Sáng 8-9, GS Hồ Ngọc Đại đã có buổi chia sẻ về sách tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục trong chuyên đề “Công nghệ giáo dục trong thời kỳ 4.0”.
Trước khi đi vào vấn đề, vị giáo sư 80 tuổi dẫn dắt buổi tọa đàm từ câu chuyện giáo dục khi ông còn là một giáo viên dạy Toán vào những năm 1960. Thời điểm đó, GS Hồ Ngọc Đại nhận ra sự bất cập trong phương pháp dạy học và truyền đạt kiến thức cho học sinh phổ thông thời điểm bấy giờ. Theo ông, giáo dục đã có những thất bại nhất định, cần phải có sự thay đổi về cả phương pháp và nội dung trong giáo dục phổ thông.
Năm 1968, ông là một trong hai người được cử sang Liên Xô để học tập kiến thức cũng như tiếp thu các phương pháp học tập mới.
GS Hồ Ngọc Đại nói về sách Công nghệ giáo dục - tiếng Việt 1.
Sau khi về nước, ông xin phép được mở trường thực nghiệm đầu tiên để trực tiếp giảng dạy thay vì được mời làm lãnh đạo trong ngành giáo dục. Ông nhớ lại những ngày đầu khi thành lập Trường Tiểu học Thực nghiệm, câu hỏi ông đặt ra và tâm huyết nhất luôn là “Các con ông/bà, anh/chị đi học về có vui không? Có hạnh phúc không?". Chỉ cần học trò thấy vui là ông thấy mình đạt được mục đích.
Ông Đại phân tích: Đề cương cải cách giáo dục xưa nay đã đưa gần 20 năm, từ những ngày chiến tranh gian khổ và bây giờ đã qua thời kỳ đó. Vì vậy, nếu đề cương này đúng với trước đây thì bây giờ nó sai do tư duy, hoàn cảnh đã thay đổi.
“Khi tiến hành trường thực nghiệm được hai năm, nhiều người nói tôi phí và mời tôi làm thứ trưởng nhưng tôi xin từ chối. Với tôi, mỗi cuộc cách mạng ứng với mỗi thời kỳ”.
GS Hồ Ngọc Đại phân tích: Từ thế kỷ 20 trở về trước, tất cả thế hệ đều thay nhau nối tiếp, ông có gì bố có nấy, bố có gì con có nấy, cứ thể noi gương nhau, học tập kinh nghiệm.
Nhưng từ thế kỷ 21, trẻ em có những thứ mà cha mẹ chúng không hề có và không hề hiểu được. Cuộc cách mạng giáo dục này tạo ra một cuộc cách mạng mới phải cả về vật chất lẫn tinh thần. Ví dụ, cuộc cách mạng 1.0 sức mạnh nó là hơi nước, 2.0 là hơi nổ, 3.0 là máy tính và đến cuộc cách mạng 4.0 là cuộc cách mạng hiện nay là “máy nghĩ”, hay còn gọi là trí tuệ nhân tạo.
“Do đó, điều mà tôi mong muốn là tạo nên nền giáo dục hiện đại phải là những thứ nền giáo dục chưa hề có. Nền giáo dục hiện đại của tôi sẽ không theo gương ai hết, để mỗi người trở thành chính nó, xứng đáng với chính nó, không phỏng theo ai được. Nền giáo dục đầy ảo tưởng sẽ làm khổ rất nhiều người” -GS Hồ Ngọc Đại nhấn mạnh.
Nội dung trao đổi về công nghệ giáo dục thu hút rất nhiều sự quan tâm từ dư luận.
"Tôi là người có ý thức về xây dựng một nền giáo dục và sứ mệnh của tôi là tạo ra nền giáo dục chưa hề có trong lịch sử. Không bác bỏ quá khứ, tận dụng quá khứ nhưng nên được hưởng những cái mới. Lý thuyết nào sinh ra cũng có công nghệ thực thi và tôi có công nghệ giáo dục. Đây là thiết kế rất khó nhưng ai cũng phải làm được, cho nên trẻ con học với chúng tôi nó khác hẳn. Ngày xưa tôi về nước, có người đã nói với tôi thành công thì nguyệt quế trên đầu, còn thất bại thì hai vai già này gánh” - ông Đại nói tiếp.
Tác giả công nghệ giáo dục dẫn chứng: "Tiếng Việt của chúng ta có câu "Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam". Trẻ em ngày xưa sáu tuổi nói sõi, bảy tuổi nói đúng, tám tuổi nói hay nhưng vẫn viết sai chính tả. Lớp 10 viết sai, đại học viết sai. Nhưng tôi dạy trẻ con học hết lớp 1 ở bất cứ nơi đâu trên đất nước này, miễn sáu tuổi, chỉ cần học với tôi một năm sẽ đọc thông, viết thạo. Viết ra đọc được, đọc ra viết được mà không sai chính tả”.
Về câu hỏi: "Tồn tại của công nghệ giáo dục sẽ ra sao khi đã thử nghiệm hàng chục năm nay nhưng vẫn chưa được áp dụng chính thức? Cạnh đó, GS Nguyễn Minh Thuyết, chủ biên chương trình phổ thông mới, cho rằng công nghệ giáo dục sẽ không có trong chương trình mới này", GS Hồ Ngọc Đại mạnh mẽ khẳng định: “Công nghệ giáo dục sẽ tồn tại vĩnh viễn”.