Mới đây nhất, Công ty Thoát nước Hà Nội cũng xả hơn 1 triệu m3 nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch để thau rửa dòng sông. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những biện pháp xử lý trên chỉ là giải pháp tạm thời. Muốn xử lý triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch thì phải phân tách được nguồn nước thải đổ ra dòng sông này.
Từ công nghệ Nhật đến chế phẩm Đức…
Ngày 16-5, người dân sống bên dòng sông Tô Lịch vui mừng khi chứng kiến lễ triển khai dự án thí điểm xử lý ô nhiễm, làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano Bioreactor của Nhật Bản. Dự án do đoàn chuyên gia Nhật Bản phối hợp với Công ty cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) thực hiện bằng nguồn tài trợ của Nhật Bản.
Theo đó, bốn chiếc máy sục khí Nano và các tấm vật liệu thiên nhiên Bioreactor được đặt xuống đầu nguồn sông Tô Lịch tại khu vực đầu đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy. Tại lễ khởi động dự án, các chuyên gia Nhật Bản cho hay khi đặt máy sục khí xuống thì ba ngày sau mùi hôi của sông Tô Lịch sẽ giảm và sau 1-2 tháng, các chỉ số quan trắc nước sẽ đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.
Một tháng sau, theo kiểm tra nhanh của Trung tâm Chất lượng và bảo vệ tài nguyên nước và Viện Công nghệ môi trường, chỉ số DO (độ ôxy hòa tan trong nước) tăng cao, chỉ số pH 7-7,5 nằm trong quy chuẩn cho phép, độ dày bùn giảm 3-5 cm...
Song song với dự án này, ngày 2-6, Công ty Thoát nước Hà Nội cũng cho thí điểm xử lý nước Tô Lịch bằng việc phun rải chế phẩm Redoxy3C (nhập độc quyền từ Đức) tại hai khu vực: Đoạn đầu nguồn chảy qua phố Nguyễn Đình Hoàn và đoạn cuối nguồn tại cầu Khương Đình. Theo đó, Công ty Thoát nước Hà Nội đã tiến hành quây tôn tại hai khu vực trên để rải hóa chất. Đánh giá ban đầu cho thấy nước sông Tô Lịch tại khu vực thử nghiệm trong hơn, mùi hôi giảm.
Đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội cho hay sau khi có kết quả thí điểm cụ thể cả hai loại công nghệ, TP Hà Nội sẽ lựa chọn công nghệ hiệu quả để áp dụng.
Gần đây nhất, ngày 9-7, thực hiện công tác thoát nước mùa mưa theo quy định, Công ty Thoát nước Hà Nội cũng đã mở cửa xả tháo nước Hồ Tây để thau rửa sông Tô Lịch. Theo đó, hai ngày qua, hơn 1 triệu m3 nước Hồ Tây đã được dẫn vào sông Tô Lịch. Quan sát cho thấy sông Tô Lịch, tại khu vực đầu nguồn nước xanh hơn nhưng phần cuối nguồn nước vẫn có màu đen, mùi hôi.
Các chuyên gia Nhật Bản đang xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch bằng công nghệ Bio-nano. Ảnh: TR.PHÚ
Chỉ xử lý được phần ngọn
TS Nguyễn Văn Khải, chuyên gia lĩnh vực xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường, cho rằng các giải pháp trên chỉ là xử lý ô nhiễm tại chỗ, cục bộ, chỉ có thể áp dụng với những ao hồ hẹp có mực nước đứng yên. “Sông Tô Lịch có chiều dài 14 km, nước chảy nên nếu xử lý cục bộ từng đoạn theo các công nghệ trên thì chi phí sẽ rất tốn kém, không khả thi” - ông Khải nói.
Theo ông Khải, nguồn gây ô nhiễm chính cho sông Tô Lịch là hệ thống cống nước thải sinh hoạt, sản xuất dày đặc hai bên bờ sông, nếu không phân tách được nguồn thải này để xử lý riêng thì việc áp dụng các công nghệ trên vào xử lý nước sông Tô Lịch chỉ giải quyết được phần ngọn. Hiện nay hai bên bờ sông Tô Lịch có gần 300 cống lớn nhỏ, hằng ngày có khoảng 150.000 m3 nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất chưa qua xử lý đổ xuống sông.
Đối với phương án xử lý nước sông Tô Lịch bằng việc bổ sung nước Hồ Tây, GS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, cho hay giải pháp này cũng chỉ là tạm thời. “Chênh lệch mặt nước của hồ Tây hiện nay là 15 cm, như vậy việc xả hơn 1 triệu m3 nước trong hai ngày thì lượng nước đó không thể nào chảy kín hết dòng sông Tô Lịch. Lượng nước đó không đủ để làm sạch cả con sông. Đoạn đầu có thể trong xanh nhưng đến đoạn sau thì không biến chuyển gì” - ông Hồng nói.
Chuyên gia này cũng cho rằng để xử lý tận gốc vấn đề ô nhiễm tại sông Tô Lịch cần phải phân tách được nguồn nước thải sinh hoạt, sản xuất để xử lý riêng.
Sông Tô Lịch có chiều dài khoảng 14 km, chảy qua địa phận sáu quận/huyện: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì. Sông Tô Lịch cùng với sông Kim Ngưu, sông Lừ và sông Sét đã tạo nên hệ thống tiêu thoát nước chính của TP Hà Nội. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, dưới sức ép của quá trình đô thị hóa, quy hoạch xây dựng không đồng bộ đã làm cho diện tích sông bị thu hẹp, hành lang bảo vệ bị lấn chiếm nhiều đoạn, chất lượng nước sông bị ô nhiễm nghiêm trọng. Từ một con sông đẹp, Tô Lịch đã trở thành một dòng sông bị ô nhiễm nặng. ________________________ Ngày 9-7, giải trình trước HĐND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thừa nhận các công nghệ trên chỉ đạt hiệu quả cao khi xử lý nước đứng, khó áp dụng đối với nơi có dòng chảy như sông Tô Lịch. Theo ông Chung, để xử lý tận gốc thì phải thu gom được nguồn thải để xử lý riêng. “Tới đây, TP sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá” - ông Chung cho biết. |