Hạ huyết áp bằng rau quả

Những bệnh nhân tăng huyết áp đã được bác sĩ chẩn đoán và điều trị thì điều cần thiết nhất là phải uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần có một chế độ làm việc, tập luyện thể dục, nghỉ ngơi hợp lý giúp kiểm soát tốt huyết áp.

Tuy nhiên song song với các việc làm nói trên, bệnh nhân tăng huyết áp có thể áp dụng một chế độ ăn, có tăng cường các loại thực phẩm giúp hạ huyết áp một cách tự nhiên, không độc hại. 

Những thực phẩm có thể làm giảm huyết áp thường cho kết quả khi người bệnh dùng từ hai tuần trở lên. Chúng tôi xin giới thiệu các thực phẩm hữu ích cho người bệnh tăng huyết áp tham khảo sử dụng như sau:

Một số rau củ quả mùa đông

Nghiên cứu về giá trị thực phẩm đã cung cấp cho chúng ta danh sách một số loại rau củ quả có tác dụng hạ huyết áp: cần tây có một hợp chất gọi là 3-n-butyl phthalide có tác dụng làm giãn các cơ trơn lót trong các mạch máu, giảm huyết áp. Rau cần tây còn chứa nhiều vitamin C, kali, canxi và magiê cũng giúp giảm huyết áp. Nghiên cứu của Mỹ đăng trên tờ New York Times cho thấy: những người ăn cần tây mỗi ngày làm giảm huyết áp của họ từ 12 - 14% so với những người không ăn cần tây.


 

Cần tây có một hợp chất gọi là 3-n-butyl phthalide có tác dụng làm giảm huyết áp. Hình minh họa

Rau bina: có nhiều folate có thể làm giảm huyết áp. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ cho thấy: những người ăn lượng rau bina tương ứng 1.000 microgram folate mỗi ngày có tác dụng hạ huyết áp nhiều hơn so với những người chỉ ăn lượng rau bina tương ứng với 200 microgram mỗi ngày.

Tỏi: có thể chống lại bệnh tim, mạch vành bằng cách thư giãn động mạch. Các khí của tỏi sinh ra trong dạ dày cũng có khả năng giãn động mạch và giảm huyết áp. Nếu bạn ăn một củ tỏi mỗi ngày có thể làm giảm đáng kể huyết áp của bạn trong ít nhất là ba tháng.

Cà chua: chứa lycopene, có tác dụng chống ôxy hóa giúp bảo vệ các tế bào khỏi các tác hại của các gốc tự do. Các lycopene và carotenoid của cà chua giúp hạ huyết áp và giảm nguy cơ bệnh tim. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Tim mạch Mỹ cho thấy: ăn thường xuyên 250mg chiết xuất cà chua trong 8 tuần có thể làm giảm đáng kể cả huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương ở bệnh nhân tăng huyết áp.

Khoai tây: chứa nhiều chất kukoamines, vitamin C, B6, B1 và B3; magiê, sắt, kẽm, phốt pho, carotenoids và phenol có tác dụng hạ huyết áp và giảm bệnh tim, tốt cho sức khỏe.

Chuối: có hàm lượng kali cao, có tác dụng làm giảm huyết áp và giảm nguy cơ đột quỵ; hàm lượng natri thấp tốt cho bệnh nhân tăng huyết áp. Tương tự chuối, các loại trái cây khác là táo, mận, lê, lựu, xoài cũng chứa chất giúp hạ huyết áp.


 

Cải cúc có chứa những chất kiềm mật tác dụng hạ huyết áp. Hình minh họa

Rau cải cúc: có chứa những chất kiềm mật có tác dụng hạ huyết áp, bổ não, những chất xơ thô tốt cho tiêu hóa, thông tiện và giảm cholesterol.

Rau diếp: chứa lượng kali cao gấp 27 lần lượng natri, tỷ lệ này rất có lợi cho sự cân bằng nước trong cơ thể và sự đào thải cặn bã, tăng cường bài tiết nước tiểu, giúp giảm huyết áp.

Rau cải thìa: có tác dụng hỗ trợ điều trị đối với các bệnh tăng huyết áp, van tim, viêm thận, chảy máu lợi, hoại huyết…

Mộc nhĩ đen: chứa chất axít tác dụng hạ cholesterol trong máu. Chất keo trong mộc nhĩ có tính kết dính mạnh, có tác dụng kết hút các chất cặn thừa trong cơ thể, đào thải ra ngoài theo đường tiêu hóa. Glucoxit purin trong mộc nhĩ làm giảm khả năng tắc mạch máu não do tăng huyết áp gây nên.

Nấm hương: chứa nhiều kali, ít natri và chứa chất có tác dụng khống chế lượng cholesterol trong máu và trong gan, ngăn chặn quá trình xơ cứng động mạch, hạ huyết áp…

Hành tây: làm tan bớt búi tắc mạch máu não, ức chế cholesterol trong máu tăng cao do ăn uống các thực phẩm nhiều chất béo. Những chất có trong hành tây có thể giảm sức cản của thành mạch máu, ổn định huyết áp.

BS. Bùi Thị Thu Hương

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới