Sáng 25-3, HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên giải trình về kết quả thực hiện thông báo kết luận chất vấn tại các kỳ họp HĐND thành phố khóa XV về công tác quản lý trật tự xây dựng. Tại đây, việc xử lý công trình xây dựng đang tồn tại trái phép trên mặt cống mương Phan Kế Bính (quận Ba Đình) tiếp tục làm nóng hội trường.
Nhà hàng Hải Sản Phố, công trình mọc lên trên dự án cống hoá mương Phan Kế Bính đến nay vẫn chưa được Hà Nội xử lý dứt điểm
Giải trình trước HĐND TP Hà Nội, ông Đinh Quang Thắng, Đội trưởng đội quản lý trật tự xây dựng quận Ba Đình, cho biết dự án cống hoá mương Phan Kế Bính do Công ty Cổ phần Đa quốc gia thực hiện theo chủ trương xã hội hoá từ năm 2007, năm 2010 triển khai xây dựng.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình và UBND TP Hà Nội, tháng 6-2018, UBND quận Ba Đình đã chỉ đạo Đội quản lý TTXD quận (khi đó là Thanh tra Xây dựng) thiết lập hồ sơ công trình vi phạm. Tháng 7-2018, quận đã tổ chức cưỡng chế, xử lý xong toàn bộ công trình xây dựng không phép.
“Hiện nay trên tuyến mương Phan Kế Bính chỉ còn công trình showroom là được cấp phép của Sở Xây dựng và công trình phụ trợ cũng được cấp phép tạm. Sai phạm chủ yếu ở thời điểm năm 2011 là sai phạm cơi nới phần mái tôn ở nóc tầng 2, không có sai phạm lớn. UBND quận Ba Đình cũng chỉ đạo, đơn vị tổng hợp báo cáo đưa 2 công trình này vào GPMB trong giai đoạn tới toàn bộ phần tuyến mương Phan Kế Bính” – ông Thắng cho hay.
Trước giải trình này, ĐB Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội đã chất vấn lại. Ông cho hay nghị quyết của HĐND TP Hà Nội đã quy định rõ dự án cống hoá mương Phan Kế Bính là “chỉ được phép làm giao thông tĩnh, phục vụ mục tiêu chống ùn tắc giao thông của Chính phủ và Hà Nội”.
Thế nhưng ở đây lại mọc lên những công trình xây dựng sai phép, thậm chí có công trình được cấp phép xây dựng. “Tại sao Sở Xây dựng lại cấp phép cho công trình xây dựng tại đây” – ông Nam đặt câu hỏi.
ĐB Nam cũng chất vấn tại sao phải chờ đến khi giải phóng mương Phan Kế Bính thì mới cưỡng chế nốt các công trình sai phạm còn lại trên mặt cống hoá mương Phan Kế Bính. “Công trình đã xây dựng sai phép, sử dụng sai mục đích thì chúng ta phải phá dỡ để trả lại nguyên trạng phục vụ giao thông tĩnh. Chúng ta cứ nói chờ GPMB thì mai giải phóng mặt bằng nhà dân chúng ta cũng nói như thế là không đúng, không công bằng” – ĐB Nam nhấn mạnh.
ĐB Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội chất vấn về việc xử lý công trình sai phạm về trật tự xây dựng tại mương Phan Kế Bính
Về nội dung này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay hiện Hà Nội có hai dự án có công trình vi phạm trật tự xây dựng “nhức nhối” kéo dài nhiều thời kỳ khác nhau là dự án cống hoá mương Phan Kế Bính và mương Nguyễn Khánh Toàn.
Vào tháng 6 và 7-2018, UBND TP Hà Nội chỉ đạo quận Ba Đình xử lý đối với những ô đất mà chủ đầu tư cho xây dựng công trình sai phép. Hiện tuyến mương Phan Kế Bính còn tồn tại một nhà hàng (nhà hàng Hải Sản Phố) và bộ phận liên quan đến dịch vụ bán xe máy do liên quan đến việc chủ đầu tư ký hợp đồng với TP khi thực hiện dự án.
Ông Chung cho hay trước đây thành phố có có chủ trương khuyến khích xã hội hoá để cống hoá mương gây ô nhiễm trên địa bàn, trong đó phục vụ đúng mục đích để làm bãi đỗ xe. Các chủ công trình được sử dụng một phần để làm dịch vụ. Dịch vụ ở đây có thể bán hàng, có thể phục vụ sửa chữa ô tô xe máy.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung giải trình về công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn sáng ngày 25-3
“Hợp đồng này trong thời gian tới sẽ hết hạn. Thành phố cũng nhất quán quan điểm với quận đến hết hạn (hợp đồng) sẽ yêu cầu chủ công trình phá dỡ. Vì còn liên quan đến quyết định của Sở TNMT, Sở Xây dựng đã cấp phép, đã ký hợp đồng thuê đất. Nếu chúng ta cưỡng chế thì chỉ có con đường ra toà thôi. Mà ra toà thì rất phức tạp. Vì thế mà thành phố cũng theo hướng chờ hết thời hạn hợp đồng trong thời gian tới để chủ công trình phá dỡ. Thời điểm này cũng phù hợp với tiến độ phê duyệt dự án mở đường trên tuyến mương Phan Kế Bính mà thành phố đang dự kiến triển khai” – ông Chung lý giải.
Ông Chung cũng cho hay việc xử lý công trình còn lại tại mương Nguyễn Khánh Toàn cũng sẽ được thực hiện theo phương án như vậy.
“Tinh thần là thành phố cương quyết chứ không châm trước cho bất cứ công trình nào. Như vậy chúng ta cũng hài hoà giữa lợi ích nhà đầu tư và những cam kết của thành phố trước đây khi thực hiện thí điểm mô hình xã hội hoá” – ông Chung nhấn mạnh.