Ngày 31-3, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội Trần Thị Phương Lan, cho biết hiện nay hệ thống các siêu thị trên địa bàn TP đủ hàng hóa, thực phẩm cung cấp cho người dân, đảm bảo không tăng giá.
“Do vậy, người dân không cần phải đi mua hàng tích trữ. Việc đổ xô đến siêu thị có thể dẫn đến không bảo đảm về khoảng cách tiếp xúc, nguy cơ lây nhiễm chéo dịch bệnh” - bà Lan nói.
Cụ thể, Sở Công Thương TP Hà Nội đã xây dựng phương án đảm bảo nguồn cung nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân ở các mức độ dịch (từ cấp độ 1 đến cấp độ 5).
Cụ thể:
Cấp độ 1 là trên địa bàn TP có một quận, huyện với số người trong khu vực cách ly 200 người và 2.350 người cách ly tại nơi ở trong thời gian 28 ngày.
Cấp độ 2 là TP có ca lây nhiễm thứ phát, xuất hiện khoảng năm khu vực cách ly với 1.000 người và 12.750 người cách ly tại nơi ở.
Cấp độ 3 có từ 20 ca nhiễm đến trên 1.000 trường hợp mắc bệnh trở lên với 10 khu vực cách ly, số người cách ly 2.000 người và cách ly tại nơi ở khoảng 127.500 người.
Cấp độ 4 là TP có 1.000-3.000 trường hợp mắc tại các quận, huyện với số người bị cách ly 30.000 người và 382.500 người bị cách ly tại nơi ở.
Cấp độ 5 trên địa bàn có từ 3.000 -30.000 người mắc…
Theo phương án của Sở Công Thương đưa ra, hiện mức độ dịch tại Hà Nội đang rơi vào cấp độ 3 nhưng phương án chuẩn bị hàng hóa ở mức độ dịch cao nhất (cấp độ 5) cũng được Sở Công Thương sẵn sàng chuẩn bị với lượng hàng hóa lớn có thể huy động bất cứ lúc nào.
"Lượng hàng hóa tại kho của các doanh nghiệp đảm bảo cung cấp cho thị trường Hà Nội trong vòng 60-90 ngày, hiện lên đến 174.000 tỉ đồng và đang tiếp tục tăng" - đại diện Sở Công Thương TP Hà Nội cho biết.
Trước đó, ngày 18-3, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã có cuộc họp với các doanh nghiệp cung ứng bán lẻ trên địa bàn. Tại cuộc họp này các DN cho biết đã chuẩn bị lượng hàng hóa gấp 3-5 lần bình thường để sẵn sàng cung ứng cho TP Hà Nội trong đợt cao điểm chống dịch COVID-19.