Góp ý sửa Luật Đất đai: Hoà giải tại cấp xã không được tự thêm quy định làm khó dân

(PLO)- Nhiều trường hợp người dân khi hoà giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã bị yêu cầu cung cấp bản vẽ, hoạ đồ hiện trạng đất... gây khó khăn cho người dân, do đó cần có quy định giải quyết tình trạng này.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 13-10, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV.

Hội thảo tập trung góp ý trực tiếp vào những điều luật đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý; vào những quy định đang thể hiện có hai phương tại dự thảo.

Không làm khó dân khi hoà giải tại địa phương

Góp ý về quy định hòa giải tranh chấp đất đai, Luật sư Trương Thị Hoà (Đoàn LS TP.HCM) đánh giá, hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã rất quan trọng vì nếu không có hòa giải tại UBND cấp xã thì UBND cấp có thẩm quyền như cấp huyện, cấp tỉnh sẽ không có thẩm quyền giải quyết và tòa án không thụ lý để giải quyết.

Tuy nhiên, LS Hòa cho biết hiện nay, một số UBND cấp xã sau khi nhận đơn yêu cầu hòa giải đã buộc người dân phải thực hiện các công việc như cung cấp bản vẽ, họa đồ hiện trạng về đất... Điều này vô hình chung gây thêm khó khăn cho người dân về hòa giải tranh chấp quyền sử dụng đất tại UBND cấp xã.

Do đó, bà đề nghị bổ sung quy định UBND cấp xã không được buộc người dân không thực hiện những công việc không được quy định tại Điều 235 khi hoà giải tranh chấp đất đai.

IMG_0662.jpeg
Luật sư Trương Thị Hoà cho biết nhiều trường hợp khi hoà giải tại cấp xã người dân bị gây khó khăn khi phải cung cấp hoạ đồ, bản vẽ về hiện trạng đất. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Cạnh đó, LS Hoà cũng có góp ý liên quan đến vấn đề cung cấp thông tin đất đai và trách nhiệm của Nhà nước trong việc cung cấp thông tin về đất đai.

Cụ thể, Điều 24 (dự thảo) quy định công dân được quyền tiếp cận tất cả các thông tin về đất đai; Điều 56 quy định nguyên tắc thực hiện thống kê, kiểm kê đất đai là công khai, minh bạch, không quy định loại trừ về đất quốc phòng, đất an ninh. Tiếp tục Điều 60 quy định nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là không loại trừ công khai về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất về đất quốc phòng, đất an ninh. Và Điều 18 quy định về Nhà nước phải đảm bảo cung cấp thông tin về đất đai cho tổ chức, các nhân.

Như vậy có thể thấy, theo quy định tại dự thảo việc cung cấp thông tin về đất đai không có trường hợp ngoại lệ. Do đó đề nghị cần quy định, sửa đổi, bổ sung các điều khoản liên quan đến đất quốc phòng, đất an ninh cần phải được bảo mật thông tin.

Quy định cụ thể hơn về đất nông nghiệp để tránh lách luật

Góp ý liên quan đến quy định về cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa (khoản 7 Điều 46), ông Quách Hữu Thái, Phó Chánh án TAND TP cho biết dự thảo lần này đã tiếp thu, chỉnh lý và quy định theo hướng chặt chẽ hơn đối với đất trồng lúa. Theo đó, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa, trừ trường hợp tặng cho cho người thuộc hàng thừa kế.

IMG_0661.jpeg
Ông Quách Hữu Thái, Phó Chánh án TAND TP góp ý tại hội thảo. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Ông Thái cho rằng quy định phải thành lập tổ chức kinh tế để tránh lách luật nhưng vẫn cần quy định cụ thể hơn là thời gian thành lập tổ chức kinh tế để nhận chuyển nhượng, tặng cho đất nông nghiệp là trong thời gian bao lâu. Nếu không sẽ tiếp tục xuất hiện tình trạng lách luật bằng cách thành lập nhưng không hoạt động.

Cạnh đó, về thời hạn sử dụng đất, Phó Chánh án TAND TP.HCM cũng cho biết thực tế hiện nay có nhiều trường hợp khi cá nhân, tổ chức thế chấp quyền sử dụng đất thì đất vẫn còn thời hạn sử dụng. Tuy nhiên đến khi xử lý tài sản thế chấp thì đất lại hết thời hạn sử dụng. Do vậy câu chuyện xử lý trong trường hợp này như thế nào cũng là vấn đề cần phải giải quyết. Từ đó, ông Thái đề nghị cân nhắc bổ sung thêm quy định về hướng giải quyết trong trường hợp này vào dự thảo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm