Ngày 10-4, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải ngân đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội ứng phó với dịch COVID-19.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ.
Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng tăng trưởng quý I-2020 của Hà Nội vẫn đạt 3,72%; ngân sách nhà nước đạt khoảng 72.600 tỉ đồng, bằng 26,5% tổng dự toán.
Thời gian tới toàn TP cũng sẽ tập trung mọi nguồn lực để chống dịch, đồng thời giảm thấp nhất ảnh hưởng của dịch tới kinh tế, xã hội.
TP Hà Nội đặt quyết tâm tăng trưởng 4,04% trong lĩnh vực nông nghiệp trên cơ sở đưa đàn heo lên 1,8 triệu con; đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm, tái cơ cấu lại ngành trồng trọt; giảm diện tích trồng hoa và tăng diện tích trồng rau củ quả; rà soát sử dụng tối đa, triệt để các đất đai chưa sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả.
TP Hà Nội cũng đã chuyển 650 tỉ đồng ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội để triển khai cho vay vốn, giải quyết việc làm, thúc đẩy nông thôn phát triển và các công trình hạ tầng khác, bảo đảm cho mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp đề ra.
Cùng với đó, TP đẩy mạnh triển khai các lĩnh vực khác như thực phẩm, sản xuất thiết bị y tế, ngành CNTT liên quan đến 4.0… đặc biệt là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
“TP phấn đấu để giảm thiệt hại do dịch bệnh COVID-19 ở mức thấp nhất và phấn đấu tăng trưởng ở mức cao hơn cả nước là 1,3%; bảo đảm cân đối thu chi ngân sách” - Bí thư Hà Nội nói.
Bí thư Hà Nội cũng đề nghị cho Hà Nội được áp dụng một số cơ chế chính sách cụ thể để vực dậy nền kinh tế-xã hội đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Cụ thể:
Hà Nội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT cùng các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, sớm đưa vào hoạt động của dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông cũng như một số dự án trọng điểm về giao thông khác; cho phép Hà Nội áp dụng cơ chế đặc thù về giải phóng mặt bằng như đã áp dụng ở TP.HCM.
Hà Nội cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghị định sửa đổi Nghị định 63 về một số cơ chế tài chính đặc thù cho thủ đô, tạo điều kiện để đẩy nhanh phát triển kinh tế và kết cấu hạ tầng trong thời gian tới…
Ngoài ra, với một số công trình lớn và cấp bách liên quan đến y tế, giáo dục, môi trường, an sinh xã hội, giao thông… thì cho phép Hà Nội được lựa chọn nhà đầu tư theo Điều 26 của Luật Đấu thầu, trên cơ sở có thể kiểm toán, rà soát, thẩm định trước dự toán và cắt giảm khoảng 5%-7% chi phí dự toán để đẩy nhanh tiến độ.
Bên cạnh đó, Bí thư Hà Nội cũng đề nghị nghiên cứu để có những chính sách hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục, y tế trong và ngoài công lập. Ông cho hay chỉ tính riêng hệ thống giáo dục ngoài công lập của Hà Nội có 46.000 người bị ảnh hưởng do dịch bệnh…
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo quản lý, tổ chức bộ máy, biên chế TP Hà Nội đã đã có 11 quận, huyện, thị xã, 515/579 (88,9%) xã, phường, thị trấn và 3.520/7.527 (46,7%) thôn, tổ dân phố tiến hành sắp xếp xong người hoạt động không chuyên trách. TP cũng đã hoàn thành việc sắp xếp các thôn, tổ dân phố không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định; sau sắp xếp giảm được 2.708 thôn, tổ dân phố (giảm 34%, từ 7.968 xuống còn 5.260 thôn, tổ dân phố). Hà Nội đồng thời rà soát, thống nhất danh sách đối tượng và hình thức xét tuyển đặc cách viên chức giáo dục… Đặc biệt, nhờ đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế, TP đã giảm tỉ trọng chi thường xuyên trên tổng chi ngân sách nhà nước từ 58,8% năm 2016 xuống còn 51,2% năm 2020; tiết kiệm chi thường xuyên hơn 13.000 tỉ đồng trong giai đoạn 2016-2020, tạo thêm nguồn cho cải cách tiền lương và tăng cường nguồn lực chi đầu tư phát triển. |