Năm 2005, chính quyền Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết quận Hoàng Mai, trong đó có khu công viên hồ điều hòa có ký hiệu là A1/CXKV ở phường Định Công rộng hơn 25ha. Điểm nhấn của quy hoạch này là Đầm Bông, một hồ tự nhiên được kỳ vọng sẽ tạo cảnh quan vừa hiện đại, vừa thân thiện môi trường, cho một vùng đất vốn thuần nông, đang bước vào giai đoạn đô thị hóa mạnh.
Lấn chiếm xây dựng khiến hồ thành ao
Ông N.V.K, một người dân địa phương kể, khu vực Đầm Bông vốn là vùng nước trũng, được Nhà nước giao cho các hộ dân ở xã Định Công, thuộc huyện Thanh Trì để sản xuất nông nghiệp theo Nghị định 64.
Sau đó một người có tiếng tại địa phương là ông Kh thuê lại khu ao hồ này từ các hộ dân để nuôi cá, rùa, ba ba. Năm 2003, Định Công là một trong 9 xã của Thanh Trì được tách ra để thành lập quận Hoàng Mai và Đầm Bông dần dần bị san lấp.
|
Hiện trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép tại Đầm Bông vào tháng 12-2022 Ảnh: Trọng Phú |
Theo ông K tình trạng lấn hồ diễn ra một cách ngang nhiên 6-7 năm gần đây, nhất là 2 năm đại dịch COVID-19. Nếu so với trước, đến thời điểm này, phần mặt nước 10 phần trước đây thì đã bị lấp 8-9 phần. Nhà xưởng, kho bãi xây dựng trái phép quây kín quanh phần hồ còn lại.
“Gia đình tôi có một phần diện tích ở Đầm Bông cho ông Kh thuê lại để nuôi thủy sản nhiều năm rồi. Đến giờ vào dịp cuối năm vẫn được ông ấy trả lợi tức, dù thực tế hồ đã bị lấp gần hết. Thực tế giờ tôi cũng không biết phần đất ao hồ nhà mình nằm ở khu vực nào nữa” – ông K nói.
So sánh thực tế những hình ảnh chụp từ vệ tinh, được Google Earth lưu lại thấy rõ sự lấn chiếm này.
Những tấm hình tại thời điểm tháng 1-2013 cho thấy Đầm Bông vẫn là một hồ nước vuông vức, mặt nước mênh mông, giữa hồ là có một mô đất, trên đó có cái chòi tạm. Theo ông K đó là chòi do ông Kh dựng tạm để trông coi thủy sản nuôi thả trên vùng hồ thuê lại của dân sở tại.
Đến tháng 4-2015, ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy ven hồ có dấu hiệu hoạt động san lấp. Xung quanh hồ đã mọc lên các dãy nhà tạm, lều lán. Tuy nhiên thời điểm này, Đầm Bông vẫn giữ được phần lớn mặt nước.
|
Hiện trạng Đầm Bông hồi tháng 12-2014. Ảnh chụp bản đồ vệ tinh Google Earth |
|
Hiện trạng Đầm Bông hồi tháng 5-2020. Ảnh chụp bản đồ vệ tinh Google Earth |
|
Hiện trạng Đầm Bông hồi tháng 8-2021 (Ảnh chụp bản đồ vệ tinh Google Earth) |
Từ thời điểm cuối năm 2016 trở về đây, đặc biệt là giai đoạn năm 2020 tới nay – trong khoảng thời gian đại dịch COVID-19, các hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy tình trạng san lấp hồ, xây dựng trái phép diễn ra rất nghiêm trọng.
Ghi nhận thực địa của PV cho thấy phần lớn mặt nước Đầm Bông đã bị lấp phẳng. Mô đất nhỏ giữa hồ đã nối liền với bờ. Chòi canh cá trên đảo biến thành một công trình xây dựng kiên cố. Cả hồ nước những năm trước rộng khoảng 3,5 ha giờ đã được hóa kiếp thành ao nước 300-400 m2. Phần rìa ao vẫn còn dấu vết mới san lấp với đống đất, gạch, đá, vật liệu xây dựng ngổn ngang.
Khu vực vốn là mặt nước trước đây, giờ biến thành vườn chuối, nhà xưởng, kho bãi... thậm chí cả những ngôi nhà kiên cố, đánh số rõ ràng.
Tại khu vực này rất dễ liên hệ để thuê, thậm chí mua các lô đất đã được dựng sẵn lều lán, xây nhà cấp 4 để làm nhà xưởng, kho chứa hàng, hoặc để ở. Giá thuê cho 1.000 m2 là khoảng 30-40 triệu đồng/tháng. Giá đất bán theo dạng giấy viết tay là khoảng 40 triệu/m2 ở vị trí đẹp, và từ 6-12 triệu đồng/m2 ở vị trí sâu bên trong…
Chủ tịch phường nói gì?
Trả lời phóng viên, ông Đặng Xuân Chiến, Phó Chủ tịch UBND phường Định Công thừa nhận có tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại khu vực Đầm Bông, nơi được quy hoạch làm đất công viên, cây xanh, hồ điều hòa.
“Địa bàn phường là nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh và có xảy ra tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, trong đó có khu vực Đầm Bông. Các vi phạm này đã tồn tại từ nhiều năm trước, do lịch sử để lại và đã có cán bộ phường liên quan bị xử lý hình sự”. Ông Chiến lý giải, rồi khẳng định: “Những năm gần đây ở khu vực này không phát sinh thêm công trình vi phạm nào”.
|
Hiện trạng Đầm Bông hiện nay (tháng 12-2022) đã bị san lấp, lấn chiếm gần hết. Ảnh: Trọng Phú |
Dù vậy, ông Chiến cho hay mới từ đầu năm 2022 đến nay, đã hai lần UBND phường phải huy động máy xúc, nhân lực để múc đất đá bị đổ trộm xuống hồ Đầm Bông. Số liệu từ chính quyền địa phương cũng xác nhận Đầm Bông trước đây có diện tích 3,5 ha nhưng giờ đây đã bị thu hẹp đáng kể.
Trao đổi với PV về nội dung này bên lề kỳ họp HĐND TP Hà Nội vào ngày 9-12, ông Nguyễn Minh Tâm, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho biết sẽ giao cho ông Đỗ Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND quận phụ trách lĩnh vực xây dựng, quản lý đô thị kiểm tra, làm rõ thông tin mà báo chí phản ánh.
Chính quyền đã và đang làm gì?
Theo hồ sơ chúng tôi nắm được, năm 2019, Thanh tra Sở TN&MT Hà Nội đã có Kết luận thanh tra số 333 về công tác quản lý đất đai trên địa bàn quận Hoàng Mai. Theo đó, Thanh tra chuyên ngành chỉ rõ phường Định Công có 1.378 trường hợp lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Đầm Bông cũng được gọi tên trong văn bản này.
Đến năm 2020, UBND quận Hoàng Mai đã ban hành Kế hoạch 108, trong đó yêu cầu UBND phường Định Công rà soát, thống kê toàn bộ công trình vi phạm tại Đầm Bông.
Kết quả triển khai đến lúc này, phường Định Công cho biết đến đầu tháng 12-2022, địa phương mới chỉ rà soát, thống kê được 80 công trình vi phạm tại Đầm Bông. Nguyên nhân chậm trễ là 2 năm qua phường phải tập trung nhân lực phòng chống dịch COVID-19, đồng thời nhân sự lãnh đạo phường (Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch UBND phường) có sự thay đổi.
Lãnh đạo UBND phường Định Công cho biết hiện phường này vẫn đang tiếp tục rà soát, thống kê vi phạm về lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại Đầm Bông. Tuy nhiên, vị này cũng chưa đưa ra thời hạn hoàn thành công tác rà soát để báo cáo với UBND quận Hoàng Mai.