Gửi tiết kiệm một chỉ, nhận lại... 20.000 đồng

Ngày 27-9-1983, ông Nguyễn Vinh Rượu (ngụ đội 1, HTX Hòa Quý, Hòa Vang) có đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh huyện Hòa Vang gửi 90 đồng vào quỹ tiết kiệm. Tại bàn 19, ông Rượu được hướng dẫn gửi theo dạng tiết kiệm không kỳ hạn. Từ năm 1983 đến năm 1988, số tiền lãi vẫn được tính đều đặn. Tính đến tháng 11-1988, ông Rượu có 266 đồng trong quỹ tiết kiệm.

Gia sản bị bỏ quên

Bà Nguyễn Thị Thạnh, con gái ông Rượu, cho biết: “Hồi đó gia đình tôi cũng nghèo khó nên làm gì có tiền gửi tiết kiệm. Số tiền này là tiền chính sách, hỗ trợ các gia đình thân nhân liệt sĩ vì gia đình tôi có ba liệt sĩ. Cha tôi không biết chữ, lúc đi gửi cũng không nói với ai nên gia đình không hay biết”.

Năm 2001, ông Rượu qua đời. Mãi tới gần đây, khi lục tìm trong đống giấy tờ của người cha quá cố, người nhà của ông mới phát hiện quyển sổ tiết kiệm. “Khi cầm quyển sổ, thấy không có dấu đỏ gì nên tôi cũng sợ là sổ giả. Rồi nghĩ chắc ngân hàng này giờ đã giải thể nên gia đình cũng không đi hỏi. Nhưng càng để lâu càng thắc mắc nên giờ tôi mang sổ đến ngân hàng nhằm tìm hiểu cho rõ chứ cũng không hy vọng nhận được tiền” - bà Thạnh cho biết.

Cũng theo bà Thạnh, vào thời điểm đó số tiền này có giá trị rất lớn. Với 266 đồng có thể mua hơn một chỉ vàng hoặc nhiều tài sản có giá trị khác. “Nếu biết có quyển sổ này thì gia đình tôi đã đi rút từ lâu chứ không phải để lâu như vậy. Số tiền này trước đây là cả một gia sản chứ đâu ít” - bà nói.

Sổ tiết kiệm của gia đình bà Thạnh giờ chỉ còn giá trị làm “kỷ niệm”. Ảnh: T.TÀI

Tiền nhận được không đủ cuốc xe ôm

Sáng 31-3, bà Thạnh mang quyển sổ tiết kiệm đến Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng (trụ sở trên đường Lê Duẩn) để nhờ tư vấn. Tại đây, bà được các nhân viên hướng dẫn sang Ngân hàng VietinBank (đường Nguyễn Văn Linh) giải quyết. Sau khi kiểm tra quyển sổ, nhân viên VietinBank xác định đây là sổ tiết kiệm thật và sẽ tiến hành tất toán cho khách hàng. Tuy nhiên, do còn vướng mắc về hàng thừa kế và phương án xử lý quyển sổ nên nhân viên ngân hàng đi phôtô, giữ lại một bản. “Họ nói với tôi là cứ về nhà rồi mấy ngày sau sẽ liên lạc, mời đến rút tiền. Theo ước tính của các nhân viên thì tôi sẽ được nhận hơn 20.000 đồng” - bà Thạnh kể.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng, cho biết thời gian qua cũng có một số người đưa sổ tiết kiệm “tuổi đời” 20-30 năm đến rút tiền và ngân hàng vẫn giải quyết cho khách hàng bình thường. “Phần lớn số tiền trong các sổ tiết kiệm rất nhỏ, qua lần đổi tiền lại càng nhỏ hơn. Ngân hàng Nhà nước đã dồn toàn bộ số tiền này qua một tài khoản riêng để giải quyết khi khách hàng đến nhận tiền” - ông Minh cho biết.

Chúng tôi đặt câu hỏi: Có hợp lý không khi vào thời điểm mở sổ, số tiền người dân gửi có giá trị khá lớn nhưng tới giờ nhận cả lãi lẫn gốc không đủ một cuốc xe ôm. Ông Minh cho rằng đây không phải là Nhà nước o ép người dân mà là do giá trị đồng tiền bị sụt giảm. Ngân hàng Nhà nước đã có hướng dẫn rất rõ ràng về việc chi trả này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm