Chiều tối 10-3, đại diện Grab Việt Nam chính thức lên tiếng về vụ kiện tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và Công ty TNHH Grab Việt Nam (Grab) ngay sau khi phiên tòa phúc thẩm vừa kết thúc.
Theo đó, Grab bày tỏ sự tiếc nuối khi HĐXX cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm, dù Grab đã trình bày nhiều luận điểm vững chắc. Cùng đó là kháng nghị của VKSND TP.HCM, VKSND Cấp cao tại TP.HCM khẳng định hoạt động kinh doanh của Grab tại Việt Nam không vi phạm pháp luật, đề án thí điểm và không gây thiệt hại cho Vinasun.
Phiên xử phúc thẩm vụ kiện giữa Vinasun và Grab. Ảnh: HOÀNG YẾN
Cụ thể, Grab khẳng định không có đủ bằng chứng thuyết phục để tòa phúc thẩm xác định doanh nghiệp vi phạm các quy định về kinh doanh vận tải và vi phạm đề án thí điểm theo Quyết định 24 của Bộ GTVT. Đồng thời, Grab tỏ ra lo lắng vì bản án sẽ tạo nên tiền lệ không tốt. Điều này có thể dẫn đến thêm nhiều vụ kiện không công bằng và thiếu cạnh tranh xảy ra.
Theo đại diện Grab, các cơ quan chức năng đã xem xét và kết luận hoạt động kinh doanh của Grab tuân thủ đề án thí điểm. Trên thực tế, Bộ GTVT và các bộ, ngành có liên quan, với sự phê duyệt của Thủ tướng, đã xây dựng khung pháp lý cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối như Grab tiếp tục hoạt động kinh doanh.
Cụ thể, tới đây hoạt động của Grab không còn giới hạn trong năm tỉnh, thành tham gia thí điểm, mà được phép hoạt động trên toàn quốc theo Nghị định 10/2020 (thay thế Nghị định 86/2014) về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đã được ban hành vào tháng 1 năm nay.
Grab cho rằng việc thông qua Nghị định 10/2020 là sự công nhận kết quả triển khai thành công đề án thí điểm theo Quyết định 24, khi xe công nghệ đã phát triển và trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày của người dân Việt Nam.
Grab cũng cho rằng cấp phúc thẩm chỉ căn cứ vào báo cáo giám định của Công ty CP Thẩm định - Giám định Cửu Long để yêu cầu Grab bồi thường 4,8 tỉ đồng cho Vinasun khi báo cáo này không đảm bảo khách quan. Cụ thể, cấp phúc thẩm đã bỏ qua yêu cầu giám định lại và không triệu tập Công ty Giám định thiệt hại Cửu Long tới phiên tòa.
“Tại phiên tòa hôm nay, Grab tiếp tục chứng minh được nhiều sai sót trong báo cáo giám định. Vì tòa án cấp phúc thẩm tiếp tục dựa vào báo cáo giám định này, nên bản án của tòa án cấp phúc thẩm là không có tính thuyết phục…” - Grab nêu quan điểm.
Theo đại diện Grab, lợi nhuận của Vinasun bị giảm sút là do các yếu tố nội tại của Vinasun, hoàn toàn không liên quan gì đến Grab. Cũng không có căn cứ để kết luận rằng chi phí xe nằm bãi của Vinasun liên quan đến Grab. Cuối cùng, việc giảm giá trị vốn hóa thị trường là do có nhiều yếu tố tác động chứ không phải chỉ bởi sự tham gia thị trường của một đơn vị kinh doanh mới.
Với phán quyết của tòa, Grab khẳng định vẫn tiếp tục bảo vệ uy tín và thương hiệu của mình và sẽ tiếp tục thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Grab, cũng như để đạt được một kết quả công bằng, minh bạch.
Ngược lại, trao đổi với PLO vào sáng 11-3, ông Tạ Long Hỷ, Phó Tổng giám đốc Vinasun, khẳng định ông rất vui với phán quyết của tòa cấp phúc thẩm, bởi mục đích vụ kiện này của doanh nghiệp không phải vì tiền.
"Chúng tôi muốn yêu cầu Grab vào Việt Nam phải tôn trọng pháp luật, nếu làm sai thì pháp luật xử lý. Vinasun đấu tranh vì công lý chung và chúng tôi đã đạt được, ở đây không phải vì tiền" - ông Hỷ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, phó tổng giám đốc Vinasun cũng kỳ vọng sau phán quyết của tòa, các đơn vị kinh doanh loại hình công nghệ cần tôn trọng Nghị định 10/2020. "Tức là anh chọn mô hình kinh doanh nào (vận tải hay cung cấp phần mềm) thì phải thực hiện đúng loại hình kinh doanh đó..." - ông Tạ Long Hỷ nêu quan điểm.