Hà Nội: Nhiều làng xã ven sông Bùi, sông Tích ở Hà Nội sống chung với lũ 6 ngày qua

(PLO)- Nhiều làng, xã ven sông Bùi, sông Tích thuộc các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức của Hà Nội bị ngập nặng, nhiều hộ dân phải sống chung với lũ 6 ngày qua...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhiều ngày nay, xóm Bến Vôi (xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) bị ngập trong nước lũ, khiến mọi sinh hoạt của người dân bị đảo lộn.

Chở cháu đi dạo làng bằng... xuồng!

Ghi nhận vào sáng ngày 29-7, con đường dẫn vào xóm Bến Vôi vẫn bị chia cắt bởi nước lũ, có đoạn nước lũ cao 40-50 cm. Người dân cho biết, tình trạng ngập úng ở đây đã kéo dài 6 ngày.

song-chung-voi-lu-6-ngay4.jpg
Xóm Bến Vôi, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội bị cô lập trong lũ 6 ngày qua (Ảnh: Phi Hùng)

Bà Nguyễn Thị Hiệp – người dân của xã Cấn Hữu cho biết, xã có sông Tích chảy qua, địa phương hầu như năm nào vào mùa này cũng ngập. Mực nước lũ năm nay chỉ thấp hơn trật lụt lịch sử năm 2008 khoảng 20cm.

Cũng theo bà Hiệp, cách đây khoảng 2 hôm nước rút được 10cm, nhưng đến hôm nay nước lũ bắt đầu lại dâng cao trở lại. Và chưa biết bao giờ nước rút vì Hà Nội vẫn đang tiếp tục xuất hiện mưa lớn.

song-chung-voi-lu-6-ngay3.jpg
Người dân xóm Bến Vôi (xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, Hà Nội) phải di chuyển bằng thuyền do nước lũ cô lập. (Ảnh: Phi Hùng)

“Vào mùa này bà con ở xóm Bến Vôi vất vả lắm, lũ lên và cả xóm bị chia cắt, mọi sinh hoạt đều bị đảo lộn. Khó khăn nhất là nước sạch, phải nhờ đến sự hỗ trợ của chính quyền hay người dân phía bên ngoài”- bà Hiệp chia sẻ.

Giữa những con đường mênh mông trong biển nước, bà Lan đang chèo thuyền chở cháu đi chơi. Bà cho hay: “Cả tuần nay, nhà cửa, đường xá đều bị ngập hết, nhà có cháu nhỏ không có không gian để chơi. Tôi đành phải lấy thuyền chở cháu đi dạo quanh làng”.

Còn bà Hoàng Thị Kí cho biết, kể từ đợt lũ lụt lịch sử năm 2008 thì năm nay cũng là năm lũ lớn. Mỗi lần ngập thế này cuộc sống của người dân nơi đây lại trở nên rất khó khăn, ảnh hưởng lớn đến tài sản và kinh tế của người dân.

song-chung-voi-lu-6-ngay5.jpg
Đường vào xóm Bến Vôi (xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, Hà Nội) được treo biển cảnh báo nguy hiểm. (Ảnh: Phi Hùng)

“Hôm nước bắt đầu dâng, làm việc gì cũng khó khăn, sáng sớm tôi dậy đi chợ mà lặng người vì thấy nước đã tràn hết vào trong nhà, đồ đạc ướt hết. Sân và cổng nhà tôi bị ngập gần mét rưỡi nên khi đi đâu tôi cũng phải leo qua cửa sổ để ra đường vì cổng nhà bị ngập quá sâu không thể đi được.

Mỗi lần vào bắc bếp nấu ăn tôi như nấu ăn trên biển nước, phải loay hoay 30 phút mới nhóm được lửa do bếp cũng đã bị ngập rất ẩm ướt”- bà Kí nói.

Hiện mặt đường tỉnh lộ 421B, đoạn qua xã Cấn Hữu cũng bị nước lũ nhấn chìm. Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, lực lượng chức năng huyện Quốc Oai đã bố trí phương án phân luồng từ xa, cử cán bộ chốt trực, cấm các phương tiện lưu thông qua địa điểm trên

Chính quyền địa phương cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin nước lũ dâng cao do mưa lớn, chính quyền đã hỗ trợ di dời các hộ bị ngập sâu đến nơi tạm trú an toàn, đồng thời triển khai công tác khắc phục hậu quả mưa lũ...

Hàng nghìn hộ dân Chương Mỹ bị lũ chia cắt

Tại huyện Chương Mỹ, các xã ven đê hữu sông Bùi cũng bị nước tràn qua đê làm ngập nhà cửa, ruộng vườn, đường xá giao thông bị chia cắt trong gần 1 tuần qua.Tại địa bàn thôn Nhân Lý (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) giao thông cũng bị chia cắt, muốn di chuyển phải sử dụng thuyền hoặc bè tự chế.

“Nước lũ tràn đê sông Bùi làm ngập nhà cửa từ ngày 24-7, khiến nhà cửa bị ngập, nước cao gần bằng trận lũ lịch sử năm 2008. Tối ngày 27-7 nước rút nhưng sang ngày 28-7 đến nay nước lũ lại dâng cao rồi. Không biết đến bao giờ nước mới rút” – ông Phùng Xuân Lực, trưởng thôn Nhân Lý nói.

song-chung-voi-lu-6-ngay2.jpg
Nước lũ dâng cao, làng xá nhà cửa bị ngập, giao thông bị chia cắt khiến người dân phải di chuyển bằng thuyền. (Ảnh: Trọng Phú)

Theo ông Lực, thôn Nhân Lý có 320 hộ dân thì 300 hộ bị ngập nước, nhiều gia đình bị thiệt hại nặng nề do vật nuôi bị lũ cuốn, hoa màu bị hư hại, tài sản bị ngâm nước. Từ khi lũ về, điện bị cắt, giao thông bị chia cắt, sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng nặng nề.

Báo cáo của huyện Chương Mỹ vào chiều ngày 29-7 cho biết, từ ngày 22-7 tới nay lượng mưa đo được trên địa bàn là gần 374mm. Mưa lớn khiến lũ sông Bùi dâng cao, khiến hơn 5,5km đê thuộc địa bàn 11 xã (Hồng Phong, Quảng Bị, Phú Nghĩa, Tốt Động, Thanh Bình, Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Hữu Văn, Trần Phú) bị tràn, 37m đê bị sạt lở…

bui-thi-minh-hoai.jpg
Thường trực Thành uỷ Hà Nội do Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại huyện Chương Mỹ chiều ngày 29-7. (Ảnh: Trọng Phú)

Hậu quả khiến, 24 thôn, xóm ven đê sông Bùi bị ngập, trong đó có 1.239 hộ dân bị ngập từ 0,5 - 2m, 1.231 hộ bị ngập lối đi; hơn 2.000m tường bao bị đổ.

Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, khi nước sông tràn qua đê, lực lượng chức năng đã tập trung di dời các hộ dân ra khỏi vùng ngập lụt. Lực lượng chức năng đã huy động hơn 4.700 người và 199 phương tiện tham gia.

“Đến thời điểm hiện tại còn hơn 700 hộ vẫn ở các vùng ngập lụt”, ông Đức nói và cho biết lực lượng chức năng đang tập trung cung cấp nước sạch và lương thực cho bà con vùng lũ.

Trong những ngày tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát các phương án ứng phó phù hợp; kiểm tra, rà soát nhà ở an toàn và sẵn sàng phương án sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra. Đảm bảo an toàn tính mạng, sức khoẻ cho người dân vùng ngập lụt.

Trước thực tình trạng nhiều làng xã, hộ dân ven sông Bùi, sông Tích bị cô lập nhiều ngày qua, chiều ngày 29-7, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đã trực tiếp thị sát tại xã Tân Tiến (huyện Chương Mỹ) - một trong những địa bàn bị ảnh hưởng nặng do đợt mưa lũ.

Tại hiện trường, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, UBND TP Hà Nội đã có văn bản đề nghị Nhà máy thủy điện Hòa Bình đóng 1 cửa xả, đồng thời đề nghị tỉnh Hà Nam điều tiết nước để giảm áp lực cho đê sông Bùi.

Trao đổi tại hiện trường, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cho rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là đảm bảo tính mạng cho người dân vùng ngập lụt.

“Bằng mọi cách, kể cả cưỡng chế, phải lên kế hoạch di dời hơn 700 hộ dân ra khỏi vùng ngập lụt”, bà Hoài nói và yêu cầu lực lượng chức năng huyện Chương Mỹ và TP Hà Nội đảm bảo an sinh xã hội cho các hộ dân ở vùng ngập lụt.

Ngoài ra, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu lực lượng chức năng khẩn cấp bảo đảm an toàn tuyến đê sông Bùi, huyện Chương Mỹ phải cử cán bộ ngày đêm theo dõi an toàn tuyến đê này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm