Hà Nội: Mưa lũ tràn đê, nhà cửa bị ngập, người dân chạy lũ

(PLO)- Mưa lớn tại Hà Nội hai ngày qua đã khiến lũ tràn đê sông Bùi làm ngập nhà cửa ven đê, nhiều hộ dân phải chạy lũ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mưa lớn ở Hà Nội hai ngày qua khiến nước lũ tràn đê sông Bùi (đoạn qua huyện Chương Mỹ, Hà Nội) gây ngập nhiều nhà cửa, làng xá ven sông.

Người dân chạy lũ trong đêm

Đến trưa ngày 24-7, tại làng Bùi Xá (thị trấn Xuân Mai) vẫn ngập trong biển nước, giao thông bị chia cắt, nhiều ngôi nhà bị biến thành ốc đảo, nước tràn vào nhà khiến nhiều đồ dùng bị hư hại.

lu-tran-de-song-bui-2.jpg
Lũ tràn đê sông Bùi làm ngập nhiều nhà cửa, làng xá ven sông. Ảnh: TP

Một người dân cho biết, nước lũ trên sông Bùi dâng cao từ chiều 23-7 và bắt đầu mấp mé nhiều đoạn đê. Đến khoảng 1h sáng nay (ngày 24-7), họ nghe loa phát thanh cảnh báo nước dâng cao, lũ tràn đê sông Bùi, người dân cần khẩn trương di dời đồ đạc lên cao để đảm bảo an toàn.

Tương tự, nhiều nhà cửa, làng xá ven đê sông Bùi của các xã Hoàng Văn Thụ, Tân Tiến, Nam Phương Tiến… của huyện Chương Mỹ cũng bị nước lũ tràn đê sông Bùi làm ngập, gây hư hại đồ đạc, khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn.

Trưa ngày 24-7, tại xã Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ) mực nước vẫn còn ngập cao so với nền nhà hàng mét. Giao thông bị chia cắt, nhiều hộ phải di chuyển bằng thuyền.

“Hai vợ chồng tôi chạy lũ từ rạng sáng đến giờ, một số đồ đạc thì di chuyển kịp. Có đàn gà ngoài vườn thì bị lũ cuốn trôi rồi” – Bà Đỗ Thị Dương, xã Hoàng Văn Thụ chia sẻ.

lu-tran-de-song-bui-1.jpg
Lũ tràn đê sông Bùi khiến làng xá ven sông bị ngập, giao thông chia cắt, người dân phải di chuyển bằng thuyền. Ảnh: TP

Khu vực sông Bùi được biết đến là vùng thoát lũ của Hà Nội, trong đó bên hữu sông Bùi là vùng chứa nước, vùng phân lũ. Cụ thể, khi thượng nguồn và mưa tại chỗ lớn, nước sông Bùi dâng cao sẽ gây ngập cho vùng hạ du là huyện Chương Mỹ, một phần huyện Quốc Oai và Mỹ Đức.

Trong 15 năm trở lại đây, đã 3 lần nước tràn qua đê hữu Bùi gây ngập lụt cho nhiều xã của huyện Chương Mỹ. Lần đầu là năm 2008, khi Hà Nội bị ngập lụt trên diện rộng. Lần thứ hai vào tháng 10-2017 và đợt ngập kéo dài hồi cuối tháng 7-2018.

Tiếp tục cảnh báo lũ tràn đê sông Bùi

Chiều ngày 24-7, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội cho biết số liệu quan trắc cho thấy, vào trưa nay (24-7), mực nước sông Bùi tại trạm thủy văn Yên Duyệt là 7,02m - trên mức báo động 3 (7m) là 0,2m.

Vào lúc 6 giờ 45 phút sáng nay, mực nước sông Nhuệ tại cống Đồng Quan được ghi nhận ở mức 4,0m - ngang với mức báo động 1 (4,0m). Trong những ngày qua, mưa lớn kéo dài khiến mực nước sông Đáy tại Trạm thủy văn Ba Thá vào sáng 24-7 đã lên mức 5,51m, cao hơn so với mức báo động 1 (5,5m). Trong khi đó, mực nước sông Nhuệ tại Trạm thủy văn Kim Quan (huyện Thạch Thất) và Vĩnh Phúc (huyện Quốc Oai) cũng đã vượt báo động 2 (7,6m).

lu-tran-de-song-bui-6.jpg
Lũ tràn đê sông Bùi, làm ngập nhiều làng xá, nhà cửa ven sông, khiến cuộc sống của nhiều người dân bị đảo lộn. Ảnh: TP

Bên cạnh đó, hoàn lưu bão số 2 khiến lưu lượng nước đến hồ Thủy điện Hòa Bình thời điểm quan trắc gần nhất là 5.788m3/giây, trong khi lưu lượng xả 5.481m3/giây. Để bảo đảm an toàn cho công trình, Thủy điện Hòa Bình đã phải mở cửa xả đáy.

Điều này gây áp lực rất lớn tới khu vực hạ lưu.

lu-tran-de-song-bui-7.jpg
Người dân ven sông Bùi phải di chuyển gia súc, đồ đạc chạy lũ. Ảnh. TP

Trước tình hình trên, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà đã có văn bản báo động lũ trên sông Bùi tại địa phận các xã ven đê thuộc hai huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức.

Trước đó, đơn vị này cũng đã phát lệnh cảnh báo tới các huyện ven đê sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tích gồm: Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai, Ứng Hòa, Phúc Thọ, Đan Phượng, Quốc Oai, Thạch Thất, Hoài Đức, Chương Mỹ, Mỹ Đức và quận Hà Đông.

Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội đề nghị các địa phương có xã ven các tuyến sông: Bùi, Tích, Nhuệ, Đáy, tập trung triển khai nghiêm túc các quy định khi có báo động lũ cấp 1, 2, 3; báo cáo thường xuyên về văn phòng thường trực để có chỉ đạo ứng phó kịp thời.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm