Hà Nội bàn giải pháp phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19

Sáng 22-4, Hội nghị Thành ủy Hà Nội lần thứ 23 đã thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung quan trọng, trong đó có vấn đề khôi phục sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết đến nay dư luận quốc tế cơ bản thống nhất đánh giá COVID-19 là đại dịch lớn nhất hành tinh làm thay đổi đời sống con người lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2.

Theo ông, dịch bệnh đặt ra thách thức toàn diện cho cả thế giới và Việt Nam về bảo vệ sức khỏe cộng đồng, duy trì phát triển kinh tế, xã hội và ổn định chính trị, xã hội.

Là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, mật độ dân cư đông đúc và nhiều khách vãng lai, thủ đô Hà Nội là một địa bàn có rủi ro cao và bị ảnh hưởng nặng nề nhất so với các địa phương trong cả nước. Trong đó, TP có số ca lây nhiềm nhiều nhất, nhiều ổ dịch phức tạp như: Trúc Bạch, BV Bạch Mai, Hạ Lôi…

Theo Bí thư TP Hà Nội, dịch COVID-19 đã và đang tác động nhiều mặt đến đời sống kinh tế, xã hội; gây gián đoạn chuỗi cung ứng và thương mại; làm đình trệ, đóng băng các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã sản xuất “cầm chừng”, thu hẹp quy mô hoặc phải tạm dừng hoạt động.

Trong quý I-2020, tăng trưởng kinh tế vẫn được duy trì, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 3,72%, tuy không đạt kế hoạch nhưng là kết quả nỗ lực, cố gắng rất lớn của TP trong điều kiện bị thiệt hại nặng nề do dịch bệnh. Đây cũng là mức tăng trưởng cao so với các TP lớn trong nước và khu vực.

“Tại hội nghị này, chúng ta phải trả lời được câu hỏi Hà Nội đã tiên phong, gương mẫu và chiến thắng quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19, liệu Hà Nội có thể tiên phong, gương mẫu và chiến thắng trong mặt trận phục hồi và phát triển kinh tế Thủ đô hay không? Và để làm điều đó, mỗi cấp ủy, chính quyền, quận, huyện doanh nghiệp và người dân phải làm gì?” - ông Huệ gợi mở.

Ông Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu thảo luận những định hướng, giải pháp thích ứng với điều kiện phòng, chống dịch. Trong đó, thảo luận giải pháp đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (phấn đấu nông nghiệp tăng trưởng đạt 4%-5%), thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo tinh thần “góp gió thành bão”, cải cách hành chính, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, cho người dân...

Đẩy mạnh sản xuất những lĩnh vực, mặt hàng có lợi thế trong điều kiện phòng, chống dịch (hóa chất, khẩu trang, thuốc sát trùng, dược phẩm…) hoặc cần thiết và có tiềm năng phát triển mạnh như: Công nghệ thông tin, thương mại điện tử, dịch vụ ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ công trực tuyến… cũng là nội dung quan trọng được đề nghị thảo luận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm