Theo ghi nhận của PV, gió lốc chỉ quét qua từng khu vực nhỏ trong vài phút và di chuyển đi nhiều nơi. Tại khu khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, nhiều cành cây đã bị gió giật gãy, mái tôn nhựa văng khỏi nóc nhà, bụi mù mịt. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở nhiều nơi khắp nội thành như phố Thái Hà, Tôn Đức Thắng...
|
Gió lốc khiến bụi, rác cùng nhiều vật thể bốc cao hàng chục mét tại khu đô thị Mỹ Đình. Ảnh chụp lúc 16h: độc giả Vương Thanh Hà. |
Gió lốc xảy ra vào giờ cao điểm buổi chiều khiến hàng nghìn người đi xe máy, xe đạp hốt hoảng tấp vào lề đường. Một số phụ nữ do tay lái không vững đã bị gió mạnh quật ngã.
Khoảng 20 phút sau, trời đổ mưa.
Trao đổi với VnExpress, ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương lý giải, gió lốc mạnh chiều 21/5 là khởi đầu của cơn giông. "Đây là hiện tượng phổ biến trước khi xảy ra cơn giông. Gió thổi theo hình xoắn ốc (tương tự như vòi rồng nhưng rộng và yếu hơn) ở nhiều khu vực nên mọi người tưởng là liên tục đổi chiều", ông Hải nói.
|
Bão bụi khắp nội thành Hà Nội. Theo ông Lê Thanh Hải, "giông nhiệt" như chiều 21/5 cũng có thể gọi là một "cơn bão nhỏ". Ảnh chụp lúc 16h22: độc giả Trịnh Khánh Trung. |
Cũng theo ông Hải, theo thuật ngữ khí tượng, cơn giông chiều nay được gọi là "giông nhiệt", hiện tượng điển hình cho thời kỳ đầu mùa hè. Theo đó, trước cơn giông sẽ có gió xoáy rất mạnh. Do mặt đất bị hun nóng nhiều ngày nên khi có gió lốc, những vật thể nhẹ như rác, bụi... sẽ bị cuốn lên rất cao.
Tuy nhiên, cơn giông đi kèm lại có lượng mưa không đáng kể.
"Ngày 22/5, trời sẽ vẫn tiếp tục nắng nóng. Sau đó mới có mưa lớn giải nhiệt cho Hà Nội và các tỉnh phía Bắc", ông Hải cho biết.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, nhiệt độ nội đô Hà Nội lúc 13h ngày 21/5 xấp xỉ 38 độ C. Tuy nhiên, đây là thông số đo trong lều khí tượng còn nhiệt độ ngoài trời nóng hơn 2-3 độ. Những khu vực có mật độ xây dựng cao hay ngoài đường phố thậm chí còn nóng hơn nữa.
Theo Nguyễn Hưng (V NE)