quy định. Mặt khác, lãnh đạo Bộ cần yêu cầu lãnh đạo giáo dục các tỉnh, thành làm tốt ba khâu: Chỉ đạo (trong suốt năm học), kiểm tra thường kỳ và hậu kiểm. Bộ cần phải có biện pháp thưởng phạt nghiêm minh như Bộ GTVT đang làm ráo riết với các ngành vận tải đường bộ, đường hàng không thời gian qua và tình hình của ngành này bước đầu được cải thiện rõ.

Việc ký giấy chứng nhận đạt kết quả học tập cuối cấp sẽ được Bộ GD&ĐT ủy nhiệm cho giám đốc các sở GD&ĐT. Thế là đủ, đồng thời tránh cho kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ một trách nhiệm không thực tế và chẳng hợp lý “hai trong một” như dự kiến trong cả ba phương án. Bớt hẳn một kỳ thi có nghĩa là tiết kiệm hàng chục ngàn tỉ đồng mỗi năm cho Nhà nước và tiết kiệm cho phụ huynh có con em đi thi một số tiền tương tự. Đồng thời, vẫn đảm bảo được sự đánh giá đúng đắn, chính xác kết quả dạy và học ở bậc THPT.

Việc thi cử mỗi dịp cuối hè chỉ còn lại một là thi tuyển sinh ĐH-CĐ. Về việc lớn này, Bộ chỉ nên giữ vai trò chỉ đạo, giám sát và tạm thời tổ chức thi chung cho những trường còn yếu - kết quả của việc “sinh đẻ không kế hoạch” ồ ạt trong nhiều năm qua. Đồng thời, nghiêm khắc yêu cầu các trường yếu ấy (yếu vì cơ sở vật chất, đội ngũ, kinh nghiệm tổ chức, hoạt động nghiên cứu…) nhanh chóng kiện toàn, tự vượt mình. Và cứ qua kiểm tra, trường nào đủ lực, Bộ lại cho tự chủ trong khâu tuyển sinh. Trường nào làm cẩu thả, cốt tuyển cho nhiều thì phải lãnh hậu quả nặng nề từ kỷ luật của Bộ; quan trọng hơn sẽ mất lòng tin của xã hội, nguy cơ tụt hậu, suy thoái, thậm chí “sập tiệm” tất yếu sẽ xảy ra.

Kế hoạch thi của từng trường được phép tự chủ tuyển sinh tất nhiên phải báo cáo Bộ theo quy định. Cơ quan lãnh đạo ngành chỉ cần tổ chức giám sát, hậu kiểm cho nghiêm. Hoạt động tuyển sinh sẽ được trải rộng trong hàng tháng chứ không dồn cục một đôi ngày như hiện nay, sẽ khiến mọi hoạt động xã hội được giữ ở nhịp độ bình thường, không quá căng thẳng.

PGS-TS TRẦN HỮU TÁ

PHẠM ANH ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm